Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam: 'Tôi không ngờ số phận bi thảm của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh sẽ tác động sâu sắc đến mình như vậy'
Cuộc sống của họ khiến tôi nhớ đến cuộc đời và số phận khó khăn của chị tôi, cũng là vợ của một trong những nhà thơ hiện đại vĩ đại nhất Séc - Ivan Diviš.
Năm ngoái, khi Đại sứ quán Séc giới thiệu một trong những tác giả xuất sắc nhất của Séc - Karel Čapek -tới độc giả Việt Nam, tôi đã tìm thấy mối liên hệ giữa ông và nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Cả hai tác giả đều có tác phẩm được đặt tên là Hoa cúc xanh (nhà thơ Lưu Quang Vũ có vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy còn Karel Čapek có tác phẩm Hoa cúc xanh đã được dịch sang tiếng Việt). Trong vở kịch của Lưu Quang Vũ có các nhân vật người máy, một "phát minh" văn học của Karel Čapek vào năm 1921.
Điều này không đơn giản chỉ là sự trùng hợp. Cả hai nghệ sĩ này chắc hẳn có nhiều điểm chung hơn thế, chẳng hạn như quan điểm của họ về tâm hồn con người và cuộc sống. Đây là lý do tại sao chúng tôi cảm thấy muốn dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về những điểm tương đồng khác trong tác phẩm của những tác giả đặc biệt này.
Lúc đầu tôi chỉ biết đến một vài đoạn thơ của Lưu Quang Vũ, bài thơ Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa của ông được một nhà cựu ngoại giao của chúng tôi dịch sang tiếng Séc
Năm ngoái, cuốn Tuyển tập thơ Việt Nam do Đỗ Ngọc Việt Dũng tổng hợp đã được xuất bản bằng tiếng Séc. Cuốn sách này bao gồm hai bài thơ của Lưu Quang Vũ: Tiếng Việt và Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa.
Và bây giờ, tôi đã biết thêm một bài thơ nữa: Mây trắng của đời tôi -bài thơ mà tôi đã đọc trong sự kiện Se Sẽ Chứ, sự kiện tưởng niệm hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh tại L’Espace của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Quán café Ơ kìa Hà Nội của Điệp có một phòng riêng được dựng lại theo căn phòng mà hai vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã sinh sống trong khu tập thể ở phố Huế.
Bài thơ Mây trắng của đời tôi được ban tổ chức lựa chọn để dịch sang tiếng Séc. Đó không phải là lựa chọn của tôi nhưng tôi phải công nhận rằng sự lựa chọn này rất tuyệt!
Tôi phải thú nhận rằng, ban đầu tôi không ngờ số phận bi thảm của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh sẽ tác động sâu sắc đến mình như vậy. Tôi bị choáng ngợp bởi chiều sâu và trí tưởng tượng trong thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Cuộc sống của họ khiến tôi nhớ đến cuộc đời và số phận khó khăn của chị tôi, cũng là vợ của một trong những nhà thơ hiện đại vĩ đại nhất Séc - Ivan Diviš. Vì thế, khi đọc bài thơ này trước những khán giả yêu thơ ở L’Espace, tôi đã không cầm được nước mắt.
Điều này chứng tỏ sức mạnh phi thường, khả năng khơi dậy những cảm xúc chân thực của thơ ca. Cũng chính vì thế mà tôi sẽ luôn nhớ những kỷ niệm về sự kiện này. Tôi thực sự rất biết ơn về lời mời và cơ hội để hiểu hơn về nền thơ ca Việt Nam, một dân tộc rất đỗi thân thương với trái tim tôi.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, độc giả Việt Nam thích thú với văn học Séc khi có nhiều tác phẩm của Séc được xuất bản ở Việt Nam. Cuốn sách Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới vừa được xuất bản bằng tiếng Việt vào năm ngoái cho thấy hai dân tộc chúng ta có sự hài hước giống nhau.
Tôi xin đưa ra một phép so sánh giữa nhà văn Vũ Trọng Phụng với tác giả tiền chiến người Séc Karel Polecek. Cả hai đều là những nhà báo và đều rất xuất sắc trong việc vạch trần thói đạo đức giả của xã hội với khiếu hài hước tinh tế và ngòi bút trào phúng duyên dáng.
