'Đàn ông chúng tôi là đồng minh trong nỗ lực bình đẳng giới'

Câu ngạn ngữ 'đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm' đã lỗi thời. Hiện tại, đàn ông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và cùng người phụ nữ vun đắp gia đình.

Tiếng Anh có một câu nói: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Theo câu ngạn ngữ lỗi thời này, đàn ông là người đi làm, kiếm tiền để gia đình có nơi trú ngụ. Còn phụ nữ có nhiệm vụ biến nơi đó trở nên thoải mái và ấm áp. Để làm được điều này, theo truyền thống, phụ nữ phải nấu ăn, dọn dẹp và nuôi dạy con cái.

Câu ngạn ngữ trên có nguồn gốc từ tiếng Anh, nhưng tôi nghĩ bất cứ ai trên thế giới cũng sẽ cảm thấy quen thuộc với ý nghĩa của nó.

Lúc ở Việt Nam, điều khiến tôi ngạc nhiên là phụ nữ có thể xây nhà, theo nghĩa đen. Khi đi ngang qua một công trường xây dựng, bạn sẽ thấy đàn ông và phụ nữ cùng làm những công việc giống nhau. Bạn có thể sẽ thấy những người phụ nữ đào, nâng, vác, và làm mọi việc khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, phụ nữ Việt Nam phi thường mạnh mẽ - và không chỉ về thể chất!

Tôi biết điều này rất rõ. Tôi thật may mắn khi có một người vợ Việt Nam kiên cường, tuyệt vời và một cô con gái 3 tuổi độc lập, quyết đoán (bên cạnh một cậu con trai kháu khỉnh).

Như nhiều người đàn ông ở Việt Nam và trên thế giới, tôi muốn con gái mình có tương lai tươi sáng. Tôi muốn con gái tôi, cũng như những bé gái khác trên thế giới, được trao cùng cơ hội như con trai tôi, và những bé trai khác.

Khi nói về việc trao quyền cho phụ nữ, chúng ta sẽ nghĩ đến cuộc đấu tranh gay go trên khắp thế giới. Phụ nữ đã liên tục (và sẽ tiếp tục) vượt qua các rào cản ngăn họ có được bình đẳng trong kinh tế và giáo dục.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chúng ta còn gần 100 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới. Nói cách khác, hầu hết dân số thế giới hiện tại sẽ không sống đủ lâu để chứng kiến điều đó xảy ra.

Chúng ta chắc chắn còn một cuộc hành trình dài phía trước. Song một trong những cách quan trọng để đẩy nhanh cuộc đấu tranh này là thừa nhận rằng bất bình đẳng gây tổn thương cho mọi người. Và cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là hợp tác giữa hai giới.

Đạt được bình đẳng giới không chỉ là điều đúng đắn mà còn là điều nên làm.

Theo nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU), bình đẳng giới có tác động tích cực và mạnh mẽ đến GDP trên đầu người. Đến năm 2050, cải thiện bình đẳng giới sẽ giúp nâng 6,1% mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của EU, lên 9,6%, tức tăng tối đa khoảng 3.766 tỷ USD.

Số liệu về bình đẳng giới của Việt Nam có một vài điểm tích cực. Nghiên cứu của Dezan Shira cho thấy gần 79% phụ nữ 15-64 tuổi đang đi làm hoặc đang tìm kiếm việc làm tại Việt Nam. Đây là con số cao thứ tư trong các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Phụ nữ chiếm 48,4% lực lượng lao động ở Việt Nam và tạo ra 40% của cải trên cả nước. Đồng thời, 55% số lao động tự làm chủ ở Việt Nam là phụ nữ. Điều này dẫn đến tỷ lệ chủ doanh nghiệp là nữ giới ở Việt Nam so với nam là 1,14:1.

Theo nghiên cứu của Grant Thornton, Việt Nam đứng thứ hai trong những quốc gia châu Á có số lượng phụ nữ làm việc ở vị trí quản lý cao nhất.

Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành Nghị định 145 giúp cải thiện điều kiện làm việc cho phụ nữ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2.

