Đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản

Dẫu chỉ diễn ra trong quy mô nhỏ, nhưng tọa đàm 'Thực trạng chương trình đào tạo ngành kinh doanh xuất bản phẩm' do khoa Xuất bản - Phát hành (Trường Đại học Văn hóa TPHCM) tổ chức mới đây, đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng cho ngành xuất bản hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề đào tạo nhân lực.

Một thực tế được đưa ra tại tọa đàm: số sinh viên tốt nghiệp khoa Xuất bản (gồm TPHCM nói riêng và cả nước nói chung) rất ít người đáp ứng yêu cầu công việc. Tại các nhà sách, tư vấn là việc quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhưng nhiều sinh viên cũng chưa đáp ứng được.

TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng, lâu nay, vì gọi chuyên ngành là kinh doanh xuất bản phẩm nên cấu tạo và mục tiêu của chương trình đào tạo đang được mặc định dành cho những người làm công tác phát hành. Cần phải suy nghĩ ở góc độ rộng và mở hơn, bởi kinh doanh xuất bản phẩm gồm có 2 thành phần: xuất bản phẩm và kinh doanh. “Như vậy, chúng ta cần đào tạo ra những người có thể tạo lập, làm ra và xây dựng những xuất bản phẩm, đó có thể là sách giấy, Audiobook, Ebook… Và để những xuất bản phẩm có thể đến với nhiều độc giả, cần phải có những người làm nhiệm vụ kinh doanh”, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ngành xuất bản cũng không thể đứng ngoài xu hướng. Điều này đặt ra cho công tác đào tạo phải thích ứng và bắt nhịp với những biến chuyển của thời đại, để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Tâm Hằng, Giám đốc vận hành Voiz FM, cho biết, đơn vị đã bắt đầu nhận sinh viên đến thực tập. Tuy nhiên, đa phần các em chưa hình dung trước, hoặc có nghe nói nhưng thực tế chưa được tham gia vào khâu nào, từ sản xuất đến phát hành sách nói.

Theo bà Tâm Hằng, đặc thù của sách nói là bán hàng tự động, không bán cho từng người. Biến thể của nó là nhân viên sẽ tư vấn, giải đáp thắc mắc của khách hàng khi họ muốn mua, từ nội dung, cách sử dụng cho đến cách thức thanh toán.

“Tôi rất mong nhà trường cân nhắc đến một chuyên đề, để các em làm quen từ khâu tham gia vào sản xuất, thu âm, biết trước những công cụ nào có liên quan, hoặc dùng AI để thu âm sách nói như thế nào, quy trình làm việc với các NXB để xin giấy phép sách nói sẽ khác như thế nào so với sách giấy. Vấn đề chăm sóc khách hàng của sách nói cũng không giống với sách giấy… Đây chính là thực tế của đơn vị mà sinh viên có nhu cầu làm việc trong lĩnh vực sách nói cần biết và có kỹ năng”, bà Tâm Hằng chia sẻ.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dao-tao-nhan-luc-cho-nganh-xuat-ban-post690657.html