Đau lòng vụ án thiếu nữ vùng cao bị lừa bán sang Trung Quốc
Đã hơn 1 năm kể từ ngày Phàn Thị H (sinh năm 2005, dân tộc Mông, trú tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) được giải cứu từ Trung Quốc trở về với gia đình, thế nhưng nạn nhân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với cuộc sống đời thường. Và đối với người dân Phú Lũng, câu chuyện của H là bài học cho những cô gái trẻ trước những 'cạm bẫy' của tội phạm mua bán người.
Xã Phú Lũng là địa phương đầu tiên ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn trù phú hiện diện trong nhiều căn nhà 2-3 tầng được xây theo triền núi tạo không khí phố thị cho vùng đất biên cương này. Không khó khăn lắm để chúng tôi tìm đến được gia đình ông Phàn Duyền Q - căn nhà được xây bằng đá được bao quanh bởi ngô và ngô. Thấy khách là những người mặc sắc phục Biên phòng, ông Q niềm nở đón tiếp. Ai chứ những người lính Biên phòng là ân nhân của gia đình khi đã “lấy lại công bằng” cho con gái út của ông là Phàn Thị H bị lừa bán sang Trung Quốc.
Chuyện bắt đầu vào tháng 1/2019, Mua Mí Tủa (sinh năm 2003, trú tại thôn Mèo Ván, xã Phú Lũng) gặp Thào Thị Mua (sinh năm 2005, trú tại thôn Sủng Sử, xã Phú Lũng) xin lỗi vì 2 năm trước đã bán Mua sang Trung Quốc. Thế nhưng, câu trước xin lỗi thì câu sau Tủa đặt vấn đề với Mua về việc tìm phụ nữ bán sang Trung Quốc lấy tiền tiêu xài. Và cả hai nhanh chóng tìm được “con mồi” là Phàn Thị H (con ông Phàn Duyền Q, cũng là bạn học của Thào Thị Mua).
Mua Mí Tủa nói Thào Thị Mua đưa Phàn Thị H ra chợ trung tâm xã chơi rồi rủ nhau sang Trung Quốc đi làm thuê. Tủa cũng tính toán kỹ việc H sẽ tố giác mình nếu trốn được về Việt Nam nên y đã nói dối tên là Sính. Khi lừa được H sang Trung Quốc, Mua Mí Tủa bán nạn nhân cho Vàng Mí Pó (Tủa quen trong những lần sang Trung Quốc nhưng không rõ nhân thân, lai lịch) được 5 vạn Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc) Tủa lấy 3 vạn và chia cho Mua 2 vạn rồi cả hai tiêu xài cá nhân hết.
Tháng 1/2022, Phàn Thị H được lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu và trao trả qua cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) và đến Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang để tố cáo những kẻ đã bán mình. Sau khi điều tra, Đồn Biên phòng Bạch Đích đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Mua bán người dưới 16 tuổi", bàn giao Mua Mí Tủa cho Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.
Tháng 1/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã đưa Mua Mí Tủa ra xét xử công khai. Tại phiên tòa, Mua Mí Tủa đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin lỗi gia đình bị hại, đền bù tổn thất tinh thần, danh dự cho Phàn Thị H 10 triệu đồng. Trái lại với Mua Mí Tủa, Thào Thị Mua từ đầu đến cuối đều cho rằng mình không cùng Mua Mí Tủa bán Phàn Thị H sang Trung Quốc. Bản thân cũng không bị Mua Mí Tủa bán sang Trung Quốc năm 2017. Tuy nhiên, căn cứ vào quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Mua Mí Tủa đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Bên cạnh đó, lời khai nhận tội của bị cáo Tủa phù hợp với lời khai của bị hại và những tài liệu, chứng cứ khác có trong vụ án, được thể hiện qua: “Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm”, “Biên bản và bản ảnh nhận dạng (bị hại H nhận dạng Mua Mí Tủa và Thào Thị Mua)”, “Biên bản xác định hiện trường; sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường” của Mua Mí Tủa, Thào Thị Mua và bị hại Phàn Thị H. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Do muốn có tiền tiêu xài cá nhân nên Mua Mí Tủa đã bàn bạc với Thào Thị Mua tìm cách để Mua làm thân rồi lừa bán Phàn Thị H sang Trung Quốc lấy tiền chia nhau. Số tiền bán được là 5 vạn Nhân dân tệ (tương đương 167.739.000 đồng), trong đó, Tủa giữ lại 3 vạn, chia cho Mua 2 vạn.
Hội đồng xét xử đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thấy rằng: Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của con người, đặc biệt là trẻ em là khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Những năm gần đây, hành vi mua bán người vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang đang có diễn biến phức tạp, vì vậy, cần phải xử lý bị cáo mức án thật nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục, cải tạo, đồng thời có ý nghĩa răn đe phòng ngừa chung, góp phần đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này tại địa phương.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường; bên cạnh đó, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chưa đầy 16 tuổi nên Hội đồng xét xử tuyên phạt Mua Mí Tủa 6 năm tù giam, tính từ ngày bị bắt là 11/1/2022. Đối với Thào Thị Mua, thời điểm phạm tội mới 13 tuổi 7 tháng 28 ngày (chưa đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự) nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang không khởi tố và không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng sẽ phối hợp với Công an huyện Yên Minh lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục ngay khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử hành vi phạm tội đối với Mua Mí Tủa.
Được nói lời sau cùng, Mua Mí Tủa cúi mặt, giọng lí nhí nhưng cũng đủ cho mọi người trong phòng xét xử nghe rõ: “Bị cáo ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình, kính mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo được về với gia đình, chăm sóc bố mẹ”.
Một phiên tòa khiến nhiều người cảm thấy đau lòng cho cả nạn nhân, bị cáo và những người thân. Bởi, Mua Mí Tủa chấp hành án tù để lại vợ và con nhỏ ở nhà cuộc sống rất vất vả. Thào Thị Mua không chịu được những ánh mắt tò mò của những người xung quanh nên chuyển đi nơi khác sinh sống.
Nói về con gái của mình, ông Phàn Duyền Q cho biết: “Sau sự cố, con gái tôi sống khép kín hơn, ngại giao tiếp với người ngoài vì biết tin ai khi bị chính bạn học lừa bán sang Trung Quốc. Có lẽ phải mất nhiều thời gian thì con gái tôi mới trở lại cuộc sống bình thường được”.