Đắk Lắk: Nhiều hoạt động thú vị, nhân văn dành cho voi

Voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên và là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng.

Độc đáo nghi thức cúng sức khỏe cho voi

Hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, chính quyền huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và người dân đã tổ chức lễ cúng sức khỏe cho đàn voi nhà tại buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).

Thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình.

Huyện Lắk là một trong 2 huyện của tỉnh Đắk Lắk có voi nhà. Voi đã đi vào tâm thức người Đắk Lắk nói chung và huyện Lắk nói riêng như một biểu tượng bất biến. Voi gắn bó với con người, được săn bắt từ đại ngàn hùng vĩ bởi những Gru (dũng sĩ săn voi) dũng mãnh, được thuần dưỡng và nuôi như người bạn lớn trong mỗi gia đình người Ê đê, M'nông…

Trong sinh hoạt hằng ngày, voi là người bạn và cũng là người thân trong gia đình, voi luôn giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc.

Nài voi cùng thầy cúng chuẩn bị các lễ vật để cúng sức khỏe cho voi.

Mặt khác, trong những ngày hội, voi không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng.

Vì thế, sức khỏe của voi rất quan trọng, là do yang (thần) ban cho. Cũng chính vì vậy, việc cúng sức khỏe cho voi rất được người dân coi trọng. Đây cũng là nghi thức gắn liền với cuộc đời của mỗi con voi.

Theo ghi nhận, nghi thức cúng sức khỏe cho voi do thầy cúng Y Sớ Ênuôl, cùng với các nghệ nhân buôn Lê thực hiện.

Đàn voi nhà lần lượt tiến vào nơi tổ chức lễ cúng.

Ban tổ chức cho biết, trong lễ cúng Sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của buôn làng. Trước khi lễ cúng sức khỏe diễn ra, thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình.

Lễ vật cúng sức khỏe cho voi gồm: trâu, heo, gà... tùy thuộc vào gia cảnh của chủ voi. Tuy nhiên, các lễ vật bắt buộc đi kèm ít nhất là 3 chén xôi, tiết lợn, đầu heo và một số lễ vật khác.

Khi các lễ vật đã chuẩn bị tươm tất, tiếng cồng chiêng cất lên cũng là lúc voi tiến vào nơi tổ chức lễ cúng. Tại đây, mỗi nài voi sẽ thắp 1 ngọn nến trắng vào đầu móc điều khiển voi. Sau đó, 1 chú voi (Khăm Sen) tiến lên phía trước để thực hiện nghi lễ cúng.

Thầy cúng thực hiện các nghi thức cúng sức khỏe cho voi.

Cùng lúc này, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng gọi các yang gồm: Yang voi, yang đất, yang trời, giàng núi về chứng giám nghi lễ cúng sức khỏe cho voi, mong voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc cho buôn làng...

Sau khi thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho voi xong, từng chú voi sẽ được nài voi điều khiển tiến lại gần thầy cúng. Lúc này, thầy cúng sẽ đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới nước lên đầu voi, chân trước và chân sau của voi vừa làm vừa đọc lời khấn, thứ tự từ voi bên phải lần lượt sang trái. Đồng thời, thầy cúng cũng tặng 2 vòng đồng cho mỗi chú voi.

Voi đã đi vào tâm thức người Đắk Lắk nói chung và huyện Lắk nói riêng như một biểu tượng bất biến.

Kết thúc nghi thức cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng sẽ lấy 1 phần thức ăn trong lễ vật cúng cho các nài voi ăn và khấn.

Ông Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho hay: “Việc tổ chức phục dựng nghi Lễ cúng sức khỏe cho voi là một hình thức tuyên truyền tích cực tới du khách trong và ngoài nước về nét đẹp nhân văn, tình cảm gắn bó keo sơn giữa voi và con người trong cuộc sống hàng ngày. Du khách đến với huyện Lắk sẽ có dịp tìm hiểu xoay quanh vòng đời của mỗi con voi hướng tới hình ảnh du lịch voi thân thiện. Đồng thời, trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu khi du khách đến huyện Lắk.

Lực lượng chức năng bảo vệ an toàn giao thông khi đàn voi diễu hành trên đường.

Người dân và du khách thích thú khi được tận mắt chứng kiến những chú voi khổng lổ diễu hành trên các tuyến đường.

Những điều mới lạ tại hội voi Buôn Đôn

Tại huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), Hội voi Buôn Đôn năm 2023 cũng đã chính thức khai mạc.

Hội voi Buôn Đôn năm 2023 đã chính thức khai mạc.

Ông Phạm Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, từ xa xưa voi đã trở thành biểu tượng văn hóa của Buôn Đôn, nói lên nét đẹp của buôn làng, sự giàu có và ấm no. Voi gắn bó với sự hình thành, phát triển của dân tộc và thấm sâu vào các mối quan hệ xã hội, tác động vào văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng khác của các dân tộc Tây Nguyên.

Theo ông Nghĩa, Hội voi Buôn Đôn năm 2023 là một hoạt động thiết thực để giới thiệu những tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch sinh thái của tỉnh. Đồng thời, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, không gian văn hóa công chúng, tạo và hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, xã hội nói chung và du lịch của huyện nói riêng.

Ban tổ chức chiêu đãi tiệc buffet cho voi, với hàng tấn hoa quả như: Dưa hấu, mía, chuối...

Hội voi Buôn Đôn có nhiều hoạt động mới lạ như: Trang điểm cho voi; tiệc buffet cho voi; voi chào khán giả... Nhiều du khách vô cùng thích thú khi được tận tay đưa hoa quả cho voi ăn và được chụp hình với những chú voi khổng lồ.

Đặc biệt, tại tiệc buffet cho voi, hàng tấn hoa quả như: Dưa hấu, mía, chuối... đã được Ban tổ chức chuẩn bị sẵn. Tại đây, 7 chú voi được đưa đến thỏa thích ăn những món khoái khẩu.

Với những hoạt động mới lạ, Hội voi Buôn Đôn đã lôi cuốn hàng nghìn du khách đến xem.

Nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo tại Hội voi Buôn Đôn.

Những hoạt động mới lạ của hội voi đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dak-lak-nhieu-hoat-dong-thu-vi-nhan-van-danh-cho-voi-a597490.html