Đánh thức tiềm năng Phja Oắc - Phja Đén

Phja Oắc - Phja Đén có tổng diện tích tự nhiên 10.593,5 ha, thuộc địa bàn các xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc. Ngày 1/11/2018, Phja Oắc - Phja Đén chính thức được công nhận là vườn quốc gia.

Theo Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký ngày 9/8/1986, Khu bảo tồn thiên nhiên Phja Oắc được thành lập gồm 6 đơn vị hành chính là thị trấn Tĩnh Túc và các xã: Quang Thành, Phan Thanh, Mai Long, Thành Công, Ca Thành (Nguyên Bình) với 10.000 ha nhằm bảo vệ khu rừng á nhiệt đới lá rộng xen lá kim núi thấp, phân bổ chủ yếu từ độ cao 1.000 - 1.931 m (đỉnh Phja Oắc).

Kết quả đánh giá khảo sát của các nhà khoa học gần đây đã thống kê Phja Oắc - Phja Đén có 1.117 loài, trong đó 229 loài động vật có xương sống, 17 loài lưỡng cư, 28 loài bò sát, hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng, động vật nhuyễn thể và động vật đất. Trong số đó, các nhà khoa học xác định được 56 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.

Với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ mát. Hiện nay, chúng ta vẫn bắt gặp những dấu tích của các khu biệt thự cổ xây bằng đá tảng và bê tông bề thế vững chắc ẩn hiện trong khu rừng thông cổ thụ đầy mộng mơ.

Ngoài ra, Phja Oắc - Phja Đén còn có các khu nghỉ dưỡng cuối tuần, các biệt thự xây bằng đá tảng từ thời Pháp và người Hoa từ đầu thế kỷ XX. Nơi đây còn lưu giữ một số địa danh nghỉ mát của thực dân Pháp được nhiều người biết đến như khu nghỉ mát cuối tuần nhà Đỏ, xã Thành Công, Taslom (Tài Soỏng) ở xã Phan Thanh...

Năm 2007, Trạm phát sóng quốc gia Đài Tiếng nói Việt Nam được xây dựng trên đỉnh cao 1.931 m, góp phần nâng diện phủ sóng Đài Tiếng nói Việt Nam khắp các tỉnh khu vực Đông Bắc. Từ đỉnh cao Phja Oắc, du khách được tận hưởng không gian bao la, rộng lớn của toàn bộ khu vực rừng đặc dụng, đắm mình trong những cảm xúc trải nghiệm khám phá...

Phja Oắc hùng vĩ. Ảnh: Thế Vĩnh

Phja Oắc hùng vĩ. Ảnh: Thế Vĩnh

Phja Oắc nói riêng và toàn bộ khu rừng đặc dụng nói chung có khí hậu mát mẻ về mùa hè, mùa đông có tuyết rơi, khí hậu trong lành, nhiều loài cây thấp (rừng lùn) rất đặc trưng với nhiều loài hoa, côn trùng đẹp thuộc loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ năm 2007. Do vậy, Phja Oắc - Phja Đén ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Không chỉ có vậy, vùng Phja Oắc - Phja Đén còn là nơi có những đồi cỏ rộng lớn, thời tiết thuận lợi cho việc chăn nuôi trâu, bò, dê, ngựa và các loại thảo dược quý hiếm. Một điều hết sức đặc biệt do cấu tạo địa chất, tại khu vực này ở độ cao trên 1.500 m, nguồn nước rất dồi dào, là điều kiện thích hợp để nuôi các loại cá nước lạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế.

Trước năm 2010, khu vực này thường ngày có vài chục đến hàng trăm người tứ xứ đến đây đào, mót quặng... Những khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ bị bật rễ ngổn ngang, những nguồn nước ngầm bị ô nhiễm do tuyển rửa quặng. Sau những trận mưa lớn đất, đá trôi, xói lở, những cánh rừng trở nên xơ xác...

Trước thực trạng Phja Oắc - Phja Đén bị phá hoại nghiêm trọng, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2835/QĐ-UBND, ngày 27/12/2011 thành lập Ban Quản lý khu rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 7/2011, UBND huyện Nguyên Bình thành lập 2 trạm bảo vệ rừng trên Phja Oắc với thành phần là kiểm lâm, công an, tài nguyên và môi trường, dân quân các xã có rừng đặc dụng.

Đồi chè Khu du lịch sinh thái Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình).

Đồi chè Khu du lịch sinh thái Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình).

Sau khi được thành lập, Ban Quản lý phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, tổ chức triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ phát triển rừng. Đến nay tình trạng khai thác quặng trái phép và chặt phá rừng đã được giải quyết dứt điểm.

Với nhiệm vụ của Ban Quản lý rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén trong thời gian qua, cán bộ Ban Quản lý đã lập kế hoạch, hồ sơ đánh giá hiện trạng và phân loại rừng để hỗ trợ các xóm, bản, cộng đồng dân cư bảo vệ và có kế hoạch phát triển diện tích rừng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ rừng. Đến nay, tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy không còn xảy ra. Từ nguồn hỗ trợ của dự án, người dân có thêm kinh phí để nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn. Bên cạnh đó có hàng trăm hộ dân tại các xóm: Bình Đường, Phan Thanh, Ta Slom (Tài Soỏng), Phja Đén... có thu nhập 100 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi và trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: trúc, chè, dong riềng và các loại dược liệu, cây ăn quả...

Chính quyền địa phương tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Kolia đầu tư hàng chục tỷ đồng triển khai thực hiện dự án nông nghiệp hữu cơ sản xuất chè, rau màu chất lượng cao kết hợp với khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hằng năm khu du lịch Kolia - Farm đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây là một trong những hướng đi phát triển của khu vực Phja Oắc - Phja Đén trong tương lai.

Khu du lịch sinh thái Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình) thu hút du khách đến tham quan.

Khu du lịch sinh thái Kolia, xã Thành Công (Nguyên Bình) thu hút du khách đến tham quan.

Để bảo tồn và phát huy tiềm năng của khu bảo tồn thiên nhiên Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình tích cực phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén triển khai công tác bảo vệ, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản và lâm sản. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, các nhà nghiên cứu khoa học và một số cơ chế đặc thù, các giải pháp đồng bộ phát triển du lịch vùng Phja Oắc - Phja Đén nói riêng và huyện Nguyên Bình nói chung, đặc biệt là cần ổn định đời sống người dân trong vùng đệm của khu vực vườn quốc gia.

Phja Oắc - Phja Đén là một báu vật của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Cao Bằng, đây cũng là một trong 3 tuyến du lịch của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với tên gọi “ngọn núi của những đổi thay”. Phja Oắc - Phja Đén được xem như là một bảo tàng về địa chất, động, thực vật có giá trị cho nghiên cứu khoa học, tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là điểm du lịch hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá, trải nghiệm, cùng với những danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo... Phja Oắc - Phja Đén sẽ là một địa điểm du lịch lý tưởng trên bản đồ du lịch Việt Nam, điểm đến của du khách trong hành trình về miền Non nước Cao Bằng.

Quỳnh Hương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/danh-thuc-tiem-nang-phja-oac-phja-den-3172739.html