'Dẫn mặn nhập đồng' để nuôi tôm tự phát - một việc làm, nhiều hệ lụy. Bài 1: Cả đất đai và nguồn nước đều bị nhiễm mặn

Những năm qua, nhiều hộ dân ở một số xã vùng ven biển trên địa bàn tỉnh đào ao lót bạt nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên diện tích đất trồng lúa, hoa màu, trong khu dân cư. Thế nhưng, do chính quyền địa phương xử lý không kiên quyết, khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng trầm trọng. Hậu quả của việc tự phát 'dẫn mặn nhập đồng' là nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu của người dân không thể canh tác được. Và nhiều hộ dân hiện đang thiếu nước sạch sinh hoạt bởi nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn nặng…

Tràn lan việc nuôi tôm trên đất trồng lúa, hoa màu, trong khu dân cư

Do lợi nhuận con tôm mang lại gấp nhiều lần so với trồng cây lúa, hoa màu trên cát nên đã xảy ra tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào những diện tích đất trồng lúa, hoa màu, trong khu dân cư để nuôi tôm, bất chấp nguy cơ nhiễm mặn. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn không thể xử lý dứt điểm vì liên quan đến sinh kế của người dân.

Nhiều diện tích ruộng lúa của thôn Tường Vân, xã Triệu An bị nhiễm mặn và bỏ hoang không canh tác được - Ảnh: H.A

Nhiều diện tích ruộng lúa của thôn Tường Vân, xã Triệu An bị nhiễm mặn và bỏ hoang không canh tác được - Ảnh: H.A

Có mặt tại các thôn Tường Vân, Hà Tây (xã Triệu An, huyện Triệu Phong), theo quan sát của chúng tôi thì có khá nhiều hộ nuôi tôm trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư với diện tích của mỗi hồ từ vài chục đến hàng trăm mét vuông, nằm xen lẫn giữa rừng cây, ruộng lúa, khu dân cư, đi tới đâu cũng nghe tiếng máy sục khí rào rào.

Phó Trưởng thôn Tường Vân Trần Văn Sằn cho biết, khoảng năm 2002, khi đó phong trào nuôi tôm sú ở khu vực đầm Hà Tây và ven sông cụt giáp ranh giữa thôn Hà Tây và thôn Tường Vân phát triển rầm rộ. Nhờ nuôi tôm sú, nhiều hộ dân thôn Tường Vân, Hà Tây giàu lên nhanh chóng. Lợi nhuận từ con tôm sú mang lại đã khiến nhiều hộ dân thôn Tường Vân không còn mặn mà với việc trồng lúa, hoa màu.

Nhưng rồi, chỉ khoảng 3 - 4 năm sau, hệ lụy của việc nuôi tôm tự phát bắt đầu hiển hiện trước mắt người dân với việc nhiều diện tích canh tác lúa xung quanh khu vực hồ nuôi tôm bị nhiễm mặn nặng do nguồn nước từ hồ nuôi tôm thẩm thấu vào. Đến nay, thôn Tường Vân có hơn 38 ha/80 ha ruộng lúa bị bỏ hoang hoàn toàn bởi không canh tác được. Ruộng lúa bị nhiễm mặn và bỏ hoang đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Những năm gần đây, ở thôn Tường Vân lại có thêm một số hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư với diện tích khoảng 8 - 9 ha.

Ông Hoàng Lập ở thôn Tường Vân cho biết, do đất nhiễm mặn cũng như bị hơi mặn thổi vào nên trồng hoa màu không hiệu quả, lá thường úa tàn và chết nhanh. Muốn khoan giếng lấy nước tưới nhưng nếu khoan cạn thì không có nước, khoan sâu thì nước nhiễm mặn nên thật sự rất nan giải. “Người dân chúng tôi vì bỏ hoang ruộng lúa nhiều năm nên phải mua gạo ăn hằng ngày khá tốn kém. Ruộng lúa, đất đai nhiễm mặn khiến nhiều thứ trở nên khó khăn với người dân thôn Tường Vân”, ông Lập giải bày.

