Dân vận khéo trong công tác bảo vệ môi trường
Nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, hàng năm các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương trong tỉnh thường xuyên quán triệt, tuyên truyền về phong trào thi đua “Dân vận khéo”; hướng dẫn xây dựng, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó các mô hình về giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được thực hiện hiệu quả.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vụ Bản hàng năm đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ, chi, tổ hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10. Hội LHPN huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên nhằm nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường, phổ biến kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường; phát động các chiến dịch ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thực hiện phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi ni-lông; thu gom vỏ thuốc trừ sâu; không đốt rơm rạ, không xả rác thải ra sông, đường dong, ngõ xóm; trồng, chăm sóc tuyến đường hoa… Hội LHPN huyện còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp tập huấn về “Kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm” cho hàng trăm hội viên phụ nữ xã, thị trấn; tổ chức hội nghị tuyên truyền và hướng dẫn mô hình “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình". Thông qua các lớp tập huấn, từ kiến thức được trang bị, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trở thành một tuyên truyền viên hiệu quả tại gia đình, nơi cư trú, nơi công tác, tạo sự lan tỏa rộng trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Các cấp hội cũng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các hoạt động hỗ trợ cho hàng trăm hộ gia đình vay vốn xây dựng công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong phong trào “Xây dựng tuyến đường hoa”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, hội viên phụ nữ trong huyện thường xuyên tìm hiểu cách trồng và chăm sóc các giống hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương; từ đó hình thành những mô hình tuyến đường hoa, đoạn đường hoa đẹp, đa dạng, làm thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối kết hợp với các ngành, địa phương trồng được trên 3.000 cây xanh tại các xã, thị trấn; phong trào trồng hoa và cây xanh đã lan tỏa khắp các thôn, xóm trên địa bàn huyện với hàng chục km tuyến đường hoa.
Thực hiện công tác bảo vệ môi trường, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo 100% cơ sở Hội duy trì và đảm nhận một việc làm cụ thể về xây dựng nông thôn mới nâng cao và bền vững gắn với xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ tại hộ gia đình; mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; mô hình vườn kiểu mẫu… Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân tỉnh tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại xã Nam Lợi (Nam Trực) và trồng “Hàng cây nông dân” Xuân Giáp Thìn năm 2024. Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức phát động trồng mới được gần 9.000 cây bóng mát trên các tuyến đường trục thôn xóm; Hội Nông dân các cơ sở tiếp tục chăm sóc 209 hàng cây nông dân đã trồng năm 2023... góp phần tạo không gian xanh, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Các cấp Hội đã triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh). Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 100% cơ sở và 70% chi Hội đã thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình.
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường biển nói riêng; về vai trò, tầm quan trọng của môi trường biển đối với hệ sinh thái và sự phát triển bền vững. Các cấp bộ Đoàn cũng phát động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên xung kích, tình nguyện đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc của thanh niên; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho thanh niên, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các phong trào, như: Chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni-lông, bảo vệ nguồn nước; vận động thanh, thiếu niên tham gia giám sát, tố giác các hoạt động vi phạm môi trường; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và hưởng ứng chiến dịch “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”... tổ chức 168 đội hình tuyên truyền lưu động về Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt, thực hành các phương pháp như sử dụng hố ủ rác hữu cơ, thùng ủ rác hữu cơ… nhằm tạo cảnh quan sạch đẹp trên địa bàn.
Từ các hoạt động dân vận khéo trong công tác bảo vệ môi trường đã giúp thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen bảo vệ môi trường của người dân. Hiện, toàn tỉnh có 77,8% xã, phường, thị trấn đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Có 3 mô hình phân loại đang áp dụng gồm “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng thùng ủ”, “Hố rác hữu cơ di động” và “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”; đã giảm được 30-50% lượng rác thải phải xử lý; tiết kiệm nguồn ngân sách trong việc xử lý rác thải. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt 95,5%; khu vực nông thôn đạt 89,5%.
Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hoạt động dân vận khéo đã góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng tham gia giữ gìn cảnh quan chung.