Dân vận khéo tạo đồng thuận
Khắc ghi lời dạy sâu sắc của Bác: 'Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', những năm qua, huyện Tam Nông đã đẩy mạnh Phong trào thi đua 'Dân vận khéo', tạo sức lan tỏa sâu rộng. Nhờ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận, thu hút đông đảo quần chúng tham gia các hoạt động xã hội.

Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Lam Sơn với sự đóng góp kinh phí và ngày công của các tầng lớp nhân dân.
Năm 2022, công tác dân vận chính quyền được huyện triển khai tích cực với phương châm “Huyện chọn xã, xã chọn khu, khu chọn việc”. Theo đó, 100% số xã, số khu triển khai hoạt động dân vận chính quyền với nội dung phù hợp từng địa phương, đơn vị. Sau khi hợp nhất từ ba xã Tứ Mỹ, Phương Thịnh, Hùng Đô thành Lam Sơn, cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tích cực huy động sức người, sức của đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Các tuyến đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương phát triển kinh tế. Đường trục nội đồng và hệ thống thủy lợi được quy hoạch, xây dựng khá đồng bộ, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhằm tạo điều kiện để Lam Sơn về đích nông thôn mới, năm 2022, huyện đã chọn đây là địa phương triển khai công tác dân vận chính quyền. Trong năm, hơn 600m đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa, xây mới một nhà văn hóa khu dân cư, hỗ trợ xây dựng nhà dân vận chính quyền cho một hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 100 người với tổng kinh phí huy động trên 900 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 300 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa, nhân dân ủng hộ và trên 200 ngày công lao động. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận trong nhân dân, tháng 4/2022, Lam Sơn đã đón nhận Bằng công nhận xã nông thôn mới.
Cùng với Lam Sơn, các xã, thị trấn trong huyện cũng đã lựa chọn 41 nội dung, các khu dân cư đã lựa chọn hàng trăm nội dung tập trung vào sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhà văn hóa các khu dân cư; cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn; tập huấn pháp luật về đất đai và giải phóng mặt bằng; xây dựng đường điện thắp sáng ở các khu dân cư; xóa nhà tạm cho hộ nghèo; tạo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường… với tổng kinh phí huy động gần 40 tỷ đồng, trong đó huy động từ nhân dân và nguồn xã hội hóa gần 21 tỷ đồng và trên 4.000 công lao động.
Năm 2022 trên địa bàn huyện có 94 mô hình được đánh giá và công nhận, tạo sự đồng thuận của người dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhờ đó, góp phần đẩy nhanh kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 10 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã hoàn thành 6/9 tiêu chí, 31/36 chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Xã Hương Nộn và Dân Quyền đều đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao. Đó là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục phấn đấu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2024.
Cùng với đó, các hoạt động vì người nghèo và công tác vận động cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” của huyện huy động được trên 500 triệu đồng, từ đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa 15 nhà Đại đoàn kết, góp phần khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Tam Nông đã thực sự lan rộng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn tiếp theo.
Hồng Nhung
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/dan-van-kheo-tao-dong-thuan/190262.htm