Đại biểu QH: Ba cơ quan Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện rất 'tròn vai'
Chính từ sự 'tròn vai' như thế, nên thành công của nhiệm kỳ 2016-2021 có thể thấy là thành công từ sự phối hợp của cả 3 cơ quan.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên. Đáng chú ý trong 3 báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ được trình bày tại phiên khai mạc đều có chung nhận định: Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển chung của đất nước.
Dù trải qua nhiều thách thức, khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, thống nhất và đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, “con tàu Việt Nam” đã đi đến thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.
Báo cáo của Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ được trình bày trước Quốc hội đã phản ánh toàn diện, sâu sắc bao trùm thành công của nhiệm kỳ 2016-2021. Ba cơ quan Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện rất “tròn vai”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Chủ tịch nước là nòng cốt của niềm tin, đoàn kết, hòa hợp và khích lệ lòng tự tôn, lòng yêu nước. Quốc hội đã thể hiện là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, không chỉ tạo ra các khuôn khổ về mặt pháp luật để các cơ quan nhà nước phải tuân thủ mà còn có vai trò rất lớn trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, những đường hướng phát triển đất nước. Chính phủ đã thực sự kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân. Chính từ sự “tròn vai” như thế, nên thành công của nhiệm kỳ 2016-2021 có thể thấy là thành công từ sự phối hợp của cả 3 cơ quan. Nhờ đó, nền kinh tế đất nước chuyển trạng thái, từ một nền kinh tế đầu nhiệm kỳ có rất nhiều những điểm “nguy kịch”: nợ công gần như kịch trần, nợ xấu báo động cao mức 10%, tăng trưởng ở chỗ phụ thuộc rất nhiều vào dầu thô, vốn tín dụng và khoáng sản thì đến nay những vấn đề này đã thay đổi một cách căn bản.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích: “Nợ công bây giờ xuống 55%; huy động của dầu thô hay mô hình tăng trưởng đã bắt đầu có sự tăng trưởng về lượng, chất. Huy động tín dụng khá là ổn định. Chúng ta nhìn thấy rất rõ những yếu tố về chỉ số dự trữ của nền kinh tế được ổn định như: vấn đề xuất khẩu từ chỗ chúng ta thường xuyên là thặng dư âm cho nhập khẩu thì đã có thặng dư dương và dự trữ ngoại hối thì rất cao trong lịch sử. Điều đó thể hiện trạng thái nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế bị động sang hình thái kinh tế đã chủ động hơn”.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) nhận xét: “Ngay đầu nhiệm kỳ khóa 14 đã tính giải quyết căn bản nợ xấu. Mọi người nói “cục máu đông” của nền kinh tế, không giải quyết thì rất khó khăn. Nghị quyết nợ xấu rất trúng, hiệu lực hiệu quả. Tôi cho là những điểm rất quan trọng, tạo vành đai phát triển kinh tế-xã hội đất nước”.
“Con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy về chặng đường gian khó đất nước đã trải qua, ngay trong phần mở đầu bài phát biểu tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" để làm việc với địa phương, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Có thể thấy nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ đặc biệt, với nhiều biến động và nhiều nội dung phải giải quyết trong bối cảnh khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chèo lái “con tàu Việt Nam” đi qua những “cơn sóng” khó khăn. Khi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho cả nhiệm kỳ đang ở trạng thái chuẩn bị “về đích”, thì “cơn sóng” lớn và không ngờ nhất lại ập đến: đó là đại dịch Covid-19. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thì tác động từ đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi. Việt Nam từ chỗ tăng trưởng với tốc độ trên 7% trong 2 năm liên tiếp và hy vọng năm 2020 sẽ có kết quả tăng trưởng ngoạn mục, nhưng cuối cùng tăng trưởng giảm chỉ còn 2,91%. Trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm, thì việc duy trì được mức tăng trưởng dương của chúng ta được đánh giá là “điểm sáng”.
Đại biểu Dương Quốc Anh, đoàn Gia Lai khẳng định: “Thực sự là một Chính phủ kiến tạo, năng động, hoàn toàn là vì dân. Kết quả mà chúng ta cũng thấy là một sự sự thay đổi và cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đã xử lý được rất nhiều khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế. Cả nhiệm kỳ vừa qua 4 năm đầu là tăng trưởng trung bình là khoảng 7%. Riêng năm cuối, khi chúng ta có 2,91%, nhưng là một trong bốn nước mới có phát triển dương như vậy”.
Trong tuần làm việc, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận sôi nổi đánh giá công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Thành công đặc biệt của Quốc hội trong 5 năm vừa qua là nhờ vào sự đoàn kết, sự thống nhất, sự đồng lòng. Hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV đã tạo nên xung lực mới, thậm chí tạo ra áp lực để các cơ quan Nhà nước phải thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ và các cơ quan nhà nước nhưng đó không phải là sự đồng hành “xuôi chiều”, “xuê xoa”, dễ dãi mà luôn thể hiện rõ chính kiến, “tạo áp lực cần thiết, đủ độ” để các cơ quan này điều chỉnh hoạt động. Quốc hội đã thực sự thể hiện được vai trò là cơ quan đại diện của dân, phát huy dân chủ. Đại biểu Quốc hội đã thực hiện được vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, tạo dấu ấn và hiệu quả, một Quốc hội dân chủ và nhân văn.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá: "Quốc hội khóa XIV hoạt động hiệu lực hiệu quả, chúng ta phải nhận định rằng rất nhiều hoạt động của Quốc hội đã đổi mới"; "Chúng ta đã ký nhiều hiệp định mà đặc biệt là 13 văn bản Hiệp định liên quan đến thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tạo ra cho các quan hệ kinh tế mở rộng rất nhiều nước và vừa chiều rộng và chiều sâu"; "Tôi đặc biệt ấn tượng với việc Quốc hội đã tăng tính tranh luận nhiều hơn chứ không phải là tham luận thuần túy mà bây giờ là tính tranh luận rất là cao. Rất nhiều đại biểu tranh luận đi đến cùng vấn đề"; "Đổi mới trong thảo luận, vấn đề chất vấn vấn đề tranh luận và vấn đề điều hành của Chủ tọa kỳ họp là sát, rất trúng, rất đúng được đại biểu Quốc hội cử tri rất đồng tình”....
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật”, với tinh thần luôn gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao Nghị viện. Thành công quan trọng hơn là phương pháp, phong cách, tư thế và tư duy làm việc của Quốc hội. Những kết quả đạt được ngày hôm nay là sự tổng kết, kế thừa thành quả của Quốc hội các nhiệm kỳ trước và được nâng lên ở tầm cao mới, tư duy mới.
Ngày mai (29/3), Quốc hội bắt đầu một tuần làm việc mới với nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Đặc biệt, trong tuần Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội. Trong tuần, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín./.