Đà Nẵng: Du khách tăng nhưng đóng góp của ngành dịch vụ sụt giảm

Đó là nghịch lý mà Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng chỉ ra tại báo cáo thẩm tra số 117/BC-HĐND trình kỳ họp thứ 6 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX (2016 – 2021) diễn ra từ ngày 5 – 7/12.

Theo báo cáo này, trong 11 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2017 của TP Đà Nẵng có 8 chỉ tiêu đạt và vượt dự toán HĐND TP giao, nhưng có 3 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch. Đó là giá trị sản xuất ngành dịch vụ, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng và tổng vốn đầu tư phát triển.

Khách du lịch đến Đà Nẵng tiếp tục tăng mạnh nhưng tỉ lệ đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế của TP năm 2017 lại thấp hơn năm trước! (Ảnh: HC)

Cụ thể, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 8,1% (so với chỉ tiêu HĐND TP Đà Nẵng đề ra là 9,5 – 10,5%). Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng ước tăng 7,9% (so với chỉ tiêu HĐND TP đề ra là 9 – 10%; trong đó sản xuất công nghiệp ước tăng 8,8% so với chỉ tiêu HĐND TP đề ra là 10,5 – 11,5%). Tổng vốn đầu tư phát triển chỉ tăng 6,1% (so với chỉ tiêu HĐND TP đề ra là 9 – 10%).

“Thực tế cho thấy kinh tế của TP vẫn chưa có sự tăng trưởng thật sự vững chắc, tổng vốn đầu tư xã hội không đạt kế hoạch, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới không nhiều nếu so với số ngừng hoạt động, tinh thần khởi nghiệp vẫn chưa trở thành xu thế chủ đạo, mức sống của người dân nông thôn chưa được cải thiện căn bản!” – Bà Phan Thị Thúy Linh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng nhận định.

Riêng về lĩnh vực du lịch dịch vụ, báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy tiếp tục phát triển sôi động trong năm 2017 với nhiều hoạt động thu hút khách. Tổng lượng khách tham quan, du lịch đến TP ước đạt 6,6 triệu lượt, đạt 104,8% kế hoạch, tăng 19% so với năm 2016; trong đó khách quốc tế ước đạt 2,3 triệu lượt, đạt 115% kế hoạch, tăng 36,8%. Tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 19.403 tỉ đồng, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 20,6%. Doanh thu lưu trú, du lịch, lữ hành ước đạt 6.695 tỉ đồng, tăng 8,6%....

Theo bà Phan Thị Thúy Linh, trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng hiện nay thì ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất. Tuy nhiên thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho thấy giá trị ngành dịch vụ năm 2017 chỉ tăng hơn 8%, thấp hơn mức tăng của chính ngành này trong năm 2016 (tăng 9,7%) và thấp hơn mức tăng của ngành công nghiệp (8,8%). Điều đó cho thấy hiệu quả của ngành dịch vụ đang có xu hướng giảm, tỉ lệ đóng góp của ngành này vào tăng trưởng kinh tế năm 2017 thấp hơn năm trước.

Bà Phan Thị Thúy Linh đặt vấn đề: “Vì sao lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng nhưng đóng góp của ngành dịch vụ vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lại có xu hướng giảm? Cần có chiến lược phát triển đột phá, nhất là tạo sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng cơ chế liên kết hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong khu vực”.

Ngoài ra, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cũng cho thấy, bên cạnh một số loại hình dịch vụ phát triển khá thì hoạt động logistics đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chủ yếu chỉ là giao nhận vận tải cơ bản, phạm vị hoạt động còn nhỏ hẹp trong nội địa hoặc một vài nước trong khu vực. CNTT phát triển với tốc độ khá song quy mô còn khiêm tốn. Thủ tục liên quan đến dự án Khu CNTT tập trung vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, giá trị phát triển sản xuất công nghiệp năm 2017 tăng thấp hơn so với kế hoạch (ước tăng 8,8% so với chỉ tiêu HĐND TP đề ra là 10,5 – 11,5%). Thu hút các dự án mới đầu tư vào sản xuất công nghiệp còn ít và quy mô nhỏ. Tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp để bố trí cho doanh nghiệp nhỏ triển khai rất chậm. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành khá nhiều nhưng số doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng còn khiêm tốn.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước (FDI) tăng khá so với cùng kỳ nhưng chủ yếu quy mô nhỏ (bình quân khoảng 800.000USD/dự án). Trong bối cảnh các tỉnh trong khu vực có sự cải thiện quan trọng về môi trường đầu tư thì nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến thu hút đầu tư của Đà Nẵng còn hạn chế là do quỹ đất sạch hiện nay không nhiều, lại chưa được công khai, minh bạch khiến nhà đầu tư mất nhiều thời gian tiếp cận.

“Điều này thể hiện qua việc chỉ số tiếp cận đất đai (trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI) của TP Đà Nẵng rất kém so với cả nước. Các thủ tục liên quan đến quy hoạch và định hướng ưu tiên phát triển ngành của TP chưa rõ ràng cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi quyết định đầu tư!” – Bà Phan Thị Thúy Linh nêu rõ.

Tăng thu ngân sách chủ yếu từ tiền sử dụng đất

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, thu ngân sách của TP năm 2017 đạt kết quả khả quan, ước thực hiện 23.379,35 tỉ đồng, tăng 11,9% so với dự toán HĐND TP giao và tăng 17,96% so với thực hiện năm 2016. Tuy nhiên nguồn tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng bất động sản.

Tình trạng thất thu trên các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lữ hành và nhất là ở lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản còn nhiều. Một số dự án chậm triển khai thuộc diện được gia hạn, giãn tiến độ nhưng chậm ban hành quyết định nên chưa đủ căn cứ để yêu cầu chủ dự án thực hiện các nghĩa tài chính theo quy định.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-du-khach-tang-nhung-dong-gop-cua-nganh-dich-vu-sut-giam-post246763.info