Dàn pháo binh cực khủng của Đức và Mỹ trong Chiến tranh Thế giới

Trong Thế chiến hai, pháo binh là những vũ khí mà quân đội Đức phát xít so với quân đội Mỹ có một chút lợi thế; những vũ khí này có sức tàn phá và hủy diệt không kém gì sức mạnh hủy diệt của không quân.

Được dùng nhiều nhất trong Quân đội Đức quốc xã trong thế chiến 2 là loại lựu pháo Đức 10,5 cm leFH 18; đây là loại pháo chiến thuật. leFH 18 được đưa vào biên chế quân đội Đức năm 1935 và được trang bị cho tiểu đoàn pháo binh thuộc sư đoàn bộ binh.

Đã có hơn 22.000 khẩu 10,5 cm leFH 18 đã được chế tạo và đó là loại lựu pháo chiến thuật tiêu chuẩn của sư đoàn bộ binh. Mặc dù không phù hợp với chiến đấu chống tăng, nhưng đã phát huy tác dụng tốt trong vai trò đó ở chiến trường Bắc Phi và thậm chí là ở Mặt trận phía Đông.

Loại lựu pháo chiến dịch hạng nặng cơ bản của Đức, dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là khẩu 15 cm sFH 18; đây là mẫu pháo chiến dịch có tính cơ động cao và tầm bắn tương đối tốt. Tổng cộng đã có 6.756 khẩu sFH 18 được sản xuất trong chiến tranh. Đây là loại pháo binh đầu tiên được trang bị đạn tăng tầm, giúp tăng tầm bắn.

Trong thế chiến 2, Liên Xô nổi tiếng về các loại pháo phản lực phóng loạt, nhưng quân đội Đức quốc xã cũng có loại pháo phản lực 15cm Nebelwerfer. Pháo gồm 6 ống phóng, cỡ đạn 150 mm, tầm bắn tối đa 7 km, có thể phóng 6 quả đạn rocket trong vòng 10 giây. Quân Đồng minh đã đặt biệt danh cho nó là "Screaming Mimi", do âm thanh đặc biệt của nó.

Pháo phòng không 88 ly, là một trong những loại pháo hiệu quả nhất trong thế chiến 2. Được phát triển vào những năm 1930 như một loại pháo phòng không có tốc độ bắn cao, độ cao phòng không hiệu quả là 8km, tầm bắn tối đa gần 15km.

Ngoài ra do thiếu hụt vũ khí chống tăng, nên khẩu 88 ly còn được Quân đội Đức sử dụng trong vai trò chống tăng rất hiệu quả. Khẩu 88 ly được bố trí rộng khắp tại bãi biển Normandy làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển. Đó là lý do tại sao việc phá hủy chúng, là mục tiêu hàng đầu trong ngày D-Day của quân Đồng minh.

Một trong những khó khăn khi sử dụng pháo phòng không 88 ly làm vũ khí chống tăng là do khả năng di chuyển khó khăn của nó. Công ty Krupp, nơi chế tạo loại vũ khí này, đã nhận được yêu cầu từ quân đội Đức để cải tiến pháo 88 ly thành pháo chống tăng mang tên Pak 43 8,8cm.

Khẩu Pak 43 đã được thiết kế lại hệ thống vận chuyển gồm hai bánh xe và thêm một tấm lá chắn. Pháo cũng được trang bị cơ cấu khóa nòng dọc bán tự động, để giảm độ giật; đồng thời nó cũng được thiết kế lại để bắn bằng điện.

Ưu điểm nổi bật của khẩu pháo chống tăng Pak 43 là có cự ly bắn là (cự ly bắn là là khi chiều cao của đường đạn, không vượt quá chiều cao mục tiêu, cho phép xạ thủ ngắm đâu trúng đó) lên tới 914 mét; giúp xạ thủ dễ dàng bắn trúng mục tiêu ở cự ly xa hơn.

Pháo chống tăng 88 ly được coi là một trong những vũ khí chống tăng tốt nhất, nhưng kích thước của nó quá cồng kềnh. Pháo chống tăng 7.5cm Pak 40 được thiết kế như là loại vũ khí chống tăng chuyên dùng, có khả năng xuyên 120mm giáp ở khoảng cách tới một km. Đặc biệt Pak 40 có tốc độ bắn cao, đến 14 viên/phút, khiến nó trở thành vũ khí hiệu quả, ngăn chặn xe tăng của đối phương.

Loại pháo được Quân đội Đức phát triển như một loại pháo phòng không hạng nhẹ và sử dụng rộng rãi trên mọi mặt trận trong Thế chiến thứ hai là khẩu 2cm FlaK 38, được triển khai ở cả cấu hình loại một nòng và bốn nòng. FlaK 38 cũng được triển khai với vai trò phòng không và thậm chí là chống tăng.

Khi nói đến súng cối cỡ nhỏ, người Đức có một số loại tốt nhất bao gồm súng cối 8 cm Granatwerfer 34, có khả năng bắn đạn nổ và đạn khói lên tới một km chỉ bằng liều phóng chính; tốc độ bắn tối đa là 15 đến 25 phát/phút và tầm bắn có thể được tăng lên bằng cách buộc thêm các liều phóng phụ.

Trong Thế chiến 2, Quân đội Mỹ không sử dụng nhiều loại pháo hay súng cối như quân đội Đức quốc xã, nhưng các mẫu pháo binh của Quân đội Mỹ rất nổi tiếng và được sử dụng trong quân đội nhiều quốc gia đến tận ngày nay, trong đó có lựu pháo M114 155 mm.

Lựu pháo M114 có cỡ nòng 155mm, được phát triển đúng lúc Quân đội Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ hai. M114 có tốc độ bắn chỉ khoảng 4 phát/phút, nhưng tầm bắn gần 15 km. Pháo có thể bắn ra các loại đạn nổ phá, đạn khói, chiếu sáng và thậm chí là đạn pháo hóa học. Thiết kế này rất thành công và nó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Về súng cối, Quân đội Mỹ có khẩu 81mm M1. Đây là mẫu thiết kế dựa trên mẫu súng cối Brandt của Pháp. Khẩu 81mm M1 của Mỹ đã được sử dụng trong suốt Thế chiến thứ hai và được sử dụng trên tất cả các chiến trường.

Súng cối M1 có thể bắn đạn nổ, đạn cháy cũng như đạn khói và đạn chiếu sáng; tốc độ bắn 18 viên/phút và có tầm bắn tối đa là 3.000 mét. Đây là mẫu hỏa khí trợ chiến quan trọng của bộ binh trong chiến đấu. Hiện mẫu súng cối này vẫn được sử dụng trong Quân đội Mỹ và quân đội nhiều quốc gia khác. Nguồn: Warhistory.

Súng chống tăng vác vai dùng một lần do quân đội Đức tự thiết kế đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho xe tăng Liên Xô, Mỹ. Nguồn: USAM.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/dan-phao-binh-cuc-khung-cua-duc-va-my-trong-chien-tranh-the-gioi-1531232.html