Dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc

Năm 2019, sự kiện Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030 được coi là điểm nhấn quan trọng của công tác dân tộc. Đây là lần đầu tiên trong 14 nhiệm kỳ của Quốc hội có một nghị quyết về các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.

Các dự án thành phần của Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Bình Minh

Tâm huyết và trách nhiệm

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), lần đầu tiên trong lịch sử UBDT được giao chủ trì, phối hợp xây dựng một đề án lớn để Chính phủ trình Quốc hội, có thể thấy, vai trò của UBDT ngày càng nâng cao, công tác dân tộc đã có rất nhiều khởi sắc. Sự kiện công bố nghị quyết là dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và MN.

Theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, mục tiêu đề án là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm giảm trên 3%. Đến năm 2030, thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới...

Ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, UBDT chia sẻ: “Để xây dựng đề án mang tính lịch sử này, chúng tôi đã căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, UBDT đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng đề án gồm 21 thành viên thuộc Hội đồng dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến làm Trưởng ban”.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, quá trình xây dựng đề án trải qua 2 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn tổng kết đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân tộc và thực trạng phát triển kinh tế-xã hội ở vùng DTTS và MN; giai đoạn tổ chức hội thảo tham vấn, góp ý và hoàn thiện nội dung của đề án. UBDT đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành tiến hành tổng kết đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân tộc, trên cơ sở tổng hợp thông tin, số liệu phục vụ việc xây dựng đề cương chi tiết, dự thảo lần 1 của đề án. Dự thảo này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và UBDT để xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức và cá nhân. Trong tháng 5-2019, dự thảo lần 2 của đề án đã được tổ chức xin ý kiến tại 51 tỉnh vùng đồng bào DTTS và MN. Ngày 4-6-2019, Văn phòng Chính phủ đã gửi dự thảo lần 3 lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương vùng DTTS và MN. Ngày 1-8-2019, Chính phủ đã xem xét và thông qua đề án để trình Quốc hội. Ngày 18-11-2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Quốc hội phê duyệt để triển khai thực hiện là phù hợp với lòng dân. Việc triển khai thực hiện đề án sẽ thúc đẩy tốt hơn sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ ở vùng này, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tạo cơ hội để đồng bào thoát nghèo, tự lực vươn lên, xây dựng vùng DTTS và MN phát triển và hội nhập.

“Với mục tiêu, giải pháp đặt ra trong đề án, chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, việc triển khai thực hiện đề án sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước” - Ông Nam nhận định.

Tiền đề quan trọng để phát triển vùng dân tộc thiểu số

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm qua, đã có rất nhiều chính sách, nguồn lực ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS, trong đó, giai đoạn 2011-2015 có 184 chính sách, giai đoạn 2016-2020 có 118 chính sách được ban hành. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện các chính sách vẫn tồn tại như một “căn bệnh” kinh niên cho việc phát triển vùng DTTS. Ông Bùi Văn Lịch cho biết, việc Quốc hội phê duyệt đề án là một giải pháp góp phần giải quyết triệt để nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc lâu nay, trong đó có vấn đề bố trí nguồn lực. Theo đề án được phê duyệt, kinh phí thực hiện sẽ được bố trí thành dòng ngân sách riêng theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Đề án được kỳ vọng sẽ khơi dậy được ý chí vươn lên của đồng bào DTTS. Ảnh: Bình Minh

“Nút thắt” về nguồn lực được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách dân tộc được thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và MN được phê duyệt sẽ giải quyết được “độ vênh” giữa mục tiêu so với nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc” - Ông Lịch chia sẻ.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc Bùi Văn Lịch, đề án sẽ tạo sự đồng thuận và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của xã hội về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, đề án có sự tác động và thay đổi chính sách hiện hành nhưng sự tác động không lớn, không thay đổi các bộ luật, từ đó đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, khi xây dựng đề án này, UBDT đã thay đổi cách tiếp cận chính sách theo hướng chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển. Đây là điểm mới, cũng là điểm trọng tâm, đột phá trong xây dựng chính sách phát triển vùng DTTS và MN trong thời gian tới.

“Để xây dựng đề án thành chương trình mục tiêu quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội, UBDT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến DTTS và MN. Đồng thời, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh vùng này theo hướng toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dau-moc-lich-su-trong-cong-tac-dan-toc/