Đất không còn phúc lành

Phúc lành của đất là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Knut Hamsun (Nobel Văn học 1920). Qua cuốn tiểu thuyết đồ sộ, nhà văn Na Uy mở lối để con người đầy rẫy phi lý và bế tắc của thời hiện đại trở về với đất để được chữa lành. Trong bối cảnh của tiểu thuyết này, bất động sản chưa phải là vấn đề cám dỗ con người như thời mà chúng ta đang sống.

1. Thế rồi một hôm, bạn gọi video call từ một cánh rừng thông cách Đà Lạt 20 cây số, hồ hởi khoe: “Mày có thấy cái đồi kia không? Đó, chỗ đó tao sẽ làm ngôi nhà gỗ, nuôi bầy gà và trồng một vườn rau sạch, đảm bảo mọi thứ organic”.

Tôi nhắc bạn xoay chiều camera để tôi thấy ngọn đồi. Vì trên màn hình chỉ thấy khuôn mặt to chà bá của bạn với cái miệng rộng hoác như dị dạng, cái trán lấm tấm mồ hôi vì vượt mấy con dốc để kiếm được miếng đất cho dự định lui về với lối sống xanh.

Thế rồi cũng chẳng bao lâu, bạn lại gọi hỏi, “Ê mày mua lại không? Tao đã lời đến gấp rưỡi, và tao cần tiền “cắm” vào một miếng to hơn. Cả một quả đồi. Tao định làm cái vườn rộng hơn chút, làm cái trại gà lớn hơn chút, còn lại trồng phong lan...”. Đời thằng lực điền cày bừa trên mớ chữ, cứ nghe tỉ nọ tỉ kia là huyết áp vượt ngưỡng, tôi khuyên bạn thôi, để yên cho mấy cái đồi trên đó.

Trong nền kinh tế được tái cơ cấu bắt đầu từ đất đai, thì đất đai từ chỗ nằm dưới chân con người đã dâng lên, nhấn chìm con người. Thước đo giá trị và đẳng cấp xã hội căn cứ vào giá trị bất động sản. Giàu nhanh sau một đêm cũng bởi bất động sản, mà từ đỉnh cao của danh vọng trở thành kẻ tù tội cũng bởi bất động sản.

Cũng câu ấy, tôi khuyên nhiều người, để yên cho mấy cái đồi còn loe ngoe vài cây thông. Nhưng những người tôi khuyên đều đã nắm trong tay dăm bảy lô. Có lẽ họ coi thường những thằng lý thuyết suông không có thực cũng chẳng có đạo gì, mở miệng toàn nói điều viễn mơ. Cô em mở khách sạn ở trung tâm nói với tôi, mỗi tuần chỗ em đón khách du lịch, thường hết 90% là khách các nơi về đây đi mua đất, mua nhà.

Vậy mới biết, rừng bao nhiêu cũng hết vì những ý định được khoác lên cái lý tưởng trở về thiên nhiên, mảnh vườn và chuồng gà organic “một mai một cuốc một cần câu”. Tiến trình cứ theo đúng một thứ tuyến tính đáng sợ: đất rừng mọc lên cái nhà dưới tán thông, rồi nhà dưới tán thông sẽ tiến đến chuyển đổi nông nghiệp, thổ cư, và từ thổ cư sẽ phân lô nhỏ hơn, thông lúc này biến mất hoàn toàn.

Đà Lạt 1969. Ảnh: Bill Robie

Đà Lạt 2019. Ảnh TL

2. Trong nền kinh tế được tái cơ cấu bắt đầu từ đất đai, thì đất đai từ chỗ nằm dưới chân con người đã dâng lên, nhấn chìm con người. Thước đo giá trị và đẳng cấp xã hội căn cứ vào giá trị bất động sản. Giàu nhanh sau một đêm cũng bởi bất động sản, mà từ đỉnh cao của danh vọng trở thành kẻ tù tội cũng bởi bất động sản.

Vài năm gần đây, những vụ bê bối trong các đại dự án kéo hàng loạt quan chức, đại gia ở các thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến vành móng ngựa, cũng bởi sức hút khó cưỡng của đất đai. Đất đai hứa hẹn cho con người quyền lực nhiều thứ lợi lộc. Nó khiến kẻ quyền lực sẵn sàng chà đạp mọi giá trị liêm chính, công minh và thượng tôn pháp luật để tiến hành những chiến dịch du đãng, khát máu, xô đổ chính cái nền tảng căn bản mà hôm qua nó cất công gầy dựng và cao rao, bất chấp niềm tin xã hội cũng sụp đổ theo. Những phiên tòa mà đám cai trị bị đất đai làm cho mờ ám lương tri chia phần cầm cân nẩy mực, môi trường tự nhiên, di sản tiền nhân và an sinh của dân đen đã bị truất hữu không thương tiếc.

Đất trở thành lời nguyền đáng sợ trong tay kẻ nắm quyền hành.

3. Bạn giàu lên nhờ đất nhờ tài khéo kinh doanh, biết nhìn xa trông rộng, thật là đáng quý. Nhưng một số giá trị sống, bạn sẵn sàng hy sinh, đó là điều mà bạn ngầm chấp nhận. Đốn một gốc thông để mở rộng khoảnh vườn thêm một chút thì đã sao, còn cả rừng thông, bạn nghĩ. Nhưng một chục người đến ngọn đồi ấy, đốn một chục gốc thông trong từng khu vườn organic của mình thì cái khái niệm organic nhân tạo mà họ phóng chiếu giấc mơ nhàn dật hóa ra chỉ thu về vài bức ảnh đẹp thỏa mãn tính phù phiếm, đem lại vài trăm lượt like trên mạng xã hội, không hơn. Cánh đồi đang chết từng ngày.

Và cũng bằng cái công thức đó, kẻ có quyền hơn bạn, có thể dễ dàng ký một văn bản duyệt một dự án thu vào túi hàng trăm tỉ, “đâu có sao, sẽ có đường hết”, rồi sẵn sàng ký lệnh huy động lực lượng, biến người dân bao đời sống trên mảnh đất ấy với di sản cha ông họ đổ máu để tạo dựng phút chốc trở thành kẻ thù.

Đất vấy máu cây và máu người. Đất đã không còn được phúc lành trong một khung cảnh xã hội thị trường hoang dại. Kẻ chiến thắng bất chấp mọi giá, hả hê trước mắt, nhưng có biết đâu, sẽ có lúc tấn kịch cũng phải hạ màn.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dat-khong-con-phuc-lanh-25529.html