Anh Võ Văn Định ở thôn An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết, thôn nằm giáp ranh với thôn Tường Vân nên việc thiếu nước sạch sinh hoạt do nguồn nước giếng đào, giếng khoan bị nhiễm mặn, phèn hiện tại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân. Nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, phèn nên người dân trong thôn phải bỏ tiền mua nước đóng bình sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả diện tích đất trồng hoa màu xung quanh vườn của một số hộ dân thôn An Xuân cũng không canh tác được do đất nhiễm mặn nặng.

Ông Trần Văn Sằn cho biết thêm, trong tổng số 38/80 ha diện tích ruộng bị bỏ hoang của thôn Tường Vân thì có khoảng 9 ha ở ngay trung tâm của thôn, có vị trí phía trước tiếp giáp với khu hồ tôm, phía sau giáp với khu dân cư với khoảng 18 hộ.

Mong muốn hiện nay của người dân trong thôn là được các cấp, ngành, cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng 1,2 km tuyến kênh mương bê tông tại diện tích 9 ha ở trung tâm của thôn Tường Vân. Tuyến mương có đáy rộng khoảng 1m, mặt mương rộng 2 m, chiều cao đáy mương lên mặt mương 1,2 m để đảm bảo việc chống thấm mặn từ hồ tôm vào, đồng thời giữ lại nước ngọt phía trong ruộng để “rửa mặn”.

Ở ruộng lúa cứ bình quân 5 sào thì giữ lại 1 sào để đào ao chứa nước ngọt “rửa mặn” cho 4 sào còn lại. Hy vọng khi tuyến mương được xây dựng và người dân áp dụng cách “rửa mặn” nêu trên thì khoảng vài năm sau một số diện tích ruộng của thôn Tường Vân được “rửa mặn” có thể canh tác lúa trở lại.

Theo phản ánh của người dân thôn An Xuân (xã Triệu An) do thôn nằm giáp ranh với thôn Tường Vân nên có khoảng 16 hộ dân bị ảnh hưởng từ việc nuôi tôm trên đất trồng lúa, hoa màu, trong khu dân cư. Cụ thể, do nuôi tôm trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư nên cứ mỗi lần vệ sinh hồ nuôi thì lượng nước thải đổ thẳng xuống đầm, sông hoặc ra xung quanh vườn rất lớn. Việc này khiến môi trường xung quanh bốc mùi hôi thối và nguồn nước bị ô nhiễm. Chưa kể rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi tôm tự phát này bị vứt lung tung.

Các hồ nuôi tôm ở đây hầu hết không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, mà xả thải thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, cũng do việc bơm nước mặn vào hồ để nuôi tôm, lâu ngày nước mặn thẩm thấu xuống lòng đất khiến nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu của nhiều hộ dân thôn Tường Vân, An Xuân không thể canh tác được. Người dân thôn An Xuân cũng đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng cũng như xã Triệu An nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi. Các hộ dân thôn An Xuân hằng ngày vẫn phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mương dẫn nước xả thải của các hồ nuôi tôm đã gần 6 - 7 năm nay.

Trao đổi về thực trạng nhiều hộ nuôi tôm trên đất hoa màu, trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, nhiễm mặn, Chủ tịch UBND xã Triệu An Nguyễn Văn Phương cho rằng, đối với diện tích ruộng bị bỏ hoang khoảng 9 ha ở trung tâm của thôn Tường Vân, khoảng năm 2021, xã Triệu An đã có đề án đắp tuyến kênh mương ở khu vực nêu trên để “thau chua, rửa mặn”, nhưng đa số người dân thôn Tường Vân không đồng tình với lý do diện tích đất ở thôn Tường Vân, An Xuân nhiễm phèn là chủ yếu. Thôn Tường Vân, An Xuân nằm trong khu vực về mùa đông chịu ngập lụt nên nước mặn tràn vào, mùa hè bị hạn nặng nên việc đất bị chua, phèn, nhiễm mặn từ xưa, chứ không phải đến hiện tại mới bị.

