Đam mê kiến trúc Pháp
Những công trình kiến trúc Pháp được xem là một phần quan trọng trong bức tranh văn hóa và lịch sử vùng đất Cố đô. Đó cũng là điều thôi thúc các bạn trẻ đến từ Khoa Kiến trúc, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế tìm cách góp phần bảo tồn hình bóng Huế xưa.
Trong năm qua, tuyến đường Lê Lợi đã không còn xa lạ với hình ảnh nhóm sinh viên, gồm Phan Thị Ngọc Ánh, Huỳnh Ngọ Trí Dũng, Hoàng Văn Thành từ Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. “Chúng em cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, hỗ trợ nhau đo vẽ, ký họa, chụp ảnh công trình. Dù vất vả, nhưng nhờ đồng hành cùng nhau nên chúng em có thể phân chia công việc để hỗ trợ nhau trong những buổi khảo sát”, Trí Dũng cho biết.
Ngọc Ánh kể lại, trước đây em và các bạn chỉ biết đến các công trình Pháp tại Huế thông qua những buổi hội thảo do khoa, trường tổ chức. Cơ duyên đến với em khi nhận được lời mời từ TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế tham gia hỗ trợ đo vẽ công trình Pháp phục vụ cho đề tài nghiên cứu của thầy. “Những buổi đi khảo sát, đo vẽ không chỉ giúp em hiểu hơn về các giá trị kiến trúc mà còn khơi dậy niềm yêu thích về kiến trúc Pháp. Đó là lý do nhóm đã đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về công trình Pháp tại Huế”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Ấn tượng sâu sắc nhất với nhóm chính là Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế, biểu tượng của kiến trúc tân cổ điển nằm trên trục đường Lê Lợi. Nổi bật với sắc đỏ hồng cùng hàng cây xanh mát bao quanh, Quốc Học không chỉ là ngôi trường của bao thế hệ học sinh mà còn là một phần lịch sử sống động của Huế. Ô cửa hai lớp với mái che và chi tiết bậu cửa được thiết kế đặc biệt giúp nước không bị ứ đọng, không thấm vào tường, những hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn nghệ thuật phương Đông… đều là minh chứng cho sự khéo léo của kiến trúc giao thoa, nơi vẻ đẹp phương Tây hòa quyện với những nét đặc trưng của Á Đông.
Những ngày đầu khảo sát, nhóm thường chọn lúc trời nắng đẹp để tiện đo vẽ. Thế nhưng vào mùa mưa, không ít lần cả nhóm phải tạm trú dưới hiên của những công trình. “Dưới làn mưa Huế, các công trình Pháp cổ kính dường như trở nên sống động hơn, như thể mang theo ký ức của thời gian. Mưa tạo ra những vệt nước trong suốt trên bức tường gạch, mái ngói, khiến không gian trở nên mơ màng và huyền bí. Âm thanh rì rào của mưa, hòa với vẻ lặng lẽ của phố phường, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, dịu dàng, khiến em cảm thấy như đang lắng nghe những câu chuyện xưa của Huế”, Ngọc Ánh nhớ lại.
Đôi khi nhóm cũng trở thành những “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” khi bắt gặp những du khách. Sau vài lời hỏi han, nhóm cũng giới thiệu và kể cho du khách nghe về câu chuyện lịch sử của những công trình. Đối với Văn Thành, những cuộc trò chuyện ấy không chỉ khiến công việc thêm thú vị, mà còn là cơ hội để chia sẻ niềm tự hào về di sản Huế.
Ký ức văn hóa của thành phố
Theo TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, hiện trên địa bàn TP. Huế có 55 công trình thời Pháp thuộc được thiết kế theo 6 phong cách kiến trúc khác nhau: Tân cổ điển, Art Deco, Âu – Á giao thoa, địa phương Pháp, tiền thực dân và phong cách khác. Việc bảo tồn không chỉ nhằm gìn giữ giá trị thẩm mỹ, mà còn góp phần bảo vệ những tài sản văn hóa đặc biệt của thành phố di sản.
Còn KTS. Trần Minh Đức, thành viên Hội KTS thành phố Huế khẳng định: “Bảo tồn kiến trúc Pháp tại Huế không chỉ là giữ lại những tòa nhà, mà còn là bảo tồn một phần ký ức văn hóa của thành phố. Những công trình này không chỉ là tài sản của Huế, mà còn là di sản chung của nhân loại”. Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu và bảo tồn những công trình Pháp trên địa bàn thành phố, bởi những công trình này không chỉ đặc sắc về kiến trúc, mà còn là “nhân chứng” cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Qua mỗi chi tiết trang trí, mỗi bức tường rêu phong, người ta có thể cảm nhận được hơi thở của thời gian và những câu chuyện về sự giao thoa văn hóa.
“Em nghĩ rằng, các công trình kiến trúc ngoài việc đóng góp vào kiến trúc cảnh quan chung của thành phố, còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử. Những công trình đó giống như những “nhân chứng” đã chứng kiến biết bao thăng trầm của vùng đất kinh kỳ. Khi bước chân đến một công trình nào đó, em đều tự hỏi đằng sau vẻ cổ kính ấy, công trình này đã được xây dựng như thế nào, chứng kiến sự đổi thay gì của thành phố, những người xưa họ đã sống, đã làm việc ra sao ở nơi này. Điều đó gợi cho em sự tò mò, mong muốn khám phá và gìn giữ những giá trị đã được lưu truyền qua nhiều năm”, Ngọc Ánh bộc bạch.
Riêng Trí Dũng, việc đo đạc và vẽ lại không chỉ giúp ghi lại hình ảnh của những công trình đang dần mai một, mà còn tạo ra nguồn dữ liệu quý giá: “Có thể một ngày nào đó, một số công trình không còn nữa, nhưng sẽ còn những bản vẽ, hình ảnh, bản thiết kế và các nghiên cứu được lưu lại, góp phần giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa, nét kiến trúc đó tại Huế”, Trí Dũng nói.
Những công trình kiến trúc của Huế đều chứa đựng giá trị văn hóa và lịch sử quý giá. Việc nghiên cứu sẽ không chỉ giúp làm phong phú thêm kho tàng kiến thức về kiến trúc Huế, mà còn tạo cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc. Đó cũng là mục tiêu mà Ngọc Ánh hướng đến: “Em mong muốn tạo dựng một góc nhìn mới về Huế thông qua lăng kính kiến trúc bằng việc bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật của các công trình, góp phần gìn giữ di sản kiến trúc phong phú và đa dạng của Huế, thành phố di sản”.