Đà Lạt vẫn muốn di dời Dinh Tỉnh trưởng để xây khách sạn đồi Dinh cao 9 tầng

Sau nhiều góp ý của các chuyên gia và dư luận không ủng hộ phương án di dời Dinh Tỉnh trưởng để xây khách sạn tại khu vực có mảng đồi xanh hiếm hoi còn sót lại trong trung tâm thành phố, Đà Lạt vẫn muốn thực hiện phương án này.

Ngày 1.11, nguồn tin của Người Đô Thị cho biết, UBND thành phố Đà Lạt vừa hoàn tất dự thảo "Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Đà Lạt", đang tiến hành lấy ý kiến trước khi trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.

Nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đã phản đối phương án quy hoạch xây khách sạn tại khu vực đồi Dinh - mảng đồi xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh

Tại dự thảo này, Đà Lạt xác định Khu trung tâm Hòa Bình có phạm vi quy hoạch được giới hạn bởi các đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi ra đầu đường 3 tháng 2, Nguyễn Chí Thanh (đến trước khách sạn TTC), có đường dẫn xuống đường Lê Đại Hành, qua bồn phun nước. Tổng diện tích quy hoạch khoảng 30 ha.

Đối với khu vực đồi Dinh (thuộc quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình - PV), đề xuất di dời Dinh Tỉnh trưởng cũ đến khu vực phía bắc trong lô đất, cải tạo thành khối nhà đón tiếp. Phía nam lô đất là khu vực phát triển mới gồm công trình khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ. Di dời các bồn nước hiện hữu sang lô đất bên cạnh, kết hợp các giải pháp cải tạo cảnh quan.

Khách sạn đồi Dinh sẽ tọa lạc trên diện tích lô đất 16.904,9 m2. Tổng diện tích sàn trên mặt đất 56.493 m2. Mật độ xây dựng 60%. Khách sạn có 9 tầng cao. Quy mô phòng ngủ dự kiến 350 phòng.

Theo phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh ban đầu, đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn, Dinh Tỉnh trưởng sẽ nâng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ... Khái toán tổng chi phí đầu tư, xây dựng dự án Khu Hòa Bình do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh từng đưa ra là 7.675 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khu vực đồi Dinh là 751 tỷ đồng. Ảnh: AIE

Hình khối kiến trúc theo phong cách kiến trúc Đông Dương, cấu trúc đối xứng hoàn toàn với điểm nhấn là một tháp cao ở vị trí trung tâm và không gian sảnh đón sang trọng. Mái công trình được trang trí tỉ mỉ, sử dụng các chi tiết kiến trúc đặc trưng của kiến trúc Đông Dương.

Khuyến khích tổ chức sân trong, tận dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên, trồng cây xanh tại sân trong và trên sân thượng tạo cảnh quan đẹp. Công trình gồm 1 tầng hầm (tính từ cao độ đường vòng đồi Dinh) và các tầng nổi, trong đó có khối đế 3 tầng, khối tháp 6 tầng. Tầng hầm là khu vực đậu xe và bố trí kỹ thuật.

Khối đế là khu vực thương mại cao cấp, bao gồm cửa hàng bán lẻ và trung tâm hội nghị. Khối tháp là khu vực khách sạn và các tầng dịch vụ bổ trợ phục vụ khách lưu trú, bao gồm các chức năng: vườn Pháp, hồ bơi tràn, spa, nhà hàng xoay…

Chiều cao công trình (tính từ độ đường vòng đồi Dinh) tối đa 16m (khối đế) và tối đa 55m (tổng thể công trình). Chiều cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi của khối đế, khối tháp có thể thay đổi tăng hoặc giảm tối đa 10% tùy thuộc vào phương án thiết kế công trình, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa với kiến trúc khu vực.

Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan (Ảnh trích từ dự thảo)

Cũng theo dự thảo, trên cơ sở quy hoạch không gian chung và hệ thống giao thông, sẽ xác định phạm vi từng khu vực để có giải pháp thiết kế đô thị phù hợp:

Khu trung tâm Hòa Bình (gồm phạm vi tầng hầm và nổi): Tầng hầm có chức năng giao thông, để xe, kết hợp các dịch vụ, thương mại, giải trí trong nhà; Khu quảng trường, hình thành các khối nhà dịch vụ, thương mại, văn phòng… cao cấp làm công trình kiến trúc điểm nhấn.

Khu vực chợ Đà Lạt: Ngoài tổ hợp công trình chợ A, B hiện nay và khối cao ốc chợ mới “C Center” (đa chức năng), đã hình thành khối tầng hầm để giải quyết chỗ đậu xe (dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai) và mặt trên của công trình (phía đường Phan Bội Châu).

Toàn bộ khối công trình gồm: 1 tổ hợp đa chức năng, phần thương mại, dịch vụ, giao thông ở các tầng hầm (tính từ đường Phan Bội Châu); phía trên mặt đường Phan Bội Châu là khách sạn cao cấp, khu dịch vụ - giải trí và các loại hình đa chức năng khác.

