Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức: Cần tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đặc thù thí điểm tại các địa phương
Chiều 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Thảo luận tại tổ 16 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Cao Bằng, Hà Tĩnh, Cà Mau, Lâm Đồng do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội gồm 3 chương, 18 điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo được xây dựng như sau: quy định tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành việc xây dựng các nghị quyết và đánh giá cao sự chuẩn bị cũng như tổng kết, đánh giá qua 3 năm, 4 năm thực hiện nghị quyết đặc thù mà Quốc hội khóa XIV, khóa XV đã thông qua. Đại biểu cho biết, hiện nay có khá nhiều nghị quyết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, qua đó vừa làm kinh nghiệm, vừa giúp đỡ các địa phương khác phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu ủng hộ quan điểm ngoài cơ chế, chính sách cần xác định thêm một số nội dung cụ thể như: dự án lớn mà hiện nay đang thực hiện theo Luật Đầu tư công hay Luật Đấu thầu và một số luật khác, quá trình triển khai có những vướng mắc cần có cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai hiệu quả hơn.
Đại biểu lưu ý việc thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã được thực hiện từ 3 - 4 năm. Do vậy, cần sớm tiến hành tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của các chính sách đặc thù thí điểm tại các địa phương và có đề xuất xây dựng luật tổ chức chính quyền đô thị để áp dụng chung cho các đô thị lớn đang mở rộng quy mô trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhấn mạnh chính sách vượt trội cần phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, cần nghiên cứu có quy định thêm về các tiêu chí đối với đô thị thông minh; đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, cần quan tâm chú trọng tới phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông ven biển, đặc thù về kinh tế số…
Quan tâm tới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung thêm “hệ thống siêu máy tính, trung tâm dữ liệu” vào danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố để tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh, hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả và tăng cường an ninh quốc gia. Cần bổ sung thêm những chính sách ưu tiên đặc biệt và khả thi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược và điều kiện nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng. Liên quan đến quy định về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (điều 13), đại biểu đề xuất thí điểm thành lập “Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng” thay vì chỉ là “Khu thương mại tự do”.
Theo các đại biểu, đây là một bước đi chiến lược thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của thành phố, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, trong đó chú trọng đến chính sách nhập cư thuận lợi cho người nước ngoài. Cụ thể, thị thực vàng là một chính sách quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chính sách đặc thù trong việc triển khai, thực hiện các dự án lớn được nhanh, hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Trong đó, cần tham khảo từ những quy định đặc thù đã phát huy tính ưu điểm, khắc phục được những hạn chế trong thời gian vừa qua như việc triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc - Nam…
Tiếp đó, các đại biểu góp ý về nội dung phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.