Đảng vững mạnh từ mỗi chi bộ và đảng viên

Bài 3: Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên Những năm qua, công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy chú trọng, đề ra nhiều giải pháp thiết thực và đã đạt kết quả tích cực, nhất là về cơ cấu, chất lượng đảng viên. Công tác quản lý đảng viên ngày càng chặt chẽ hơn, có sự chuyển biến sát với thực tế cơ sở và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, chi bộ tăng lên, góp phần thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra

Ảnh: TRẦN HẢI

Ảnh: TRẦN HẢI

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn phát triển đảng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng công tác kết nạp đảng viên những năm qua đạt kết quả tích cực.

Theo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Ðảng và thi hành Ðiều lệ Ðảng nhiệm kỳ Ðại hội XII, từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 12/2019, toàn Ðảng kết nạp được 790.150 đảng viên, bình quân là 196.136 đảng viên/năm. Trình độ đảng viên mới kết nạp được nâng lên (hơn 40% có trình độ từ đại học trở lên); cơ cấu hợp lý theo hướng trẻ hóa và tăng tỷ lệ nữ (67,7% là đoàn viên và 43,7% là nữ). Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, tôn giáo được quan tâm. Việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Ðảng tại một số đảng ủy Trung ương đạt kết quả tích cực.

Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển đảng viên

Nhiều huyện ở tỉnh Phú Thọ có chung tình trạng là phần lớn lực lượng lao động trẻ đi làm xa, ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên và dẫn tới xu hướng "già hóa" đảng viên trong các chi bộ nông thôn. Có những nơi, có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới.

Khắc phục tình trạng này, cấp ủy tại các địa phương chỉ rõ ngoài nguyên nhân khách quan còn do chi bộ chưa tích cực chủ động phát hiện, vận động, bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Vì vậy, ngoài việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng cho từng chi bộ, cấp ủy chỉ đạo củng cố các tổ chức đoàn thể và đẩy mạnh phong trào thi đua ở cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn. Thông qua hoạt động thi đua phát hiện được các nhân tố điển hình để phân công đảng viên có kinh nghiệm bồi dưỡng, giúp đỡ. Với cách làm như vậy, nhiều chi bộ kết nạp được đảng viên mới. Phú Thọ cũng chú trọng tạo nguồn phát triển đảng trong học sinh, sinh viên.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An từng xảy ra nhiều điểm nóng về an ninh, trật tự, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào có đạo. Trong khi đó, tỷ lệ thôn, xóm "trắng" đảng viên, "tái trắng" và chưa có chi bộ ở vùng đồng bào có đạo khá cao. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù, trong đó có Ðề án số 01/ÐA-TU, ngày 10/8/2016 "về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ, giai đoạn 2016-2020".

Các cấp ủy vào cuộc quyết liệt với quyết tâm chính trị cao; trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố tổ chức đảng; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ chức sắc, chức việc tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của địa phương và trong vấn đề phát triển đảng, củng cố hệ thống chính trị.

Theo đồng chí Lê Thanh Chương, Phó Trưởng phòng Tổ chức đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy), sau 5 năm triển khai, các chi bộ trong phạm vi Ðề án kết nạp 273 đảng viên mới (trong đó có 24 đảng viên gốc giáo); 100% xóm trong toàn tỉnh đã có tổ chức đoàn thể.

Trà Vinh là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 30% là đồng bào Khmer. Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là dân tộc Khmer. Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 "tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015" và chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BTCTU, ngày 13/4/2016 về "khắc phục chi bộ ấp, khóm không có đảng viên là nữ; chi bộ ấp, khóm có đồng bào dân tộc Khmer nhưng không có đảng viên người Khmer".

Thực hiện Kết luận, cấp ủy các cấp tích cực vào cuộc, tạo nhiều thuận lợi để kết nạp đảng viên là dân tộc Khmer vào Ðảng, từ việc chủ động phát hiện nguồn, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đến sắp xếp việc xác minh lý lịch, vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện. Ðến cuối năm 2021, toàn tỉnh kết nạp 1.546 đảng viên là dân tộc Khmer, nâng tổng số đảng viên Khmer lên là 8.031, chiếm 17,55% đảng viên toàn tỉnh.

Siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đội ngũ

Quan điểm của Ðảng là quan tâm phát triển đảng viên mới nhưng không chạy theo số lượng mà chất lượng phải được bảo đảm và ngày càng nâng lên. Phát triển đảng viên sẽ không đạt được kết quả bền vững nếu như quản lý đảng viên không tốt; không giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Quán triệt chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy siết chặt công tác quản lý đảng viên thông qua việc chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đặt yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng đề cao. Nhiều chi bộ đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hằng tháng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, tập trung nhiều hơn cho sinh hoạt chính trị tư tưởng, công tác đảng, từng bước khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng, từng đối tượng đảng viên. Ðánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực chất hơn, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng. Kiểm tra, giám sát được tăng cường, kỷ luật đảng thực hiện nghiêm. Việc xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác...

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng, nhiều địa phương đã triển khai nghiêm túc công tác rà soát nắm tình hình, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng.

