Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Bám sát nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp

Điều này đã góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn sau đào tạo.

Học viên lớp Nghề kỹ thuật chế biến món ăn (năm 2019) do Phân hiệu đào tạo Móng Cái của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức. Ảnh: Hoàng Giang

Đào tạo nghề cho LĐNT gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn luôn được các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Tiêu biểu ở Hải Hà, để người dân sau đào tạo thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình, ngay từ đầu năm, các phòng, ban, các xã, thị trấn chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Đồng thời, huyện cũng tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, qua đó để định hướng học nghề phù hợp. Trong năm 2019, huyện đã tổ chức được 10 lớp đào tạo nghề cho 272 lao động.

Đa phần các học viên sau khi tốt nghiệp khóa học đã vào làm ở các doanh nghiệp, mở trang trại chăn nuôi, quán ăn, dịch vụ vận tải...

Qua lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, anh Dương Hữu Trung, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành (Hải Hà) đầu tư vườn bưởi cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Nguyệt

Với các địa phương khác cũng vậy, hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề được triển khai khá đồng bộ và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề.

Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và tỉnh; rà soát các ngành nghề của địa phương đang có xu hướng phát triển để có kế hoạch tư vấn, mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Nhờ vậy, các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho thanh niên nông thôn thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ và chuyển nghề.

Các lớp chủ yếu dạy thực hành để rèn kỹ năng nghề cho người lao động, phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và cung ứng lao động sau đào tạo cho doanh nghiệp.

Năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức hỗ trợ 1.641 lao động học nghề phi nông nghiệp với các ngành nghề chủ yếu: Nấu ăn, lái xe, điện nước nông thôn...

Lớp đào tạo nghề làm nón tại xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà). Ảnh: Hữu Việt

Về phía ngành Nông nghiệp chủ động thực hiện công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại nông nghiệp; cung cấp các thông tin về định hướng.

Đồng thời, ngành cũng phổ biến mạnh mẽ quy hoạch sản xuất nông nghiệp định hướng đào tạo nghề của Bộ NN&PTNT, hướng vào đào tạo có trọng tâm, trọng điểm: Đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu ngành; với công nghệ cao; với quy hoạch sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, các xã tham khảo, đồng thời khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, tham gia tư vấn, định hướng nghề để người lao động để tạo hiệu quả việc làm sau đào tạo.

Các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT trên cơ sở lựa chọn đề xuất của các xã gắn với tình hình chung của địa phương. Trong năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ 1.009 lao động học nghề nông nghiệp thuộc các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản...

Nhờ vậy, các lớp đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát huy khá tốt hiệu quả, cơ bản được thực hiện theo quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương, gắn thực hành đào tạo với thực tế canh tác, nuôi trồng của nông dân...

Lao động nông thôn lớp kỹ thuật chế biến món ăn do huyện Hải Hà tổ chức vào tháng 8/2019 được trao chứng nhận đào tạo nghề.

Việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giải quyết được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Thông qua các lớp đào tạo, người học được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho chính bản thân.

Hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho LĐNT sau khi học nghề được lồng ghép trong thực hiện các chương trình, đề án trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; "Mỗi xã, phường một sản phẩm"...

Tuy nhiên, việc kết nối doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết việc làm cho LĐNT sau đào tạo ở các địa phương còn hạn chế, chủ yếu do người lao động tự tìm kiếm việc làm. Một số doanh nghiệp suy thoái dẫn tới nhu cầu tuyển dụng lao động giảm, ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của các lớp này.

Để đạt mục tiêu năm 2020 tỉnh hỗ trợ 2.520 LĐNT học nghề, đòi hỏi các địa phương phải rà soát chặt chẽ, làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Đặc biệt, chỉ nên tổ chức dạy nghề khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề. Điều này giúp tránh những lãng phí khi lao động nông thôn đào tạo xong lại không kiếm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-bam-sat-nhu-cau-cua-dia-phuong-doanh-nghiep-2475293/