Đắk Nông: sức lan tỏa từ những mô hình 'Dân vận khéo'

Thấm nhuần lời dạy của Bác 'Dân vận khéo việc gì cũng thành công', năm 2023, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) diễn ra sôi nổi, tạo sức lan tỏa trên mọi lĩnh vực.

Giữ gìn sự bình yên buôn làng

Trước đây, thôn 19, xã Đắk D’rông có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, giao thông đi lại còn khó khăn, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để góp phần giúp bà con thuận tiện đi lại vào ban đêm, năm 2022, Huyện đoàn Cư Jút đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh”. Theo đó, Huyện đoàn đã huy động nguồn lực đoàn viên, thanh niên trong và ngoài huyện để lắp đặt 20 bóng đèn chiếu sáng năng lượng mặt trên 1km đường, với tổng kinh phí 45 triệu đồng.

Chị Trần Thị Duy Linh, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Cư Jút cho biết: “Mô hình “Ánh sáng an ninh” là chủ trương hợp lòng dân, góp phần làm sáng thêm bộ mặt nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông ở nông thôn. Qua gần 2 năm triển khai, đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra các địa bàn khác trong toàn huyện như xã Tâm Thắng, xã Trúc Sơn”.

Tương tự, mô hình “Buôn Nui - điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự” của Công an xã Tâm Thắng được triển khai thực hiện từ đầu năm 2023. Mô hình hướng tới tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giao nộp 3 khẩu súng tự chế, 3 con dao; 1.200 người ký cam kết không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không vi phạm pháp luật, chủ động tố giác tội phạm. Công an xã phối hợp giới thiệu 6 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại các công ty ở Khu Công nghiệp Tâm Thắng.

Hội LHPN xã Tâm Thắng (Cư Jút) phối hợp đỡ đầu 2 cháu dân tộc thiểu số mồ côi bố mẹ, giúp các cháu có thêm tình yêu thương, động lực để vươn lên (sửa hình bớt màu vàng lại, tăng màu đỏ, xanh)

Góp phần tạo sinh kế cho người dân

Mô hình “Nông dân thi đua sản xuất, liên kết, phát triển, làm giàu” của Hội Nông dân xã Nam Dong có sức lan tỏa trong Nhân dân. Mô hình nhằm tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân về phương thức sản xuất, định hướng ngành nghề; liên kết sản xuất thông qua việc xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã... Đến nay, Hội Nông dân xã đã phát triển được 5 mô hìnhtổ hội nghề nghiệp gồm: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn 11 có 6 thành viên; Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn Tân Ninh có 10 thành viên; Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò lai sinh sản thôn Tân Bình 6 thành viên; Tổ hội nghề nghiệp trồng cây nhãn thôn Tân Ninh 10 thành viên; Tổ hội nghề nghiệp trồng cây sầu riêng thôn 1 có 27 thành viên; với 550 con dê, 58 con bò, 5 ha cây nhãn, 26 ha cây sầu riêng.

Còn mô hình “Đảng ủy giúp 1 hộ dân thoát nghèo bền vững” của Đảng ủy Quân sự huyện Cư Jút được triển khai từ đầu năm 2023. Đến nay, đơn vị đã vận động được 20 triệu đồng, mua 1 con bò giống trị giá 16 triệu đồng hỗ trợ 1 hộ nghèo tại buôn Nui, xã Tâm Thắng. Đảng ủy còn phân công các đảng viên hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăm sóc bò, cây công trồng để từng bước cải thiện kinh tế.

Hội LHPN xã Cư K’nia cũng đã triển khai mô hình “Giúp hội viên nghèo có địa chỉ”. Đến nay, Hội đã vận động hội viên, phụ nữ đóng góp hỗ trợ sinh kế, giúp đỡ cho 4 hội viên thoát nghèo...

Theo Ban Dân vận Huyện ủy Cư Jút, trong năm 2023 phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện tiếp tục được các cơ quan, đơn vị quan tâm gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Hầu hết các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đều tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống vật, chất tinh thần cho Nhân dân. Qua đó, mở rộng và phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Gia Bình

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-suc-lan-toa-tu-nhung-mo-hinh-dan-van-kheo-192271.html