Có thể kể đến như Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 4/2019, các đảng bộ trong toàn tỉnh đã tiến hành rà soát đội ngũ đảng viên, bắt đầu từ các chi bộ; các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức tổng kết công tác kết nạp đảng viên, đánh giá các ưu, khuyết điểm, xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá, bước đầu rà soát cho thấy thực trạng đặt ra khá nhiều vấn đề, trong đó phổ biến là tình trạng đảng viên đi làm xa không chấp hành quy định của Ðiều lệ Ðảng về sinh hoạt đảng, một số đảng viên ở các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang sau khi nghỉ hưu không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Ðảng... Việc rà soát không chỉ là một bước quản lý đảng viên, mà quan trọng hơn là cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Tại Ðảng bộ thành phố Hà Nội, từ khi thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW đến nay, Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc đã đưa ra khỏi Ðảng 2.075 đảng viên, trong đó khai trừ 258 đảng viên, xóa tên 1.221 đảng viên; phần lớn số đảng viên này vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về chế độ trách nhiệm, đạo đức, lối sống.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Ðức Bảo cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sàng lọc đảng viên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tổng kết, Ban Tổ chức Thành ủy nhìn nhận, hiệu quả công tác rà soát, sàng lọc đảng viên chưa cao; có nơi còn làm hình thức, một số nơi chưa xây dựng kế hoạch hằng năm, một số cấp ủy không nắm chắc số lượng đảng viên chưa chuyển sinh hoạt Ðảng... Vì vậy, Thành ủy đang hoàn thiện để ban hành Ðề án "Rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng ở Ðảng bộ thành phố Hà Nội"; trong đó làm rõ 13 phương thức tiến hành rà soát đảng viên, các tiêu chí, quy trình sàng lọc cụ thể nhằm phát hiện, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng.

Là một địa bàn chiến lược, tỉnh Tây Ninh rất quan tâm tới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đảng viên. Tổng kết công tác này nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy thẳng thắn đánh giá công tác quản lý đảng viên vẫn còn những khó khăn, hạn chế; đáng chú ý nhất là tình trạng đảng viên bị khai trừ, bị xóa tên, đưa ra khỏi Ðảng có chiều hướng gia tăng. Toàn đảng bộ tỉnh có 424 đảng viên bị xóa tên (tăng hơn 37% so nhiệm kỳ trước), có 238 đảng viên xin ra khỏi Ðảng (tăng 98%), hầu hết có tuổi đời từ 18 đến 40.

Trước tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ðề án "Kéo giảm tình trạng đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Ðảng trong Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025". Ðồng chí Nguyễn Thị Yến Mai, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Nguyên nhân của tình trạng đảng viên bị đưa ra khỏi Ðảng (xóa tên, xin ra khỏi Ðảng) gồm 7 nhóm vấn đề: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng; công tác quản lý, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; công tác tổ chức sinh hoạt đảng; thực hiện các cơ chế, chính sách; công tác kiểm tra, giám sát; tự bản thân đảng viên. Căn cứ vào đây có 7 nhóm giải pháp khắc phục với mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là kéo giảm ít nhất 50% số đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Ðảng.

Tại tỉnh Thái Bình, từ tháng 5/2021, phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" được triển khai thực hiện tại 12 tổ chức đảng với gần 500 đảng viên cài đặt ứng dụng khai thác, sử dụng. Phần mềm hỗ trợ cấp ủy tiếp nhận các góp ý, phản hồi của đảng viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm tổ chức nội dung sinh hoạt chi bộ thiết thực, có chất lượng; từng bước quản lý, theo dõi đảng viên hiệu quả hơn; đồng thời giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ, nâng cao nghiệp vụ về công tác xây dựng Ðảng ở cơ sở. Phần mềm cung cấp một cách có hệ thống các thông tin về tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh, các tư liệu phong phú về học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, văn bản chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh,... Sau thời gian ngắn triển khai, phần mềm khẳng định tính năng ưu việt, tiện ích, phù hợp trong thời đại 4.0.

Ðồng chí Phạm Văn Tuân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chia sẻ: Trong năm 2021, có 170 đồng chí là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể của tỉnh đã cài đặt phầm mềm để tham gia sinh hoạt chi bộ ở cơ sở xã, thị trấn. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2022, 90% đảng viên trong toàn tỉnh có đủ điều kiện sẽ được sử dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử", đồng thời hướng đến sẽ cài đặt phần mềm, cấp quyền sử dụng tới cả người dân.

Có thể nói, với sự nỗ lực lớn, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác phát triển đảng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời rút ra được những vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới, những bài học kinh nghiệm để việc tạo nguồn, kết nạp và quản lý đảng viên đạt hiệu quả cao hơn, góp phần bổ sung đội ngũ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Ðảng trong giai đoạn mới.

(Còn nữa)
--------------------
() Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4 và 5/5/2022.

Nhóm phóng viên Xây dựng Ðảng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dang-va-cuoc-song/dang-vung-manh-tu-moi-chi-bo-va-dang-vien-695953/