Đại thắng mùa Xuân 1975 - Kết tinh của sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của nhiều nhân tố tạo thành, trong đó có kết tinh sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam - sức mạnh của con người Việt Nam, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, đặc biệt là sức mạnh của một dân tộc biết đoàn kết đứng lên đấu tranh cho khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Niềm vui giải phóng của người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Niềm vui giải phóng của người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Cội nguồn sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam

Truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thời các Vua Hùng đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… đều đã khẳng định, dân tộc ta đều phải đứng lên chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc có tiềm lực mạnh hơn ta gấp bội. Song với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc, cộng đồng các dân tộc Việt đã cố kết với nhau tạo thành sức mạnh để chiến thắng ngoại bang, giữ vững biên cương xã tắc, bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

Cốt lõi và cội nguồn của văn hóa quân sự là chủ nghĩa yêu nước, là sức mạnh đoàn kết, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, “chúng chí thành thành”, “trăm họ là binh”, là tinh thần chính nghĩa của chiến tranh nhân dân. Với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận”, “khoan thư sức dân làm kế sâu, rễ bền gốc”, “đoàn kết muôn dân”, cha ông ta đã lập nên những chiến công hiển hách. Lịch sử mãi khắc ghi những chiến thắng Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Đống Đa… Đây là những bằng chứng khẳng định sức mạnh đoàn kết của một dân tộc, kiên quyết không chịu sống nhục, sống quỳ, không để cho ngoại bang đồng hóa, nô dịch về văn hóa.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa quân sự, quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng đế quốc xâm lược. Minh chứng là thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, của chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp để làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đến đại thắng mùa Xuân 1975, sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam được kết tinh đầy đủ, trọn vẹn - sức mạnh của niềm tin, lý tưởng, khát vọng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Dù năm tháng đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, thời gian càng khẳng định cuộc kháng chiến hào hùng của Nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân anh hùng. Thật hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới lại đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như Nhân dân ta; càng hiếm có một Đảng nào lại tin tưởng sức mạnh của Nhân dân như Đảng ta. Bằng đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của văn hóa quân sự Việt Nam trong suốt 30 năm qua của chiến tranh giải phóng.

Sức mạnh đó thể hiện ở ý chí, quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc, cả dân tộc ra trận, cả nước đánh đế quốc Mỹ, triệu người như một, khắp hai miền Nam - Bắc đều dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sức mạnh tinh thần to lớn ấy đã động viên trí tuệ Việt Nam, văn hóa Việt Nam, biến thành lực lượng vật chất to lớn để giành thắng lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và qua 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 - Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Giai đoạn 2 - Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn 3 - Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Giai đoạn 4 - Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Giai đoạn 5 - Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cả ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) đã cùng Nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn ngời sáng và được phát huy trong suốt cuộc kháng chiến của lực lượng vũ trang nhân ở hai miền Nam - Bắc, biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của biết bao đồng bào, đồng chí, cho thắng lợi mùa Xuân 1975.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam, trong đó sức mạnh của văn hóa quân sự Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, đó là phẩm giá con người, là sự hy sinh cho sự trường tồn của dân tộc. Đồng thời, Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của trí tuệ Việt Nam, của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại. Thắng lợi của Nhân dân Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 đã thức tỉnh các dân tộc đứng lên noi gương Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với quy luật của lịch sử.

Trân trọng, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cơ quan, tổ chức sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin trong giáo dục, truyền bá giá trị văn hóa quân sự Việt Nam đến với mọi tầng lớp Nhân dân là biện pháp cần thiết và hữu hiệu.

Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, song phải trân trọng lịch sử, thiết nghĩ cũng nên ôn lại nhận định của cố Giáo sư Trần Văn Giàu. Như cụ đã viết: “Văn hóa dân tộc chúng ta có một sức mạnh to lớn, lớn phi thường. Những kẻ địch của dân tộc Việt Nam cũng đã nhận thấy như thế, nhận thấy mà không làm gì được, không đánh bại nổi… Vào lịch sử hiện đại, mới mấy mươi năm gần đây thôi, Mỹ xâm chiếm Nam Việt Nam. Mỹ là cường quốc giàu mạnh nhất thế giới. Còn dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập trên nửa nước sau 9 năm kháng chiến chống Pháp. Mỹ không gom trống đồng như Hán, không đốt sách như Minh; Mỹ tuôn qua tàu đồng, súng đồng, xây thêm xa lộ, phi trường; Mỹ đổ xuống nước ta 7 triệu tấn bom gấp 3 lần số bom Mỹ dùng trong Thế chiến thứ hai, gấp 47 lần số bom Mỹ ném xuống Nhật, đưa qua Nam Việt Nam trước sau 6 triệu 60 vạn lính Mỹ; tiêu phí 720 tỉ đô la. Kết quả cuối cùng là Mỹ phải rút hết quân về nước. Việt Nam toàn thắng! Thua ở Việt Nam là keo thua đầu tiên của Mỹ, của Hoa Kỳ trong lịch sử đã dài nhiều trăm năm của nước ấy. Vì sao Mỹ thua? Hẳn không phải vì thiếu tiền, thiếu người, thiếu súng. Chính ông Mắc Namara, đông đảo tướng tá, chính khách Mỹ, tất cả các nhà báo đều thừa nhận rằng Mỹ thua Việt Nam về văn hóa”.

Nhân dịp cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 (30/4/1975 - 30/4/2025), dân tộc ta càng nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ, toàn diện hơn về ý nghĩa tầm vóc sự kiện lịch sử trọng đại này. Từ đó, mỗi con người càng nêu cao niềm tự hào dân tộc, biết trân trọng gìn giữ hòa bình, gìn giữ chủ quyền, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; ra sức thi đua lao động, học tập, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt cần phát huy sức mạnh văn hóa, nhân lên những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam, phát triển nhanh, bền vững đất nước gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình; đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trung tá Dương Văn Đại - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dai-thang-mua-xuan-1975-ket-tinh-cua-suc-manh-van-hoa-quan-su-viet-nam-post546633.html