Đào tạo giáo viên: Vẫn khó ở hai chữ 'biên chế'

Trong vấn đề triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương thì phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, đào tạo được xem là một trong những điểm nhấn tiến bộ. Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện là 'đầu ra' cho giáo viên, bởi 'định biên' do Bộ Nội vụ quyết định. Và nhiều năm nay, việc xác định nhu cầu đào tạo vẫn vênh với chỉ tiêu tuyển dụng nên cơ bản của việc thừa thiếu giáo viên vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

“Biên chế” giáo viên lại không phải vấn đề ngành giáo dục có thể quyết

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, hiện địa phương này thiếu khoảng 5.000 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên mầm non. Tuy nhiên, nếu xác định xong chỉ tiêu theo Nghị định 116 thì cũng khó thực hiện vì biên chế cho giáo viên do Bộ Nội vụ quản lý, trong khi chúng ta đang thực hiện chủ trương chung là tinh giảm biên chế.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh nêu ý kiến: Khi hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, chúng tôi đề nghị Bộ có chỉ rõ sự khác nhau giữa: Nhu cầu sử dụng chứ không phải nhu cầu tuyển dụng. Bắc Ninh năm trước thiếu 2000 đến 3000 giáo viên. Nhưng có khi 10 năm mới tuyển 1 lần chỉ tiêu biên chế. Năm trước chúng tôi được cho phép tuyển 1830 chỉ tiêu biên chế theo quy định của Chính phủ, nhưng tuyển được có một nửa, không có sinh viên để tuyển.

“Trong hướng dẫn Nghị định cũng nên làm rõ nhu cầu trong và ngoài công lập. Với khối ngoài công lập thì xác định chỉ tiêu, nhu cầu đào tạo như thế nào, ra sao? – Ông Nguyễn Hữu Tuyến nói.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: “Quá trình triển khai sẽ vướng nhiều ở các Bộ khác. Chuyện sinh viên ra trường có việc hay không lại vướng những chính sách việc làm chứ không phải vấn đề của đào tạo. Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể rồi, nhưng các Bộ khác không ủng hộ thì quá trình triển khai khó thực hiện. Vì thế, cá nhân tôi cho rằng phải có ý kiến của các Bộ ban ngành liên quan”.

Việc xác định nhu cầu đào tạo vẫn vênh với chỉ tiêu tuyển dụng nên cơ bản của việc thừa thiếu giáo viên vẫn chưa thể giải quyết triệt để (Ảnh: B.C)

Việc xác định nhu cầu đào tạo vẫn vênh với chỉ tiêu tuyển dụng nên cơ bản của việc thừa thiếu giáo viên vẫn chưa thể giải quyết triệt để (Ảnh: B.C)

Thống nhất vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, mục đích của Hội nghị Triển khai Nghị định 116 không phải giải quyết được mọi vấn đề của đào tạo, tuyển dụng, sử dụng giáo viên, mà làm sao thống nhất đuợc nhận thức, quan điểm và bàn cách triển khai hiệu quả nhất.

Theo đó, Hội nghị thống nhất cao và quyết tâm triển khai những nội dung của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP vào thực tế. Yêu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng, phát triển đội ngũ giáo viên với nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và bám sát nhu cầu sử dụng là nội dung mà Nghị định này hướng tới.

Cho nên, cần thống nhất rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: Cơ sở đào tạo, địa phương, bộ ngành khác. Có thể có những vấn đề không thuộc phạm vi Nghị định này, nhưng chúng ta cũng đề cập tới, bởi nếu chỉ ngành Giáo dục thì không thể giải quyết được.

Theo Thứ trưởng, cần đổi mới về tư duy. Cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu không nhìn nhận từ góc độ thị trường, nhưng cũng không nhìn nhận từ góc độ theo cách: Kinh tế kế hoạch, hay bao cấp… Ở đây, trách nhiệm của các trường, địa phương cần chủ động hơn trong xác định nhu cầu, làm việc và công bố công khai nhu cầu, năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo; từ đó các bên gặp nhau, nhưng trên nguyên tắc: lấy chất lượng làm hàng đầu.

Cũng theo Thứ trưởng, các trường cần công khai rất rõ tiêu chí, nhu cầu tuyển sinh, năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo… để địa phương và người học cùng đánh giá, lựa chọn. Quan trọng nhất cần có sự điều phối giữa các bên liên quan, đặc biệt trong những quy trình giao nhiệm vụ, đặt hàng.

“Trước kia đào tạo giáo viên sử dụng cơ chế giao nhiệm vụ, còn bây giờ theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Hội nghị hôm nay có thể chưa giải quyết được một số vấn đề, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng hợp khó khăn, vướng mắc, để Bộ GD&ĐT đưa vào hướng dẫn để hỗ trợ triển khai - trong thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Những gì không thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp cao hơn để giải quyết" – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dao-tao-giao-vien-van-kho-o-hai-chu-bien-che-236964.html