Theo đó, lao động nữ có con dưới 12 tháng tuổi sẽ được nghỉ làm 60 phút mỗi ngày để cho con bú. Nhân viên nữ cũng sẽ được nghỉ 30 phút trong kỳ kinh nguyệt. Số ngày được nghỉ do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong tháng.

Nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để tiếp tục làm việc, người sử dụng lao động phải trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ. Khoản tiền này khác với tiền làm thêm giờ.

Nghị định cũng đưa ra các hướng dẫn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được chia ra là hành vi mang tính thể chất, quấy rối tình dục bằng lời nói và quấy rối tình dục phi lời nói, được thực hiện trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử.

Nơi làm việc cũng được định nghĩa bao gồm bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại...

Tôi là người Canada. Thủ tướng Justin Trudeau của chúng tôi là người luôn đấu tranh cho bình đẳng giới. Nội các của ông Trudeau gây chú ý vì có sự cân bằng tỷ lệ nam nữ 50/50.

Đồng thời, phụ nữ ở Canada vượt qua nam giới về trình độ học vấn. Họ cũng đa dạng hóa lĩnh vực nghiên cứu sau trung học. Phụ nữ Canada cũng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong các ngành nghề có địa vị cao.

Mọi thứ nghe có vẻ hoàn hảo, nhưng không phải vậy.

Canada là một trong những nước có khoảng cách lương giữa hai giới cao nhất trong OECD. Và đáng buồn thay, 67% người Canada quen một phụ nữ từng bị bạo hành hoặc xâm hại tình dục.

Trên bình diện quốc tế, bạo lực đối với phụ nữ xảy ra nhiều đến mức Liên Hợp Quốc phải có định nghĩa riêng cho hành vi này.

Tôi nhấn mạnh những điểm này để làm rõ rằng bất bình đẳng đối với phụ nữ là một vấn đề toàn cầu. Và cũng như việc Việt Nam đáng được khen ngợi vì chống dịch Covid-19 hiệu quả, tôi tin Việt Nam có đủ năng lực để trở thành quốc gia đi đầu giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Với việc phụ nữ liên tục đóng vai trò quan trọng trong suốt lịch sử Việt Nam, tôi rất lạc quan rằng đất nước này có thể trở thành ngọn hải đăng dẫn đường cho thế giới.

Tạo nền tảng cho một xã hội bình đẳng giới là cơ hội thú vị cho ngành giáo dục. Thông thường, chúng ta thảo luận về những nỗ lực có thể được thực hiện ở nơi làm việc, chuyển đổi môi trường trong các nhà máy, văn phòng, ngành du lịch, nông nghiệp, lĩnh vực tư nhân... Để làm điều đó, chúng ta phải hành động ngay.

Mặc dù nên bắt tay vào giải quyết vấn đề ở những nơi nó biểu hiện rõ ràng nhất, chúng ta cũng cần bắt đầu gieo hạt. Những việc có thể làm trong trường học, ngay từ cấp tiểu học và thậm chí là mẫu giáo, cũng quan trọng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng ở nơi làm việc.

Trường học có thể chủ động xây dựng các chiến lược để giúp trẻ em gái có được sự tự tin rằng các em có thể theo đuổi bất cứ ngành học và công việc nào mình muốn. Chúng ta cũng cần giúp các em trai có suy nghĩ rằng thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn khi nam và nữ bình đẳng với nhau trong lớp học, trong nhà, tại nơi làm việc và những nơi khác.

Là một người đàn ông, một người chồng, một người cha, một người con trai, tôi tin nam giới có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ. Họ vừa là đồng minh, vừa là đối tác trong cuộc đấu tranh này.

Như nhiều phụ nữ đã giúp xây nhà, trong tương lai, chúng ta cần phải thấy nhiều người đàn ông giúp xây tổ ấm hơn.

Joshua James

Biên dịch: Như TrầnĐồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ong-chung-toi-la-dong-minh-trong-no-luc-binh-dang-gioi-post1190058.html