Đặc sản làng, xã rộng đường xuất ngoại

Nhiều sản phẩm OCOP giờ đây không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Úc...

Đầu năm 2024, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (tỉnh Bình Dương) xuất khẩu thành công hơn 100 tấn bưởi đường lá cam sang Hà Lan, mở đường cho trái bưởi Việt Nam sang trời Âu. Trước đó, HTX này đã có kinh nghiệm sản xuất, cung ứng bưởi để xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore.

"Cây nhà lá vườn"... cũng đi Tây

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, cho hay nhờ đi đúng hướng, nắm vững công nghệ, nhiều sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh (bưởi da xanh đạt 4 sao, bưởi đường lá cam đạt 3 sao).

Theo ông Sang, HTX hiện có 62 ha bưởi da xanh và đường lá cam, trong đó 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước Đông Nam Á. "HTX đã cùng đối tác Hà Lan chuẩn bị hơn 1 năm trước khi xuất được lô hàng đầu tiên. Phía Hà Lan đã khảo sát vùng trồng, kiểm nghiệm mẫu sản phẩm, đất, nước; cử chuyên gia trực tiếp đến HTX hướng dẫn quy trình sản xuất, cách chăm sóc cây để bảo đảm sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng lẫn thị hiếu tiêu dùng tại nước họ" - ông Sang nói.

Với giá bán xuất khẩu cao hơn khoảng 30% so với giá bán tại thị trường nội địa và nhu cầu đặt hàng khá cao từ thị trường mới này, HTX Tân Mỹ đang tiến tới 100% diện tích bưởi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để tăng sản lượng xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp (DN), ngày càng có nhiều sản phẩm dân dã, gần gũi với cuộc sống thường ngày ở Việt Nam được bán thành công ở thị trường quốc tế. Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại - Dịch vụ Bắc Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) đã xuất khẩu các loại trái cây sấy dẻo như thơm (khóm), gừng, xoài, mít sấy dẻo sang Mỹ và các nước Trung Đông một vài năm gần đây. Tại Long An, một số HTX sản xuất chanh ở huyện Bến Lức cũng đã xuất khẩu chanh không hạt đạt chứng nhận OCOP sang các thị trường, nhiều nhất là Trung Đông.

Ngoài ra, từ nguyên liệu là trái chanh tươi, một số DN, cơ sở sản xuất đã làm ra nhiều loại muối chấm, được thị trường trong nước lẫn nước ngoài đón nhận. Đơn cử, DN tư nhân chế biến thực phẩm Ngọc Lan (huyện Bến Lức) đã đưa muối tiêu chanh, rau răm, chanh ớt xanh và tắc xí muội sang Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu. "Khách ở nước ngoài ưa chuộng các sản phẩm vì mang hương vị đồng quê và thuần chay nên đơn đặt hàng vẫn tăng đều khoảng 30%/năm" - bà Trần Thị Ngọc Lan, chủ DN, cho hay.

Trái cây sấy dẻo của Công ty Bắc Mỹ Thuận được nhiều người Việt ở nước ngoài ưa chuộng

Trái cây sấy dẻo của Công ty Bắc Mỹ Thuận được nhiều người Việt ở nước ngoài ưa chuộng

Phát huy lợi thế sản phẩm bản địa

Vừa lấy chứng nhận OCOP năm 2023 cho 3 sản phẩm là bánh canh cá lóc, miến lươn, lươn xào nghệ, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cà Mèn đã nhanh chóng cập nhật chứng nhận này vào hồ sơ công ty để giới thiệu hàng đến các nhà mua hàng ngoài nước. Ông Lê Trọng Đôn, Giám đốc Điều hành Cà Mèn, cho hay công ty đang làm thủ tục xuất khẩu thêm 3 mặt hàng kể trên và bánh canh cua chế biến sẵn sàng vào thị trường Mỹ và Canada, Úc. "Chúng tôi đang tăng tốc xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2024" - ông Đôn nói.

Theo ông Đôn, lợi thế của Cà Mèn nói riêng và những DN khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm Việt Nam nói chung là khai thác đúng phân khúc sản phẩm bản địa, gắn với đặc trưng vùng, miền và mang đậm hương vị quê nhà. Đây là những nét rất riêng của sản phẩm đi ra từ làng, xã, được sản xuất theo tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng và có câu chuyện riêng của từng sản phẩm.

Một mặt hàng OCOP khá quen thuộc với người tiêu dùng TP HCM là bột rau sấy lạnh của công ty Thiên Nhiên Việt - một trong những DN đầu tiên được cấp chứng nhận OCOP - cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu. Bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó Giám đốc Thiên Nhiên Việt, cho biết công ty đã xuất khẩu thành công các loại bột rau má, bột tía tô, bột diếp cá, chùm ngây, bột lá sen... sang Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... Sản lượng xuất khẩu hiện nay đã tăng gấp đôi so với lúc mới bắt đầu (năm 2019). "Lợi thế của sản phẩm ở thị trường quốc tế là tính bản địa. Công ty làm ra được những sản phẩm có khẩu vị làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đồng hành với các đối tác trong quá trình quảng bá, bán hàng lẫn quản trị, xử lý rủi ro phát sinh nên có được bước tăng trưởng chắc chắn" - bà Hương nói.

Bà Hương chia sẻ thêm hầu hết chủ thể OCOP có xuất phát điểm là HTX, DN quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ thì nguồn lực rất hạn chế. "Khi không có nhiều lợi thế thì cách duy nhất DN có thể làm là sự tích cực, nỗ lực, chân thành và hết lòng trong công việc. Các nhà mua hàng khi nhìn thấy được sự quyết tâm và hết lòng này, họ sẽ tận tình hỗ trợ" - bà Hương nêu kinh nghiệm. Ngoài ra, theo bà Hương, DN phải hiểu về khách hàng và kênh bán hàng thông qua tìm kiếm thông tin trên mạng, lắng nghe họ.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More) - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu các loại cà phê trái cây, kể câu chuyện từng gặp sự cố khi xuất hàng qua Hàn Quốc do sản phẩm cà phê khoai môn của DN bị cơ quan nước này nghi chứa chất cấm dùng trong sơn móng tay. "Sau khi truy xuất lại quy trình sản xuất, chúng tôi phát hiện sản phẩm không chứa chất đó mà do quá trình sản xuất, nhà máy bị mất điện 2 giờ dẫn đến sản phẩm bị biến đổi chất" - ông Luận kể.

Ông nói dẫn ra việc này để thấy các thị trường nước ngoài rất quan tâm đến kiểm soát chất lượng sản phẩm, DN OCOP muốn xuất khẩu thành công thì phải tuân thủ các quy định này một cách nghiêm ngặt ngay từ đầu. "DN cần đưa vào quy trình truy xuất theo cổng thông tin của Bộ Công Thương. Việc tham gia OCOP cũng là một trong những tiêu chí để sản phẩm đạt chất lượng bởi trong OCOP, quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa được thực hiện khá tốt" - ông Luận nói.

Tiếp thị, quảng bá còn hạn chế

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng chính quyền các địa phương phối hợp các nhà bán lẻ và các thương vụ ở nước ngoài tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến thị trường cho nhóm hàng OCOP. Tuy vậy, các nhà bán lẻ nhìn nhận hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá và vận chuyển... đang là rào cản khiến sản phẩm truyền thống vùng miền chưa mang lại giá trị kinh tế cao. "Phải tối ưu hóa tất cả chi phí thì sản phẩm mới bán được nhiều hơn" - ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, bày tỏ.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dac-san-lang-xa-rong-duong-xuat-ngoai-196240712204638834.htm