'Đất lành chim đậu'

Sau thời gian dài sinh sống tại Long An, những người gốc Campuchia, gốc Hoa đã xem mảnh đất này là quê hương thứ hai, nơi họ gắn bó và cống hiến. Sự mến khách, hiền hòa giúp Long An trở thành 'đất lành'...

Nhờ chăm chỉ làm ăn, ông Hứa Văn Sườn và bà Nguyễn Thị Duyên xây được căn nhà gạch kiên cố nhiều năm nay

1. Từ ngày vợ đổ bệnh, ông Hứa Văn Sườn (ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) thường xuyên kề cận, chăm sóc bà. Biết chân tay bà hay đau nhức, đi lại khó khăn, ông dìu từng bước khi bà muốn đi lại quanh nhà. Ông Sườn nói: “Bây giờ bà ấy chỉ còn gia đình này, mình không yêu thương, chăm sóc thì bà biết nương tựa ở đâu!”.

Bà Nguyễn Thị Duyên - vợ ông Sườn là người Campuchia, cha mẹ bà bị Pol Pot sát hại từ khi bà còn nhỏ. Bà cùng anh chị em lay lắt lớn lên trong sự bảo bọc của người thân. Ngày nhỏ, bà thường từ Campuchia sang Việt Nam làm thuê. Nhiều lần qua lại làm đồng, bà và ông Sườn có dịp gặp gỡ nhau. Cảm mến cô gái Campuchia hiền lành, chịu khó, ông Sườn hỏi cưới bà Duyên, đưa về Việt Nam sinh sống.

Ông Sườn kể: “Ở bên Campuchia do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất sớm nên bà ấy vất vả lắm, giấy tờ tùy thân cũng thất lạc. Sau khi về Việt Nam sinh sống, nhờ được địa phương quan tâm hỗ trợ và cũng vì vợ chồng tôi có nguyện vọng nên bà nhập quốc tịch Việt Nam, lấy tên Việt là Nguyễn Thị Duyên cho gần gũi với tên Din do cha mẹ đặt ngày xưa”.

Lúc mới về Việt Nam sống với chồng, bà Duyên gặp không ít khó khăn vì tiếng Việt chỉ bập bẹ được vài từ cơ bản. Vốn sinh ra và có một khoảng thời gian sống tại Campuchia, ông Sườn thông thạo tiếng Campuchia, nhờ vậy, ông dễ dàng giao tiếp, dạy vợ thêm tiếng Việt.

Ông Sườn kể thêm: “Để được như bây giờ, trước kia vợ chồng tôi vất vả lắm! Một phần cũng nhờ người thân, hàng xóm yêu thương, đùm bọc. Văn hóa 2 nước có nhiều điểm khác biệt nhưng chẳng ai trách cứ hay giận hờn gì những điều đó cả, bà nhà tôi cũng rất tinh ý và học hỏi nhanh nên những khác biệt đó không phải là vấn đề quá lớn”.

Được cha mẹ ông Sườn cho đất ruộng, vợ chồng ông đồng lòng sản xuất, vừa nuôi con, vừa tích lũy để phát triển cơ nghiệp. Năm người con lần lượt ra đời. Các con dần lớn lên, có cuộc sống riêng ổn định. Trên 5ha đất ông bà tích lũy được chia cho các con làm vốn lập thân. Hiện tại, ông bà sống cùng người con út trong căn nhà gạch kiên cố xây xong cách đây chưa lâu.

Hàng ngày, ông Sườn quanh quẩn ở nhà, lo chuyện cơm nước và chăm sóc bà Duyên để các con yên tâm làm việc. Vào các dịp tết, lễ lớn của người Campuchia, ông Sườn, bà Duyên nhắc nhở các con nếu rảnh việc thì về thăm lại người thân bên ngoại. Mối dây kết nối vẫn được giữ gìn dù hiện tại bà Duyên đã là người Việt với cuộc sống đủ đầy, yên ấm ở một góc vùng biên.

