Đà Nẵng hạn chế xe cá nhân càng sớm càng lợi

Việc hạn chế xe cá nhân ở Đà Nẵng sẽ có nhiều thuận lợi hơn, bởi số lượng xe lưu thông còn ít hơn rất nhiều so với Hà Nội và TPHCM.

Cần sớm thực hiện việc hạn chế xe cá nhân ở Đà Nẵng. Ảnh: TBKTSG

Theo thống kê, hiện toàn thành phố Đà Nẵng chỉ có hơn 950 nghìn xe cá nhân. Trong đó, hơn 865 nghìn xe máy, hơn 6 nghìn xe máy điện, gần 74 nghìn ô tô. Hà Nội hiện có hơn 5,5 triệu xe cá nhân, trong đó có hơn 5 triệu xe máy và 550 nghìn ô tô. TP.HCM có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 7,4 triệu xe máy và 637 nghìn ô tô. Bởi thế cho tới giờ các phương án hạn chế xe cá nhân ở 2 đô thị lớn này đều vấp phải ý kiến trái chiều từ học giả, chuyên gia, người dân… nên buộc phải dừng lại.

Quá tải xe cá nhân mà chủ yếu là xe máy, là một trong các nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, kẹt xe, tai nạn giao thông, góp phần gây ô nhiễm môi trường... Nhưng khi đề cập tới vấn đề hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy lại gặp phản ứng rất mạnh của dư luận với đủ lý do, dân còn nghèo, nhiều người đi xe máy, hạn chế xe máy thì đi bằng gì, xe buýt hay metro? Thử nghĩ đợi khi dân giàu, thành phố có đủ cơ sở hạ tầng hiện đại và phương tiện công cộng thì biết khi nào mới hạn chế xe cá nhân, bắt kịp với các thành phố ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, chưa nói tới những thành phố lớn ở các nước phát triển.

Không hẳn cứ phải sử dụng xe máy thì mới còn loại hình kinh doanh ở vỉa hè và mặt tiền nhà như quán ăn, tiệm cà phê, sạp báo, văn phòng các công ty... Người sử dụng phương tiện công cộng tuy khó dừng ở dọc đường tại đúng vị trí cần đến, ăn uống, mua sắm, làm việc… Nhưng dừng ở trạm rồi hành khách đi bộ với cự ly ngắn vài chục mét hoặc vài trăm mét mà an toàn hơn, xem như một cách rèn luyện thể lực, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế gây kẹt xe, ở các thành phố văn minh và hiện đại đều vậy cả.

Nhiều đô thị lớn trên thế giới như Thượng Hải (Trung Quốc), Paris (Pháp) hoặc gần nhất là Bangkok (Thái Lan) hay Yangon (Myanmar) đã thành công khi cấm xe máy để giảm kẹt xe, nâng cao an toàn cho người dân trong tham gia giao thông, thu hút thêm khách du lịch.

Thành phố Yangon (Myanmar) có số lượng xe máy rất lớn, gắn với văn hóa kinh doanh buôn bán ở mặt tiền nhà và vỉa hè, nhưng đã thành công trong việc cấm hẳn xe máy từ năm 2009. Lúc đó, thành phố này cũng chưa có tàu điện ngầm, thiếu bến bãi đậu xe, xe buýt cũ kỹ, hệ thống cầu đường hẹp hơn ở các thành phố lớn nước ta.

Chính quyền ở Yangon thực hiện thành công điều này là nhờ vào việc tuyên truyền ý thức giao thông, tăng cường xe buýt. Đặc biệt, phần ranh giới trên vỉa hè phân thành phần dành cho người đi bộ và buôn bán, ai vi phạm đều bị chế tài nghiêm và phạt rất nặng. Cuối cùng đã thuyết phục được người dân bỏ hẳn xe máy.

Nhưng Đà Nẵng có số lượng xe cá nhân gồm ô tô và xe máy ít hơn tại sao lại không thể hạn chế để giảm ùn tắc?

Cần tạo dần thói quen, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế xe cá nhân. Ảnh: TBKTSG

Đà Nẵng với tình hình giao thông như hiện nay, hạn chế xe cá nhân càng sớm càng dễ dàng hơn. Vấn đề là xây dựng lộ trình, thực hiện từng giai đoạn sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu chờ cho đủ cơ sở hạ tầng thì lúc đó phương tiện cá nhân đã tràn ngập, càng khó khăn hơn bởi ảnh hưởng nhiều người, phần thì lo đưa đi nơi khác tiêu thụ hay giải quyết xử lý và thanh lý số lượng xe cá nhân cũng đã là một trở ngại không nhỏ.