Đối với các hộ nuôi tôm trong khu dân cư ở thôn Hà Tây (khoảng 2 ha dọc theo con sông cụt), Tường Vân (khoảng 8 - 9 ha), xã Triệu An cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động nên nhiều hộ dân đã san lấp ao hồ không nuôi tôm trong khu dân cư để trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con khác.

Việc đào hồ lót bạt nuôi tôm trên đất hoa màu, trong khu dân cư không chỉ sai phạm về mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn. Được biết, các xã: Triệu An có khoảng 90 ha, Triệu Vân có khoảng 31,7 ha, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) có khoảng 67 ha, xã Hải An (huyện Hải Lăng) có khoảng 13,8 ha. Phần nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đều nuôi trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư.

“Trên địa bàn xã Triệu Lăng trước đây diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng gần 90 ha. Những năm trở lại đây do nuôi tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh dẫn đến thua lỗ nên nhiều người dân bỏ nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, xã Triệu Lăng chỉ còn lại diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu trên đất trồng hoa màu khoảng 67 ha, phân bố trên địa bàn 5 thôn của xã. Diện tích đất trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng sau đó người dân không nuôi tôm nữa, đến nay không thể trồng hoa màu và người dân chỉ trồng được cây dương liễu, tràm hoa vàng”, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Đặng Quang Hải cho biết.

Thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng

Nhiều tháng qua, 194 hộ dân thôn Tường Vân (xã Triệu An, huyện Triệu Phong) thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt trầm trọng bởi nguồn nước trên địa bàn thôn bị nhiễm phèn, mặn nặng. Người dân phải chi tiền mua nước sạch với giá 150.000 đồng/m3 .

Nguồn nước giếng khoan của một số hộ dân thôn Tường Vân, xã Triệu An bơm lên bể để lọc nhưng mùi phèn vẫn rất nặng và có vị mặn chát - Ảnh: H.A

Nguồn nước giếng khoan của một số hộ dân thôn Tường Vân, xã Triệu An bơm lên bể để lọc nhưng mùi phèn vẫn rất nặng và có vị mặn chát - Ảnh: H.A

Khi chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn Tường Vân về nguồn nước sinh hoạt mà gia đình bà hiện đang sử dụng, bà Toàn thở dài, nói: “Cực lắm chú ơi. Mấy năm gần đây, cứ đến mùa khô hạn là nhiều hộ dân thôn Tường Vân như gia đình tôi không có nước sạch để sinh hoạt do nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn quá nặng. Người dân trong thôn phải mua nước lọc đóng bình để ăn uống hằng ngày. Còn nước dùng để tắm, giặt, gia đình tôi phải lên khu vực đồi cát cách nhà vài trăm mét để khoan giếng rồi bơm nước về dùng. Trong thôn hiện tại chỉ có số ít hộ dân có nguồn nước giếng khoan không bị nhiễm mặn, phèn.”

Ông Hoàng Lập ở thôn Tường Vân cho biết, hiện tại nguồn nước giếng khoan bơm lên bể lọc (chứa cát trắng, than củi, đá cuội và vải sạch) tuy có trong hơn nhưng mùi phèn vẫn rất nặng và có vị mặn chát. Nguồn nước này chủ yếu dùng tắm rửa, giặt áo quần, tưới cây… nhưng do nhiễm phèn, mặn quá nặng nên áo quần giặt phơi xong là bị khô cứng, tắm thì bị dị ứng ngứa ngáy rất khó chịu, đến rửa chân cũng chịu không nổi vì muối rịn ra rít rịt…

Ở thôn Tường Vân hầu như gia đình nào cũng bị tình trạng tương tự. “Nước bị nhiễm phèn, mặn nặng nên gia đình tôi phải sang thôn Hà Tây (xã Triệu An) để mua nước sạch với giá 150.000 đồng/m3 về dùng cho việc tắm rửa, giặt áo quần; còn ăn uống thì mua nước đóng bình để dùng. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi tiêu tốn khoảng 100.000 đồng để mua nước ngọt, mỗi tháng tốn hơn 3 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với mức sống của người dân như gia đình tôi ở thôn Tường Vân”, ông Lập giải bày. Minh chứng cho lời nói của mình, ông Lập mở vòi, dòng nước chảy ra vàng nhạt, xung quanh các khu vực bồn nước, nhà tắm đọng lại một lớp bám màu bã trầu, tẩy rửa không sạch.