Tôi thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với người Việt Nam học tập và làm việc ở Séc, những người ở độ tuổi 30, 40, 50 hay lớn tuổi hơn, họ có thể hát và trích dẫn các bài thơ của Séc. Những tác phẩm được yêu thích nhờ sự ấm ấp, vui tươi, tính hài hước và trí tưởng tượng không giới hạn, cũng như sự đa dạng của thế giới hiện đại.
Tôi cho rằng cả văn học Việt Nam và Séc đều đem đến những giá trị của nhân loại, như tình yêu thương, tình bằng hữu, lòng trung thành, đức tính chân thật hay sự khiêm tốn đã khiến độc giả mở lòng và giúp chúng ta đón nhận cái đẹp và sự đa dạng trong cuộc sống xung quanh cũng như tính phức tạp của nó, cả những mặt tối mà ta không thể tránh khỏi. Đó là lý do vì sao tôi cảm thấy rung động trước bài thơ của Lưu Quang Vũ.
Ngoài ra, một lý do khác khiến tôi nghiêm túc bắt đầu tìm hiểu và khám phá văn hóa Việt Nam trong đó có văn học là tại Séc có một cộng đồng lớn người Việt Nam, hiện nay lên tới khoảng 100.000 người.
Tôi biết nhiều người Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên của cộng đồng, những người tự hào và cũng đầy khiêm tốn, đầy màu sắc và cũng vô cùng tận tụy, những người rất quan trọng đối với chúng tôi. Tôi cũng đã gặp một vài người Séc gốc Việt trẻ tuổi gần như sống từ nhỏ ở Cộng hòa Séc, những người dùng tiếng Séc thạo hơn tiếng Việt.
Tôi luôn tò mò muốn biết cộng đồng người Việt này sẽ phát triển như thế nào, mối quan hệ của họ với Cộng hòa Séc, quê hương của tôi, cũng là quê hương của thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba, sẽ như thế nào. Và mối quan hệ với Việt Nam, nguồn cội của họ, sẽ phát triển như thế nào, thế hệ thứ ba của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc sẽ phát triển ra sao.
Nhân dân Séc và Việt Nam gắn bó sâu sắc với nhau bằng mối quan hệ hữu nghị lâu dài và bền chặt trên cơ sở hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và ủng hộ quên mình cả trong cả lúc thuận lợi và khó khăn. Người Séc đã tiếp đón người Việt một cách nồng hậu ngay từ những ngày đầu.
Giống như nhiều người Séc, tôi nhận thấy Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với bề dày lịch sử và con người Việt Nam, duyên dáng nhưng cứng cỏi, khiêm tốn nhưng cương nghị, mạnh mẽ và bất khuất, năng động và chăm chỉ với năng lượng vô tận, những con người tự lực tự cường. Người Việt Nam coi trọng mối quan hệ gia đình và giáo dục con cái của họ và sẵn sàng hy sinh cho tương lai hạnh phúc của con cái.
Tất cả những đặc điểm này đã khiến chính phủ Séc công nhận người Việt là một dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền. Đến nay, chưa có chính phủ châu Âu nào làm điều này.
Tôi cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của người Việt Nam cho sự phát triển của Cộng hòa Séc và ngưỡng mộ khả năng hội nhập thành công của họ với xã hội Séc trong khi vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng của văn hóa, truyền thống, giá trị và thế giới quan của mình.
Điều khiến chúng tôi, người Séc và người Việt Nam gần gũi nhau là khả năng làm việc chăm chỉ nhưng đồng thời cũng biết tận hưởng cuộc sống. Cả người Séc và người Việt Nam đều yêu thích ẩm thực. Hai quốc gia bổ sung cho nhau một cách độc đáo với văn hóa bia (Séc) và văn hóa cà phê (Việt Nam).
Giờ đây, đã có một thế hệ người Séc gốc Việt thứ hai mạnh mẽ và tự tin bước vào cuộc sống. Và ở tương lai, thế hệ thứ ba đã xuất hiện, với tiêu chuẩn sống cao và sự tự do lựa chọn.
Về tác giả: Ngài Vitezslav Grepl đảm nhận cương vị Đại sứ Cộng hòa Séc tại Hà Nội từ năm 2017. Đại sứ Vitezslav Grepl là người yêu thích văn chương, âm nhạc cổ điển và hiện đại, phim ảnh… Trước khi bước sang lĩnh vực ngoại giao, Đại sứ có nhiều năm làm việc trong ngành xuất bản và phụ trách mảng Văn học tại Bộ Văn hóa Cộng hòa Séc.