Quy hoạch chỉnh trang khu vực hai bên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai; nghiên cứu cải tạo hoặc tháo dỡ khách sạn Mộng Đẹp (Hải Sơn cũ), thương xá La Tulipe, khách sạn Thanh Bình, giải tỏa các kiosque 2 tầng dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, để tạo cảnh quan thoáng, rộng trước chợ Đà Lạt.

Nghiên cứu phương án giải tỏa toàn bộ các dãy nhà dọc đường Phan Bội Châu (phía giáp chợ), một phần khu vực nhà ở giáp trong và sau khu vực bến xe nội thành cũ, tiến đến sát hàng rào Dinh Tỉnh trưởng cũ…

Chỉnh trang toàn bộ mặt đứng các dãy phố (nhà ở và công trình thương mại) khu Hòa Bình, Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thị Hồng Gấm…, các dãy nhà chung quanh chợ, nhằm giải quyết tổng thể cảnh quan chung khu vực quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình.

Đối với khu vực dân cư giáp khu đồi Dinh: Các khu dân cư hiện hữu chỉnh trang được nghiên cứu đề xuất chỉnh trang các tuyến phố, hẻm, các tuyến đi bộ chênh cốt... theo hướng khuyến khích trồng cây xanh tạo cảnh quan, hạn chế tầng cao, khuyến khích người dân sử dụng mái ngói, phủ xanh mái nhà để tạo cảnh quan cho góc nhìn từ trên cao.

Theo quy hoạch đã công bố, rạp Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay vào trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Ảnh: Lê Quân

Dự thảo xác định hình thái không gian kiến trúc đô thị Khu vực trung tâm Hòa Bình là không gian hoạt động đô thị kết hợp mang tính chất du lịch, giải trí, thương mại, dịch vụ phát triển hỗn hợp, trong đó khu rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, khu đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ và khu biệt thự đường Trần Quốc Toản - giáp hồ Xuân Hương được xác định là một trong các khu chức năng quan trọng thuộc khu đô thị lịch sử của thành phố Đà Lạt;

Đây là khu vực có độ chênh cao rõ rệt giữa các không gian, cảnh quan đa dạng với khu vực chợ truyền thống kết hợp với quảng trường hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt, khu vực đồi Dinh, khu vực ven hồ Xuân Hương; định hướng phát triển “không gian mở” mang đậm tính chất đặc thù về khí hậu, địa hình, bản sắc văn hóa, với hình ảnh nhiều loại cây, hoa đặc trưng của Đà Lạt...

Nguyễn Minh - Phạm Anh

Như Người Đô Thị đã liên tục thông tin trong hơn ba năm qua, ngay sau khi phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt, mặc dù lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng có nhiều động thái cầu thị lắng nghe các góp ý chuyên môn nhưng cho đến nay những tranh luận liên quan đến đồ án quy hoạch này vẫn còn gay gắt.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam sau khi có văn bản ngày 15.9.2020 đề nghị Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, kiến trúc sư trên cả nước và "không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh", đã tiếp tục có công văn ngày 8.11.2021 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh.

Đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12.2.1019, trong Quyết định số 229/QĐ-UBND

Theo đó, Hội đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát để lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung số 704 ngày 12.5.2014. Đặc biệt là tinh thần thể hiện tại các điều I, mục 6, mục 8.

Ngoài ra, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Quyết định số 229 ngày 12.2.2019 phê duyệt chi tiết quy hoạch và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình có nội dung tại mục 3, 3.1, Phân khu III là chưa phù hợp. Vì việc lập và phê duyệt quy hoạch này yêu cầu phải đồng thời thực hiện trên cơ sở tuân thủ Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Dinh Tỉnh trưởng và khu đồi Dinh thời điểm quy hoạch vẫn thuộc danh mục công trình văn hóa bảo tồn theo Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo quy định, công trình chỉ có thể chuyển đổi trạng thái sau khi đã có quyết định thay đổi mới của chính cấp đã phê duyệt xếp loại.

“Tiến trình lập quy hoạch – kiến trúc không gian khu vực này cần rà lại thủ tục chọn đấu thầu hay thi tuyển theo luật định. Vì ngoài quy định quy mô và mức kinh phí tư vấn, tính chất đặc biệt về yêu cầu kiến trúc tại đây đã được đặt ra từ đầu, trong quyết định phê duyệt các cấp về quy hoạch cho khu vực”, công văn của Hội đề nghị.

Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Quốc Tuấn. Ảnh: Gia Bình

Diến biến mới nhất liên quan đến Dinh Tỉnh trưởng là ngày 9.6.2023 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Quyết định số 53 ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22.9.2023 và thay thế Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Theo đó, Quyết định số 53 chính thức điều chuyển vị trí của Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Nguyễn Hữu Hào từ nhóm 1 (theo Quyết định số 47) xuống nhóm 2. Đồng thời bổ sung một quy định mới: "Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt”. Đây có thể xem là động thái "mở đường" pháp lý để cải tạo Dinh Tỉnh trưởng theo đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình...

Xem tuyến bài Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-lat-van-muon-di-doi-dinh-tinh-truong-de-xay-khach-san-doi-dinh-cao-9-tang-41540.html