Phó Trưởng thôn Tường Vân Trần Văn Sằn cho biết, thực trạng nuôi tôm ở địa phương đã diễn ra từ lâu và hầu hết nuôi theo kiểu nhỏ lẻ nên không đủ điều kiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Việc người dân phản ánh nguồn nước sinh hoạt xung quanh khu vực nuôi tôm bị nhiễm mặn là có thật. Trên thực tế, nguồn nước đang ngày càng nhiễm mặn nặng khiến người dân không có nước sinh hoạt. Nhưng để xử lý tình trạng này không hề đơn giản…

“Như gia đình tôi có 3 nhân khẩu, nước sạch dùng cho việc ăn, uống hết khoảng 21 lít/ ngày chưa tính nước dùng cho việc tắm, giặt… thì mỗi tháng tiền mua nước sạch hết khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng. Hộ dân nào có điều kiện thì mua thêm bồn đựng khoảng 1.000 lít nước với giá khoảng 200 nghìn đồng/bồn về để sử dụng cho việc tắm, rửa chén bát. Còn giặt áo quần thì hầu hết người dân trong thôn đều dùng nguồn nước nhiễm mặn, phèn để tiết kiệm…

Vào các tháng cao điểm mùa khô hạn hằng năm, số tiền dùng để mua nước của nhiều hộ dân trong thôn còn nhiều hơn… Đến bây giờ, mong muốn lớn nhất, bức thiết nhất của người dân thôn Tường Vân là có nguồn nước sạch sinh hoạt ổn định, lâu dài…”, ông Sằn kiến nghị.

Cách đây chưa lâu, khi đề cập đến vấn đề người dân thôn Tường Vân gặp khó khăn về nguồn nước sạch sinh hoạt, Trưởng thôn Tường Vân Nguyễn Hữu Lộc cho biết, thôn có 328 hộ dân thì có khoảng 194 hộ dân không có nguồn nước sạch sinh hoạt trong các tháng cao điểm của mùa khô và phải đi mua nước sạch với giá 150.000 đồng/m3 . Nguồn nước sạch mà người dân thôn Tường Vân mua để sử dụng là từ giếng khoan của các hộ dân ở thôn Hà Tây dùng xe chở sang bán hoặc người dân thôn Tường Vân trực tiếp sang mua về sử dụng. Bây giờ, người dân thôn Tường Vân luôn mong muốn các ban, ngành chức năng quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch về cho địa phương.

Chủ tịch UBND xã Triệu An Nguyễn Văn Phương cho biết: “Tại các cuộc họp ở tỉnh, huyện, xã Triệu An cũng đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng hỗ trợ đưa nước sạch từ thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) qua xã Triệu An. Nếu cấp được nguồn nước sạch từ thị trấn Cửa Việt qua xã Triệu An, thì xã sẽ vận động người dân đầu tư đường ống đấu nối từ đường ống chính vào các thôn, xóm trên địa bàn để có nguồn nước sạch sinh hoạt sử dụng ổn định, lâu dài…”.

Hoàng Tiến Sỹ

-------

Bài 2: Cần một giải pháp khắc phục mang tính bền vững, hiệu quả

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/dan-man-nhap-dong-de-nuoi-tom-tu-phat-mot-viec-lam-nhieu-he-luy-bai-1-ca-dat-dai-va-nguon-nuoc-deu-bi-nhiem-man/179041.htm