Đất vàng Đà Nẵng dính sai phạm: Lỗi hệ thống?

'Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở Đà Nẵng đã trở thành sai phạm mang tính phổ biến đồng thời cũng đa dạng, phong phú hơn'.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Đà Nẵng liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017.

Lô đất số 59 Lê Duẩn được giao để xây dựng chung cư, nhưng DN đã chuyển nhượng cho người khác xây dựng khách sạn. Ảnh: VNN

Theo báo cáo này, nhiều diện tích đất được định giá thấp hơn gia thị trường, được DNNN đem đi góp vốn, chuyển nhượng trái phép... Những "ông lớn" để xảy ra sai phạm được KTNN điểm tên có Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty CP Vật liệu xây dựng – Xây lắp và kinh doanh Nhà Đà Nẵng, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), Công ty CP Dược Trung ương 3...

Không hề ngạc nhiên trước những sai phạm về đất đai tại Đà Nẵng, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, hầu hết các DNNN cổ phần hóa đều xảy ra sai phạm về đất đai, chỉ là ít hay nhiều, sai như thế nào mà thôi.

Cái sai phổ biến nhất là đất đai bị bán rẻ, tính giá thấp hơn so với giá thị trường hoặc không tính khấu hao.

Thực trạng này đã diễn ra cách đây hàng chục năm khi một số doanh nghiệp không tính giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp tính giá đất rẻ hơn so với giá thị trường, đặc biệt đó lại là những mảnh đất vàng.

Ở hầu hết các DNNN, một ai đó được chỉ định đứng ra góp vốn vào doanh nghiệp, khi cổ phần hóa xong thì chuyển hóa khu đất nơi doanh nghiệp đang đóng thành một dự án khác, còn doanh nghiệp chuyển đi nơi khác, biến đất vàng của doanh nghiệp thành các khu chung cư, trung tâm thương mại, thu lợi lớn cho những người tham gia quá trình cổ phần hóa.

"Đó là những chuyện không mới, tuy nhiên sai phạm ở Đà Nẵng liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa, các hoạt động mua bán tài sản công đã trở thành sai phạm mang tính phổ biến ở hầu hết các DNNN cổ phần hóa, những sai phạm ấy nặng nề đồng thời cũng đa dạng, phong phú hơn.

Cần lưu ý rằng, những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN ở Đà Nẵng đã diễn ra từ lâu, và những năm 2011-2017 chỉ là giai đoạn mà KTNN tiến hành kiểm toán mà thôi.

Những sai phạm ấy không chỉ diễn ra dưới nhiệm kỳ của một cán bộ nào đó mà có tính hệ thống, liên quan đến trách nhiệm của cả tập thể Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng trong một thời gian dài.

Điều có thể thấy rõ là việc kiểm tra, giám sát ở trên không tốt và chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng trên trong nhiều năm trời. Đằng sau đó, như dư luận vẫn nghi ngờ, có liên quan đến lợi ích nhóm và các vấn đề khác", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Từ những sai phạm trên, KTNN đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi ngân sách nhà nước số tiền hơn 8,266 tỷ đồng, tăng thu tiền chuyển quyền sử dụng đất do xác định giá thấp hơn giá hội đồng thẩm định giá số tiền hơn 2,179 tỷ đồng; thu hồi số tiền hơn 6,086 tỷ đồng, do giảm 10% tiền sử dụng đất sai quy định.

KTNN cũng yêu cầu UBND TP Đà Nẵng tiến hành xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm phát hiện qua kiểm toán; rút kinh nghiệm với các sai sót và kiến nghị hướng xử lý đối với một số trường hợp cụ thể.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, về nguyên tắc, Ban cổ phần hóa các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước tiên nhưng thực tế, đó chỉ là những người thực thi, còn người đồng ý và có quyền ra quyết định để doanh nghiệp được chia đất, chuyển nhượng đất.... chính là UBND TP Đà nẵng, qua các thời kỳ khác nhau

"Đối với sai phạm này lỗi không của riêng ai, nhưng ai phải chịu trách nhiệm? Đó là Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng.

Tất nhiên việc quy trách nhiệm cụ thể rất khó nhưng đã là lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm vì đó là người quyết cuối cùng, không thể đổ lỗi tập thể", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng kiến nghị một số hướng khắc phục hậu quả. Chẳng hạn, đối với trường hợp doanh nghiệp tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất cho doanh nghiệp khác, khi việc chuyển nhượng, mua bán ấy được xác định trái pháp luật thì hợp đồng ký kết giữa hai bên vô hiệu.

"Đất đai không phải là tài sản của doanh nghiệp cổ phần hóa mà là tài sản nhà nước nằm tại doanh nghiệp, trong quá trình cổ phần hóa có những việc làm trái pháp luật dẫn đến đất đó biến thành đất của doanh nghiệp.

Xử lý sai phạm chuyển đổi đất công Đà Nẵng thế nào?

Theo quy định, khi cổ phần hóa DNNN phải định giá tài sản doanh nghiệp, trong đó có đất đai và phải có sự thẩm định của cơ quan chức năng. Nếu việc định giá không chính xác, đất đai không được đem đấu giá trên thị trường và việc mua bán giữa hai bên có biểu hiện móc ngoặc, khi ấy có thể đình chỉ hợp đồng giữa hai bên, tuyên hợp đồng vô hiệu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, các bên có thể thỏa thuận với nhau hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận và các vấn đề liên quan đến bồi thường là tốt nhất, trường hợp không thỏa thuận được thì phải nhờ tòa giải quyết và tòa phán quyết như thế nào thì phải chấp nhận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/dat-vang-da-nang-dinh-sai-pham-loi-he-thong-3380779/