Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn: Đón đầu xu thế công nghiệp hóa
Năm 2024, Trường Đại học Lạc Hồng đã xây dựng chuyên ngành đào tạo công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn (thuộc ngành kỹ thuật điện - điện tử) và khánh thành, đưa vào sử dụng phòng Thực hành vi mạch bán dẫn; khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo đầy tiềm năng này.

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng trong buổi học thực hành tại Phòng thực hành vi mạch bán dẫn. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) đã mở ngành Kỹ thuật vi mạch bán dẫn, trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại khu vực Đông Nam Bộ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chính quy chuyên ngành này. Việc này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược trong chuyển đổi lĩnh vực đào tạo, góp phần xây dựng nền tảng khoa học công nghệ vững chắc mà còn đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Mạnh dạn đầu tư đào tạo nhân lực ngành bán dẫn
Đồng Nai là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Thời gian qua, địa phương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực sản xuất chip và vi mạch bán dẫn. Hiện, tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn hoạt động sản xuất với quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. Đây là động lực cho các cơ Sở Giáo dục và Đào tạo mạnh dạn đầu tư đào tạo nhân lực về ngành bán dẫn.
Nắm bắt những cơ hội đó, năm 2024, Trường Đại học Lạc Hồng đã xây dựng chuyên ngành đào tạo công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn (thuộc ngành kỹ thuật điện - điện tử) và khánh thành, đưa vào sử dụng phòng Thực hành vi mạch bán dẫn; khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo đầy tiềm năng này. Phòng Thực hành được đầu tư với tổng vốn hơn 6,7 tỷ đồng, trang bị các công cụ tiên tiến như: bộ KIT HAPS 100 - nền tảng mô phỏng phần cứng hàng đầu tại Việt Nam, hệ thống phần mềm thiết kế vi mạch hiện đại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, nhà trường xác định vi mạch bán dẫn không chỉ là một chuyên ngành đào tạo mà còn là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển khoa học, công nghệ. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, đơn vị đặc biệt chú trọng phát triển và nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên như: học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn; cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo về vi mạch bán dẫn tại nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới; tham gia các hội thảo và các khóa đào tạo tại các tập đoàn lớn; tham quan và làm việc với các đối tác tại Đài Loan (Trung Quốc)...
Trường mở rộng mối quan hệ và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác chiến lược, bao gồm các trường đại học lớn, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng nhằm xây dựng mạng lưới nghiên cứu - đào tạo toàn cầu. “Nhà trường đã trở thành đối tác chiến lược của Trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ). Từ đó, Trường Đại học Arizona sẽ chuyển giao chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn cho trường để thực hiện đào tạo cho sinh viên tại Việt Nam”, ông Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng thực hành thiết kế vi mạch tại Phòng thực hành vi mạch bán dẫn.
Trường Đại học Lạc Hồng hiện đang thực hiện đào tạo khóa đầu tiên ngành kỹ thuật vi mạch bán dẫn. Trực tiếp giảng dạy lứa sinh viên đầu tiên, Tiến sĩ Phan Như Quân, Trưởng ngành kỹ thuật điện, điện tử (Trường Đại học Lạc Hồng) cho biết, hiện, trường đang đào tạo 20 sinh viên theo học ngành này. Đa phần các bạn sinh viên đều có sự đam mê, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, học hỏi và có khả năng đáp ứng được với ngành học.
“Có phòng Thực hành vi mạch bán dẫn là một lợi thế rất lớn đối với sinh viên, giúp các em được tiếp cận trang thiết bị hiện đại, thực hiện các dự án thiết kế vi mạch ngay tại trường. Cùng với việc được thực tập tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực, các em có cơ hội ứng dụng kiến thức vào thực tế và tự tin đáp ứng tốt những yêu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường”, Tiến sĩ Phan Như Quân nêu rõ.
Ông Võ Hoàng Khai, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đánh giá, việc Trường Đại học Lạc Hồng mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn là sự kiện ý nghĩa trong bối cảnh Đồng Nai đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Đây là minh chứng cho sự chủ động của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ lõi - nền tảng cho chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao. Điều này giúp Đồng Nai định vị là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư công nghệ cao, thu hút các dự án sản xuất, nghiên cứu và phát triển bán dẫn; từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và tính bền vững.
Theo ông Võ Hoàng Khai, khi có nguồn nhân lực được đào tạo bàn bản về công nghệ bán dẫn, Đồng Nai sẽ thu hút được các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu và phát triển về bán dẫn đến hoạt động. Điều này sẽ tạo ra môi trường sôi động cho việc nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy sự hợp tác giữa viện, trường - doanh nghiệp - Nhà nước. Đây là yếu tố then chốt để phát triển bền vững khoa học, công nghệ của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về vi mạch bán dẫn cho đội ngũ giảng viên để nâng cao trình độ; hỗ trợ kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu có kinh nghiệm đào tạo về vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu các chuyên gia từ doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho sinh viên. Sở sẽ kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước đang hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn… nhằm đưa ngành đào tạo vi mạch bán dẫn của tỉnh phát triển vững mạnh; đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia.