Đảng bộ, quân và dân Thủ đô góp phần làm nên thắng lợi 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972'

Cách đây tròn 50 năm (tháng 12-1972), cùng với cả nước, quân và dân Thủ đô Anh hùng đã làm nên Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không', đòn đánh quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Báo Hànôịmới khởi đăng loạt bài nhằm khắc họa đậm nét, khách quan, góp phần giúp các thế hệ bạn đọc hiểu rõ thêm về chiến thắng hào hùng này; từ đó, phát huy truyền thống anh hùng, tích cực đóng góp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Dịp này, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có bài viết với tựa đề: Đảng bộ, quân và dân Thủ đô góp phần làm nên thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972”. Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.

Bộ đội tên lửa lập công lớn trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ đội tên lửa lập công lớn trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tháng 12-1972, sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, với lực lượng lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một kỳ tích trong lịch sử, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Nhà nước ta; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân. Đối với Đảng bộ, quân và dân Thủ đô, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Ngay từ năm 1967, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nêu cao ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “đã đánh là nhất định thắng” và nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ giao cho; từ năm 1962 đến giữa năm 1972, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân chủ động, nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị lực lượng, tìm cách đánh sáng tạo, phù hợp, xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước, vừa chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ khi chúng tấn công trên quy mô lớn, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Bộ đội Rađa và Tên lửa đã vượt lên mọi khó khăn, ác liệt, vừa cơ động kịp thời, phòng - tránh - đánh trả hiệu quả, vừa phát huy tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam, tích cực phối hợp nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, “thử lửa” thành công, xây dựng nên “Cách đánh máy bay chiến lược B-52”.

Bộ đội Không quân tranh thủ ngày, đêm để huấn luyện bay, rèn luyện tinh thần và kỹ năng chiến đấu, sáng tạo và thực hành thành thạo chiến thuật “bí mật tiếp cận, tấn công bất ngờ, thoát ly thật nhanh” nhằm tiêu diệt các loại máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay chỉ huy, dẫn đường, gây nhiễu..., nhất là máy bay ném bom chiến lược B-52, hạn chế thấp nhất tổn thất về phi công và máy bay ta. Bộ đội Pháo cao xạ đã phối hợp với dân quân, tự vệ phòng không trên cả nước huấn luyện, sử dụng thành thạo, đa dạng các loại súng, pháo phòng không, kể cả súng bộ binh, tinh thông chiến thuật, với phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, đánh bằng mưu kế, bằng thế trận “lưới lửa” phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp... để chủ động, sẵn sàng “quật cổ” pháo đài bay B-52.

Năm 1972, do liên tiếp thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay” B-52 nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán... Tầm nhìn chiến lược, những dự báo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội - trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc.

Đảng bộ Hà Nội chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, quyết chiến, quyết thắng trong cuộc đối đầu lịch sử

Thấm nhuần Lời căn dặn của Bác và sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; tập hợp được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu; giải quyết khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đòi hỏi gấp rút về thời gian và rất nhiều những khó khăn, hiểm nguy, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng tránh, đánh trả, đoàn kết đồng lòng bảo vệ Thủ đô. Ngày 16-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp ra thông báo cho quân và dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, các khu kho tàng, cơ sở công nghiệp, bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả khi địch đánh phá. Ngày 27-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban Hành chính, Hội đồng Phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 50 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Tiếp đó, trong các ngày 2-12-1972 và 19-12-1972, Ban Thường vụ Thành ủy họp, quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Đồng thời, phải triển khai kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện, nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá.

Hội đồng Phòng không nhân dân thành phố đã chỉ đạo các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học kiên quyết sơ tán nhân dân, bằng mọi hình thức, mọi phương tiện, từ cơ giới đến thô sơ… Thành phố đã trưng dụng 1.500 ô tô các loại để đưa dân đi sơ tán khẩn cấp. Đây là lần sơ tán lớn nhất, triệt để nhất kể từ khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Tính đến giữa năm 1972, các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng... đón hơn 50 vạn người, cán bộ nhân viên của gần 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của trung ương và thành phố. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương có các cơ quan, đơn vị đã hết lòng giúp đỡ nhân dân Hà Nội sơ tán về, vừa thể hiện rõ trách nhiệm, vừa là tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn. Nhờ làm tốt công tác phòng không sơ tán nhân dân ra ngoại thành và các tỉnh lân cận đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bom Mỹ gây ra, tạo điều kiện cho các quân binh chủng của bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ Hà Nội bám trụ, chiến đấu kiên cường trên địa bàn Hà Nội.

Là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa là nơi tập trung đầu mối giao thông quan trọng tiếp nhận hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các địa phương của miền Bắc vào Nam, tỏa đi các chiến trường; vì vậy, việc bảo đảm giao thông thông suốt là bảo đảm cho thành phố duy trì các hoạt động, chiến đấu, chi viện cho chiến trường. Ngành Giao thông - Vận tải Thủ đô đã phối hợp, tổ chức phân tán hàng hóa ở các kho lớn: Đông Anh, Yên Viên, Giáp Bát về các kho nhỏ. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên khi cầu Long Biên bị bom Mỹ đánh sập hai nhịp chính tháng 5-1972, cầu Đuống bị trúng bom hư hỏng nặng tháng 7-1972, các bến phà Chương Dương, Khuyến Lương, Đông Trù luôn bảo đảm cho xe vận tải qua sông trong những giờ an toàn. Cảng Hà Nội bị đánh phá dữ dội nhiều lần nhưng công nhân vẫn duy trì bốc xếp hàng hóa, chuyên chở gần 2.000 tấn/ngày; Ga Hà Nội bị địch thả bom đổ sập nhưng hàng hóa vẫn xuôi về phương Nam đều đặn. Các bến phà qua sông Hồng, ở khu vực Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm và một số cầu phao, cầu qua sông Đuống được gấp rút củng cố. Hoàn thành thi công, đưa vào vận hành hai tuyến đường ống chiến lược: Lạng Sơn - Hà Nội và Bãi Cháy, Quảng Ninh - Hà Nội, nối với tuyến đường ống Nam Hà Nội vào tới Cam Lộ và sang Nam Đường 9 (3.278km) đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển xăng dầu nước bạn viện trợ, chi viện cho chiến trường, bảo đảm cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự thành phố, lực lượng công an, tổ chức tuần tra canh gác, nắm chắc tình hình từng khu, tổ dân phố, từng số nhà trước khi địch đánh phá để chủ động khắc phục hậu quả. Toàn thành phố đã nhanh chóng xây dựng một hệ thống hơn 45.000km hào giao thông, gần 5.600 hầm tập thể, khoảng 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho hơn 90 vạn người. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy đã có mặt kịp thời, hoạt động tích cực, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Về y tế, các tuyến cứu thương của thành phố đã tổ chức được 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ, từ trận địa, đến trung tuyến, hậu tuyến. Các ngành thương nghiệp, lương thực, ăn uống với hàng ngàn mậu dịch viên đã phân tán, tổ chức ra nhiều cửa hàng, quầy hàng, xe hàng lưu động phục vụ, góp phần bảo đảm cho nhân dân đi sơ tán, cũng như bám sát đường phố, trận địa, phục vụ quân dân chiến đấu ngay cả lúc ác liệt nhất.

Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng cho nhân dân phòng tránh máy bay địch. Một mạng lưới đài quan sát, còi báo động rộng khắp từ xa vào gần được hình thành, luôn sẵn sàng với 414 đài quan sát ở các khu, các huyện, 36 đài quan sát của thành phố. Đài Tiếng nói Việt Nam tại Mễ Trì trong 12 ngày đêm đã liên tục, kịp thời thông báo, phát lệnh báo động, hướng dẫn đồng bào phòng tránh và kịp thời báo tin chiến thắng từng ngày, từng giờ cho nhân dân thành phố cũng như cả nước. Ðồng thời còn tuyên truyền, vạch trần tội ác, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong cứu sập, bảo vệ tài sản của nhân dân. Thành phố còn tổ chức cho nhà báo, phóng viên trong nước và quốc tế đến các nơi địch đánh phá để viết bài, đưa những thước phim tư liệu và hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế; đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố đi thăm, động viên quân và dân Thủ đô chiến đấu, qua đó đã tăng thêm sức mạnh và niềm tin vào thắng lợi.

Như vậy, về mặt chiến dịch, ta đã chuẩn bị chu đáo. Đêm 18-12-1972, khi chiến dịch tập kích đường không của Mỹ bắt đầu vào Hà Nội, các tỉnh Hà Tây (cũ), thành phố Thái Nguyên, Hải Phòng… đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ.

Quân và dân Thủ đô hiệp đồng chặt chẽ, bản lĩnh, linh hoạt trong chiến đấu, đồng lòng quyết tâm bảo vệ Thủ đô

Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh lân cận, xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân của 3 thứ quân với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Trong đó, Hà Nội đã huy động khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy được bố trí ở 295 trận địa cả nội và ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch. Với vị trí ở hướng Tây, Tây Nam của Hà Nội, quân và dân Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) đã luôn sát cánh chia lửa, hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Thủ đô tạo thành thế trận liên hoàn. Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao, chiều rộng, làm chủ thế trận phòng không đánh địch trên bầu trời Hà Nội, góp phần làm thất bại sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Trận địa phòng không tầm thấp của dân quân tự vệ được tổ chức, triển khai phục kích, đón lõng trên các hướng máy bay địch đánh vào Hà Nội.

Cùng với đó, ở khu vực Hà Đông, Sơn Tây, trận địa pháo 12,7mm của tự vệ được triển khai, bố trí trên nóc các tòa nhà cao tầng. Ở các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên… là trận địa pháo 37mm của dân quân tự vệ được bố trí chốt giữ trên mặt các tuyến đê trọng yếu. Trong quá trình chiến đấu, bộ đội ta ở các trận địa pháo phòng không đã nghiên cứu, nắm chắc quy luật hoạt động của máy bay địch, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chủ động đánh địch từ xa đến gần. Các trận địa phòng không tầm thấp của dân quân tự vệ liên tục chiến đấu buộc máy bay Mỹ phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không khác tiêu diệt. Với thế trận khép kín cả về tầm thấp, tầng cao và phạm vi rộng lớn đã đánh bại những phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ thù, càng làm sáng ngời hơn tầm cao trí tuệ và bản lĩnh quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Đêm 18-12-1972, khi chiến dịch tập kích đường không của Mỹ với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52 - được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật bảo vệ và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại phối hợp tác chiến được Mỹ sử dụng bắt đầu đánh phá vào Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18-12-1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B-52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng Thủ đô, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập: 5.480 ngôi nhà, hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác.

Riêng Hà Nội đã chịu sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống phố Khâm Thiên suốt chiều dài trên 1km, khiến gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Bệnh viện Bạch Mai chịu hơn 100 quả bom, làm sập đổ 3 khu nhà cao tầng, mất hàng ngàn máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giết hại 28 người gồm các bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên kỹ thuật và bệnh nhân. Khu tập thể An Dương, nơi cư trú tập trung người lao động cũng bị vệt bom B-52 kéo dài gần 2km làm cho 47 dãy nhà cùng với hệ thống trường mẫu giáo, mầm non, trường cấp 1, cấp 2, trạm y tế bị đổ sập, cướp đi sinh mạng của 174 người… sẽ mãi mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ. Trước sự tấn công dã man, tàn bạo của kẻ thù, cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã biến đau thương thành hành động cách mạng, khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu.

Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B-52, các lực lượng vũ trang với nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân miền Bắc, nhất là quân và dân Thủ đô đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, với bản lĩnh, ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Nhờ có sự điều chỉnh thế trận linh hoạt, mưu trí sáng tạo, lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ Thủ đô đã phát huy hiệu quả trong suốt quá trình chiến đấu, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, làm vô hiệu hóa ưu thế vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.

Ý chí của quân và dân Thủ đô đã không bị đè bẹp trước sức mạnh bom đạn của “Không lực Hoa Kỳ”, cả Hà Nội vượt lên hy sinh, mất mát, bừng lên khí thế sục sôi, quyết đánh và quyết thắng cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm 34 chiếc B-52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7... Đây là tổn thất lớn về máy bay, phi công Mỹ trong chiến dịch. Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng siêu pháo đài bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam tập trung toàn lực, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm đã trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân, dân Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hôm nay và mai sau, đó là:

Bài học về sự đoàn kết, thống nhất, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương: Thủ đô là địa bàn chiến lược quan trọng, là mục tiêu đánh phá chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần chứng minh đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, với tài thao lược của Quân ủy Trung ương thể hiện qua năng lực dự báo, phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; là quan điểm khoa học, toàn diện và thực tiễn, không chỉ đánh giá lực lượng quân sự mà đánh giá toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa trong nước và thế giới, đánh giá đúng và vận dụng thành công mối quan hệ giữa thời cơ và điều kiện.

Bài học về sự chủ động, bản lĩnh, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đối với Thủ đô Hà Nội. Từ đó, đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chủ động chuẩn bị chống địch tập kích đường không có hiệu quả cao. Đảng bộ Hà Nội đã chú trọng xây dựng các chi bộ, đảng bộ cơ sở thực sự phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí, bản lĩnh, quyết tâm, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu.

