Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là người đã chỉ huy QĐND ta đánh thắng hai đế quốc lớn của thế kỷ 20...
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đại tướng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
Trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng của ông, quân và dân tỉnh Bắc Kạn tự hào đã có những năm tháng nuôi giấu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp công cùng Đất nước làm nên lịch sử.
Năm 1942, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy có mật danh là đồng chí Hưng (sau này đổi là Văn) về Nguyên Bình - Cao Bằng củng cố và phát triển phong trào Việt Minh, mở rộng căn cứ Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn; đồng thời mở con đường Nam tiến, nhờ đó phong trào cách mạng phát triển mạnh về Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn về miền xuôi. Theo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thời gian hoạt động cách mạng tại tỉnh Bắc Kạn và được người dân hết lòng giúp đỡ. Năm tháng đi qua, những người may mắn được gặp gỡ và biết đến những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm địa phương cũng dần đi về cõi vĩnh hằng.
Cuối tháng 8/2024, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn đã cho ra mắt cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn" của nhóm tác giả Kim Kim (Ô Kim Phòng); Thép Nghiêm (Nghiêm Văn Thép); Hoàng Giang (Triệu Hoàng Giang). Cuốn sách với 16 bài viết, hơn 150 trang được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học.
Trong không khí rộn rã chào mừng “Tết độc lập” 2/9, chúng tôi đã có dịp trao đổi và trò chuyện với nhóm tác giả, những người tâm huyết muốn lưu giữ trang sử hào hùng của quê hương.
Được biết, trong một lần trò chuyện thân tình, tác giả Văn Lợi - người viết cuốn “Bắc Kạn - Những nơi Bác từng qua” (xuất bản năm 2011) đã chia sẻ trăn trở với anh Triệu Hoàng Giang mong muốn có một cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Bắc Kạn để kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng Bắc Kạn. Từ gợi ý đó, cùng với sự giúp đỡ, động viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nhóm tác giả đã cùng nhau lên kế hoạch, tìm tư liệu, đi thực tế và thực hiện cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn”.
Cuốn sách được các tác giả sắp xếp cẩn thận và tỉ mỉ theo từng mốc thời gian cụ thể với nhiều tư liệu quý. Đến với cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn”, bạn đọc sẽ cùng theo chân người “Anh cả vĩ đại của dân tộc” bước vào hành trình hoạt động ở hai giai đoạn là trước Cách mạng tháng 8 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn một là các bài viết được sắp xếp theo trình tự thời gian: Từ Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn cho đến khi đồng chí Võ Nguyên Giáp đón Bác ở Nà Kiến, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn) trên hành trình lịch sử từ Pác Bó đến Tân Trào vào tháng 5/1945. Vì vậy, trên cơ sở các tư liệu, nhân chứng, các tác giả đã hệ thống lại các địa danh mà Đại tướng đã đặt chân đến: Cốc Đán, Thượng Ân, Lủng Cháng, Píc Cáy, Khuổi Ha, Nà Đông, Hà Vị, Lục Bình, Nà Lồm, Bản Bẳng, Nghĩa Tá… Cùng với đó là những sự kiện quan trọng như: Thành lập Chi bộ Chí Kiên, thành lập chính quyền cách mạng ở châu Chợ Rã đều có trong nội dung cuốn sách.
Bước sang giai đoạn hai, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ những tư liệu quý báu, nhóm tác giả đã có những bài viết sâu sắc, cụ thể. Ở phần này, bạn đọc sẽ được tiếp cận với một số tư liệu, hình ảnh từ phía Pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiêu biểu trong đó là bản chụp Giấy chứng minh của Ủy ban chỉ huy lâm thời khu G.F (Giải Phóng) do đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ký “ngày 19 tháng 6 ta” năm 1945 (tức ngày 27/7/1945 dương lịch) cho hai đồng chí Bác Ái và Đồng Tâm hoạt động trong địa hạt tỉnh Châu Trinh (mật danh của tỉnh Bắc Kạn), Giấy bị quân Pháp thu được và chụp đăng trên báo Climats ra ngày 18/2/1949 trong một bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Trong câu chuyện hành trình đi tìm hiểu, thu thập tư liệu về cuốn sách, chúng tôi đã rất xúc động khi lắng nghe lời chia sẻ của tác giả Kim Kim: Tháng 10/2013 sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tôi cùng ông nội tôi là cụ Ô Phúc Bình (1927-2020) đến thăm gia đình liệt sĩ Bàn Văn Hoan và liệt sĩ Thành Công ở thôn Nà Hin, xã Hà Hiệu (Ba Bể). Khi chúng tôi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bất ngờ bà Bàn Thị Chủ (con gái liệt sĩ Bàn Văn Hoan) và ông Bàn Triều Chỉnh (em trai liệt sĩ Thành Công), hai cụ ông, cụ bà trên 80 tuổi bỗng bật khóc như trẻ con. Họ nghẹn ngào khóc và nói thương cho Đại tướng vừa qua đời… Điều đó cho thấy, trong lòng đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt là những gia đình người Dao cùng hoạt động với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thế hệ này qua thế hệ khác đều rất yêu quý, kính trọng Đại tướng, coi Đại tướng như người nhà, vì cả bà Bàn Thị Chủ và ông Bàn Triều Chỉnh đều khẳng định hai liệt sĩ đều nhận “tồng” (kết nghĩa anh em) với Đại tướng từ những ngày hoạt động cách mạng.
Chuyện này đúng như nhà văn Tô Hoài đã từng viết về tấm lòng của người Dao đối với cách mạng trong tác phẩm tháng 7/1947: “Nhưng ta thấy, người Mán không bắt người cách mạng. Người Mán đã cưu mang người cách mạng. Họ nhịn ăn, giấu cơm, đem cho người cách mạng ăn. Tây mà bắt được cơm ấy, thì họ mất đầu. Có người đã mất đầu. Nhưng họ vẫn ủng hộ cách mạng như thường…”
Những ngày tháng 9 cờ đỏ, sao vàng tung bay trên những tuyến đường và vào cả những ngõ nhỏ. Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn” ra mắt trong thời điểm nhiều ý nghĩa, là tư liệu quý báu góp phần thắp lên ngọn lửa tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương Bắc Kạn./.