Trước hết, nên có chủ trương và xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân để khẳng định rõ mục đích, có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nếu cứ nghĩ phải phát triển phương tiện công cộng trước, hạn chế xe cá nhân sau, nghe có vẻ hợp logic nhưng khó khả thi. Vì chắc không một nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ vốn ra đầu tư và mua sắm phương tiện công cộng để trông chờ sự hên, xui, may, rủi. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài, phù hợp với tình hình thực tế.

Tạo dần thói quen, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Đầu tư thêm xe buýt chất lượng cao, tiện nghi, an toàn, kết nối thuận lợi. Ưu tiên làn đường riêng dành cho xe buýt để hạn chế kẹt xe giờ cao điểm, phân luồng hợp lý nhằm rút ngắn thời gian di chuyển so với xe cá nhân. Giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè và xây dựng bãi giữ xe đủ sức chứa để người dân gởi xe máy chuyển qua đi xe buýt, phương tiện công cộng. Hai việc này rất quan trọng và đòi hỏi quyết tâm cao.

Mở rộng hẻm theo đúng quy hoạch, đủ bề rộng cho xe buýt lưu thông. Vì thực trạng rất nhiều nhà dân ở cách xa nên không thể đi bộ thường xuyên vài cây số, xe buýt không vào được hẻm, nhất là ở khu vực trung tâm. Hơn nữa để tăng diện tích đường cho xe chạy, phục vụ giao thông trước mắt và lâu dài, kết hợp với cải tạo mỹ quan đô thị. Đây cũng nhằm hướng đến thành phố văn minh hiện đại, trước sau cũng phải làm nhưng làm càng sớm càng đỡ tốn kém chi phí đền bù giải tỏa.

Tuyên truyền cho người dân thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân để có sự đồng thuận và ủng hộ cùng với chính quyền trước khi triển khai. Tiến hành thí điểm hạn chế xe cá nhân ở khu vực trung tâm hoặc trên những tuyến phố thường bị ùn tắc giao thông. Sau đó, mở rộng dần phạm vi khi đủ điều kiện và kết nối phương tiện công cộng thay thế. Bởi khi hạn chế xe cá nhân, mặt đường sẽ thông thoáng, là điều kiện thuận lợi phát triển xe buýt.

Ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, phương án cấm xe máy bằng cách tổ chức mô hình xe đạp công cộng, kết hợp với đi bộ trong phạm vi bán kính gần đã được người dân đồng tình, ủng hộ. Chính quyền ở Bangkok đã lập các trạm xe đạp phục vụ những ai không có phương tiện cá nhân, phân làn riêng và đến nay đã có gần 365 km đường dành cho xe đạp được liên kết với hệ thống giao thông công cộng. Hành khách sau khi đi phương tiện công cộng vào khu vực trung tâm nếu có nhu cầu thì sử dụng xe đạp đi tới nơi cần đến, xong việc thì trả xe đạp ở bất kỳ trạm nào cũng được, không cần đến nhân viên phục vụ nhờ hệ thống tự động.

Cấu trúc đô thị ở Bangkok khá giống Đà Nẵng với các hẻm sâu, ngõ ngách chằng chịt mà xe buýt không thể nào vào được. Hơn nữa, Đà Nẵng có bãi biển dài và đẹp chạy dọc theo tuyến phố là nơi đang phát triển mạnh du lịch với nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi...

Nhiều du khách đến đây thường thuê taxi, xe ôm để đi ngắm phố phường, cảnh quan đô thị. Vì vậy, Đà Nẵng một khi hạn chế xe cá nhân, lúc đó đường sẽ thông thoáng, một phần dành cho xe buýt, phần còn lại có thể dành làn riêng cho xe đạp sẽ giúp người dân và du khách thuận lợi di chuyển vào các hẻm sâu, giúp giải quyết được vấn đề hạn chế xe cá nhân.

Trần Văn Tường

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275466/da-nang-han-che-xe-ca-nhan-cang-som-cang-loi-.html