2. Ở thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) có ngôi miếu nhỏ nhìn ra bờ kênh Thủ Thừa. Đó là miếu Bà Thiên Hậu, nơi ghi dấu sự hình thành, phát triển của cộng đồng người gốc Hoa tại thị trấn. Ở đó có lớp học tiếng Hoa được mở hàng đêm. Người đứng lớp là thầy Diệp Xuân, người Việt gốc Hoa, cũng là thành viên Ban Quản trị miếu Bà Thiên Hậu.

Lớp học tiếng Hoa được mở hàng đêm tại miếu Bà Thiên Hậu

Không ai nhớ chính xác người Hoa đến vùng đất Thủ Thừa khi nào, thầy Diệp Xuân chỉ nghe cha mình kể lại rằng, trước đây, ông nội thầy là người đầu tiên trong gia đình tới vùng đất này tìm nơi lập nghiệp, cùng những người Hoa khác sống quây quần bên nhau. Khi cuộc sống ở quê hương mới ổn định, theo lời ông nội, cha mẹ thầy Diệp Xuân lần lượt sang Việt Nam sinh sống. Thầy được sinh ra tại thị trấn Thủ Thừa, tiếp nối truyền thống gia đình, gầy dựng sự nghiệp ở quê hương mới.

Thầy Diệp Xuân chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên việc hòa nhập và gắn bó với người dân địa phương rất dễ dàng. Ngày nhỏ, tôi vừa đi học cùng các bạn người Kinh, vừa theo học chương trình tiếng Hoa. Lớp cũng mở ngay tại ngôi miếu này”.

Thầy Diệp Xuân có 3 người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học và sinh sống tại TP.HCM. Riêng thầy Diệp Xuân vẫn ở lại Thủ Thừa, cùng cộng đồng người Hoa tại thị trấn trông coi, chăm sóc miếu Bà Thiên Hậu và duy trì lớp dạy tiếng Hoa tại miếu.

Cứ khoảng 17 giờ hàng ngày, lớp học tiếng Hoa tại miếu Bà Thiên Hậu lại sáng đèn. Học viên là các bạn trẻ trong những gia đình gốc Hoa, công nhân làm việc tại doanh nghiệp Đài Loan và những người yêu thích, muốn tìm hiểu tiếng Hoa. Tùy vào lịch làm việc, tăng ca của học viên mà lớp có khi đông, khi vắng. Và dù chỉ có đôi ba học viên, thầy Diệp Xuân vẫn dạy bởi niềm vui của thầy là được truyền đạt, hướng dẫn lại vốn tiếng Hoa cho con em người gốc Hoa lẫn người Kinh.

Ông Hán Cao Sơn là Trưởng ban Quản trị miếu Bà Thiên Hậu, cũng là người có uy tín trong cộng đồng người gốc Hoa tại thị trấn Thủ Thừa, cho biết, lớp tiếng Hoa tại miếu Bà Thiên Hậu được tổ chức dưới hình thức phi lợi nhuận. Học phí thu của học viên đủ dùng vào việc trang trải các chi phí tối cần thiết để duy trì lớp học.

Ông Sơn nói: “Ban đầu, lớp được mở với mục đích dạy cho con em người Hoa nhưng về sau, học viên người Kinh ngày càng nhiều. Sự hòa trộn và giao thoa văn hóa giữa người Kinh và người Hoa là điều tất yếu. Từ khi cha ông chúng tôi đến vùng đất này, người Kinh và người Hoa đã cùng nương tựa vào nhau gây cơ lập nghiệp. Đến bây giờ, truyền thống đó vẫn được con cháu đời sau gìn giữ, phát huy”.

Cộng đồng người gốc Hoa tại thị trấn Thủ Thừa có khoảng 60 hộ gia đình với 300 nhân khẩu. Hầu hết các gia đình người Hoa làm nghề buôn bán nhỏ, có cuộc sống ổn định, con, cháu thành đạt.

Dù đến từ đâu, những người Việt gốc Campuchia, gốc Hoa ngày nay cũng là một phần không thể thiếu trong cộng đồng xã hội. Tất cả tạo thành khối đoàn kết vững mạnh với nền văn hóa giao thoa phong phú và tốt đẹp./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dat-lanh-chim-dau-a160136.html