Đào tạo theo nhu cầu: Giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động lớn đến nhân sự ngành dệt may. Để đón bắt cơ hội cũng như đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng này, nhiều cơ sở đào tạo ngành dệt may đang chú trọng đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Ngành dệt may có nhu cầu lớn về lao động

Điển hình trong việc liên kết đào tạo theo nhu cầu của DN trong ngành dệt may thời gian qua là Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực.

Bà Phùng Thị Hạnh- Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội - cho biết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhà trường đã chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng cập nhật công nghệ 4.0 cả trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực quản lý. Đồng thời, mở thêm chuyên ngành đào tạo theo hướng liên ngành như kỹ thuật cơ điện tử trong thiết bị dệt may, tin học ứng dụng, thương mại điện tử, thiết kế thời trang bằng công nghệ 3D. Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư thiết bị đào tạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 như thiết bị tự động, robot công nghiệp…

Với việc đổi mới ứng dụng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đã đào tạo theo nhu cầu cho nhiều DN, với hình thức dài hạn chính quy và đào tạo bồi dưỡng, như: Tổng công ty May Bắc Giang, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty Cổ phần Dệt may Huế… Kết quả đánh giá từ phía các DN đặt hàng cho thấy, cán bộ được cử đi đào tạo đã phát huy tốt những kiến thức, kỹ năng, chuyên môn; góp phần cải tiến công việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Theo chia sẻ của Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ, học viên ra trường hầu hết được sắp xếp ở vị trí phòng kỹ thuật, quản lý chuyền và đã phát huy tốt năng lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất… Trước thực tế tại không ít DN dệt may Việt Nam, cán bộ quản lý, kỹ thuật công nghệ đều được lựa chọn, cất nhắc từ những công nhân tiên tiến nhưng chưa được bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, con người, vật tư, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Vì vậy, cần phải được đào tạo bài bản, có hệ thống. Và việc đào đạo theo nhu cầu DN là giải pháp tối ưu nhất trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dệt may, bà Phùng Thị Hạnh cho hay, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được thực hiện có hệ thống tại tất cả các trường đào tạo đại học và cao đẳng cho ngành dệt may. Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần tạo sự liên kết giữa DN thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam với các cơ sở giáo dục đào tạo các ngành/nghề phục vụ ngành dệt may. Cụ thể, cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng, tuyển dụng lao động của DN thuộc Hiệp hội; cung cấp năng lực và cung ứng nhân lực của cơ sở giáo dục nhà nước phục vụ ngành dệt may…

Lực lượng lao động trong ngành dệt may hiện có khoảng 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ. Tuy nhiên, lao động đã qua đào tạo mới chiếm khoảng 25%, còn 75% chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng.

Tâm Thanh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/dao-tao-theo-nhu-cau-giai-phap-dap-ung-nguon-nhan-luc-109212.html