Đại úy cảnh sát chống ma túy bị bắt khi đang... dùng ma túy sẽ bị xử lý thế nào?

Trong lúc đang sử dụng ma túy đá cùng người bạn trong khách sạn, đại úy Nguyễn Tuấn Phúc (37 tuổi) đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Trước đó theo Báo Tuổi trẻ, các trinh sát Công an Bình Thuận bắt quả tang đại úy Nguyễn Tuấn Phúc (37 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Bình Thuận) khi đang cùng người bạn sử dụng ma túy đá tại một khách sạn nằm trên địa bàn phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Các đơn vị chức năng đã lập biên bản tại chỗ với sự chứng kiến của đại diện Công an phường Phú Thủy.

Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội về vụ việc này, Thạc sỹ Luật học Vũ Tuấn – Công ty TNHH tư vấn Hưng Việt nhận định hành vi của Đại úy Nguyễn Tuấn Phúc là hành vi vi phạm pháp luật.

Đại úy Nguyễn Tuấn Phúc bị bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy đá. Ảnh: Báo TT

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không còn bị xử lý hình sự. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Pháp luật hiện hành sẽ chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013: “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”. Mức phạt hành chính được quy định tại khoản 1 điều 21 của nghị định nêu trên là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu có đủ căn cứ cho thấy đại úy Phúc là một người nghiện ma túy và đây là lần đầu tiên bị phát hiện, xử lý vi phạm hành chính thì còn có thể bị xem xét áp dụng Biện pháp xử lý hành chính quy định tại điều 89 và khoản 4 điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:

“Điều 89. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

4. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.”

Bên cạnh đó, theo quy định của ngành Công an, Phúc rất có thể sẽ bị tước quân tịch Công an nhân dân. Bởi, là một chiến sĩ công an nhân dân, đại úy Phúc đã vi phạm “Những điều cấm đối với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân”, được nội bộ ngành Công an quy định tại điều 43, Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công An nhân dân:

“3. Không ăn, uống ở hàng quán vỉa hè; không uống rượu, bia và và các chất có cồn trong giờ làm việc và tại trụ sở cơ quan (trừ trường hợp được phép của thủ trưởng cấp Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trở lên); không sử dụng chất gây nghiện trái phép; không uống rượu, bia say trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi; không hút thuốc khi làm nhiệm vụ và ở những nơi có quy định cấm.”

Theo ông Tuấn, hành vi này của Phúc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự và hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân.

Nguyễn Đạt

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/dai-uy-canh-sat-chong-ma-tuy-bi-bat-khi-dang-dung-ma-tuy-se-bi-xu-ly-the-nao-20190110114719065.htm