Bài học về phát huy truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là bản hùng ca bất diệt, sáng ngời hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc bản lĩnh, ý chí, tầm cao trí tuệ và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng đã đưa Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”, là biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là điểm tựa tinh thần cổ vũ quân và dân Hà Nội vững bước trên con đường xây dựng Thủ đô giàu mạnh. Ảnh: Quang Thái

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là điểm tựa tinh thần cổ vũ quân và dân Hà Nội vững bước trên con đường xây dựng Thủ đô giàu mạnh. Ảnh: Quang Thái

Phát huy truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Bài học về xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc: Thủ đô Hà Nội - thành phố đông dân, là nơi tập trung cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, quân đội. Vì vậy, khi xảy ra chiến tranh, Hà Nội sẽ là một trong các mục tiêu hàng đầu của cuộc tập kích đường không của địch nhằm đánh đòn phủ đầu, gây rối loạn đất nước. Trong điều kiện như vậy, nếu công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh không được chuẩn bị chu đáo sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề, thương vong lớn, thiệt hại vật chất nhiều, nhân dân hoang mang. Do vậy, trong kế hoạch phòng thủ thành phố, đi đôi với kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực đánh trả tập kích đường không của địch, phải có kế hoạch phòng thủ dân sự thật tốt. Trên địa bàn thành phố có nhiều thành phần lực lượng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang của thành phố có dân quân, tự vệ cấp xã và các cụm chiến đấu ngoại thành, nội thành. Tất cả các lực lượng phải được bố trí khéo léo phù hợp với kế hoạch phòng thủ chung, phù hợp với đặc điểm tình hình Thủ đô, phát huy hết khả năng và sở trường của các lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ, đối phó với mọi tình huống nếu chiến tranh xảy ra. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, “thế trận phòng không nhân dân” của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Quán triệt sâu sắc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng lực lượng nòng cốt là quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, khả năng tác chiến cao, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - nghệ thuật quân sự. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao.

Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn được tạo bởi sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; từ sự giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần chú trọng tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí chiến đấu cho toàn dân ngay từ thời bình nhằm đánh bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, nòng cốt là lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng phòng không - không quân. Nâng cao cảnh giác cách mạng, thường xuyên xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Thủ đô và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc chắn rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những nhiệm vụ khó, chưa có trong tiền lệ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để tạo bước đột phá. Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và hội nhập quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp với tinh thần: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”, là điểm tựa tinh thần to lớn, thôi thúc, cổ vũ quân và dân Hà Nội vững bước trên con đường xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh. Chúng ta càng thêm tin tưởng các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở sẽ phấn đấu thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 05-NQ/TƯ ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, chúng ta tin tưởng rằng, mỗi công dân Thủ đô sẽ luôn mang trong mình niềm tự hào là người Hà Nội văn minh, thanh lịch, cùng phấn đấu thi đua đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.

Từ chiến thắng vĩ đại trong lịch sử, chúng ta chắc chắn rằng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta nhất định thành công, Thủ đô yêu quý của chúng ta sẽ ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xứng đáng là “trái tim của cả nước”, được nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng; Hà Nội sẽ tiếp tục làm nên kỳ tích mới trên con đường chinh phục các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được cụ thể hóa bằng 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố đã xác định.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - thắng lợi mang tính thời đại, thắng lợi của ý chí cách mạng quật cường và niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, của quân và dân ta trong cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ tháng 12-1972 sẽ mãi mãi trường tồn với Thủ đô yêu dấu và trong tâm hồn mỗi người dân Thủ đô cùng nhân dân cả nước.

_______

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000), NXB Hà Nội, tháng 10-2004.

2. Thành ủy Hà Nội, “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt (12/1972 - 12/2017), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2018.

3. Thành ủy Hà Nội, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.

4. Thành ủy Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, vận dụng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp văn minh, hiện đại, Hà Nội tháng 12-2021.

5. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hào khí Thăng Long 12 ngày đêm 1972, NXB Hà Nội, năm 2012.

6. Bộ Quốc phòng, BTG Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”, NXB Quân đội nhân dân, năm 2022.

Đinh Tiến Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1049794/dang-bo-quan-va-dan-thu-do-gop-phan-lam-nen-thang-loi-ha-noi---dien-bien-phu-tren-khong-nam-1972