Đan Mạch thừa nhận không thể phong tỏa Dòng chảy phương Bắc 2

Là một trong năm nước có vùng lãnh thổ mà dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đi qua, Đan Mạch thừa nhận không thể ngăn cản việc xây dựng dự án, song lại có nhiều lý do để làm chậm tiến độ thực hiện nó.

Đan Mạch thừa nhận không thể phong tỏa Dòng chảy phương Bắc 2

Hôm 13/4, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thừa nhận, nước này không thể ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2).

Theo kênh TV2 của Đan Mạch, người đứng đầu chính phủ đã nói thêm rằng Copenhagen không có phương tiện pháp lý để ngăn cản việc thực hiện dự án này, nhưng có nhiều cơ hội để làm chậm tiến độ lại.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý rằng chính phủ Đan Mạch vẫn chưa quyết định có cấp phép cho việc xây dựng tuyến đường ống Nord Stream 2 tại vùng biển Đan Mạch ở Baltic hay không.

"Dòng chảy phương Bắc 2"

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ m3 khí/ năm. Các đường ống này sẽ dẫn khí từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức, và được xây dựng song song với đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện tại.

Được biết, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của 5 quốc gia là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, và để có thể triển khai đầy đủ, dự án cần phải có sự chấp thuận của các nước này.

Đức và Phần Lan đã cấp phép xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2

Hiện Đức và Phần Lan đã cấp phép xây dựng đường ống dẫn khí đốt trên lãnh thổ của mình. Nhà điều hành dự án – công ty Nord Stream 2 AG cũng nhận được sự chấp thuận của Nga, Thụy Điển và Đan Mạch.

Một số nước kịch liệt phản đối dự án, đặc biệt là Ukraine, do lo sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt Nga. Latvia, Litva và Ba Lan cũng tuyên bố không tán thành việc xây dựng các đường ống Nord Stream-2.

Các nhà lãnh đạo của những nước này khẳng định, đây là một dự án hoàn toàn mang tính chất chính trị. Hoa Kỳ với kế hoạch đầy tham vọng về việc xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu, cũng lên tiếng phản đối việc xây dựng các đường ống này.

Trước đó, có thông tin cho biết Đan Mạch không đồng ý khi xem xét các văn bản đề xuất về việc xây dựng dự án khí đốt với lý do bảo vệ môi trường và an ninh.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dan-mach-thua-nhan-khong-the-phong-toa-dong-chay-phuong-bac-2-post259510.info