Đan Phượng: khẩn trương hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng ngập úng
Sáng 10/9, mực nước sông Hồng, sông Đáy lên cao, một số địa phương vùng bãi ven sông trên địa bàn huyện Đan Phượng bị úng ngập. Chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đã tích cực, khẩn trương hỗ trợ người dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Theo UBND huyện Đan Phượng, hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3; mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh (hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt). Mực nước sông Đà, sông Hồng có lưu tốc dòng chảy lớn. Mực nước các sông hiện đang ở mức cao: sông Đáy trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên, sông Hồng tại cống Đan Hoài là 10,2m (báo động 1 là 10,8m).
Trên địa bàn huyện Đan Phượng, các xã Hồng Hà, Trung Châu có nơi bị ngập nặng. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ dân sản xuất ở vùng bãi sông, diện tích khoảng 200ha bị ngập úng. Trong sáng 10/9, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đã tích cực hỗ trợ người dân vùng bị úng ngập di dời người và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.
“Xã cũng đã xây dựng phương án dự phòng 10 nhà văn hóa và các trường học, trong trường hợp nước lũ dâng cao lên mức báo động 2, có thể di dời người dân đến sơ tán” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 10/9, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức đã có Công điện số 43/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông.
Trong đó yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đồng thời tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Video: Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cùng lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ người dân vùng bãi di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Cùng với đó, tổ chức trực ban, ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.
Đồng thời chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân. Hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân.
Các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Đồng thời có phương án bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.