Đã gỡ 'nút thắt' nhưng các dự án Mekong DPO vẫn triển khai chậm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định 16 dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (Mekong DPO) Chính phủ muốn triển khai, địa phương muốn có và đối tác cũng muốn hỗ trợ. Thế nhưng, việc triển khai thủ tục của những dự án này đang bị chậm, dù những 'nút thắt' pháp lý đã được tháo gỡ…

Đa số các dự án trong 16 dự án Mekong DPO là đầu tư vào tuyến đường bộ ven biển. Trong ảnh là một đoạn đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh

Các dự án Mekong DPO do 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hai Bộ, gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư. Trong đó, phần lớn dự án được các địa phương đề xuất đầu tư là tuyến đường bộ ven biển để khép kín trục này cho vùng.

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, đó là tiến độ triển khai thủ tục của những dự án này đang chậm, dù các “nút thắt” về pháp lý đã được Trung ương tháo gỡ xong.

‘Nút thắt’ được tháo gỡ, nhưng… vẫn chậm

Tại cuộc họp báo cáo tiến độ các dự án Mekong DPO diễn ra ở thành phố Cần Thơ mới đây, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Trung ương đã ban hành các chính sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn đã gặp phải trước đó nhằm thúc đẩy dự án.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 18-7-2023 về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án Mekong DPO. Theo đó, tổng mức vốn nước ngoài dự kiến huy động được điều chỉnh trên cơ sở nhu cầu vốn đầu tư của các dự án, phù hợp với cam kết của các đối tác phát triển và phê duyệt tỷ lệ cho vay lại vốn vay nước ngoài là 10% (đối với những dự án thuộc nhiệm vụ chi của địa phương).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27-1-2024 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Trong đó, phân cấp cho thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản các dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 61C; giao tỉnh Bến Tre và Trà Vinh là cơ quan chủ quản các dự án xây dựng cầu Cửa Đại và Cổ Chiên 2…

Ông Phương cho biết, các quyết định quan trọng của cấp thẩm quyền như nêu trên có tính tháo gỡ “điểm nghẽn” về pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị và phê duyệt các dự án Mekong DPO.

Theo đó, dự án của Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Trà Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất. Đồng thời dự án của Bộ Giao thông vận tải đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với dự án Merit (dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL- dự án nằm trong Mekong DPO) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự án của tỉnh Long An đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.

Trong khi đó, 4 dự án của các địa phương, gồm Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng đã được Bộ Tài Chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung về tài chính.

Tuy nhiên, ông Phương đánh giá, về cơ bản quá trình chuẩn bị và phê duyệt để triển khai các dự án Mekong DPO vẫn chậm so với chỉ đạo và kế hoạch dự kiến.

Chẳng hạn, đề xuất dự án của Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ và Hậu Giang vẫn “đang trong giai đoạn lấy ý kiến các cơ quan có liên quan”. Thậm chí, một số địa phương vẫn chưa thống nhất về phương án, quy mô đầu tư, chưa được Bộ Tài Chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung về tài chính. Do đó chưa đủ cơ sở để cơ quan chủ quản tiếp thu, hoàn thiện và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.

Bên cạnh đó, hai dự án xây dựng cầu Cửa Đại (nối Tiền Giang- Bến Tre) và cầu Cổ Chiên 2 (nối Bến Tre- Trà Vinh) mới được ba địa phương liên quan dự án đề xuất và huy động vốn tài trợ.

“Đây là những dự án quan trọng, có ý nghĩa khép nối toàn tuyến đường ven biển vùng ĐBSCL, bổ sung và giúp phát huy tác dụng, hiệu quả của các dự án Mekong DPO”, ông Phương nhấn mạnh sự cần thiết của hai dự án cầu này.

Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, các chính sách mới được ban hành đã giúp tháo gỡ rất lớn những “điểm nghẽn” cho các dự án Mekong DPO.

Cụ thể, theo ông, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 16 để cụ thể hóa Nghị quyết 106 của Quốc hội là “bước đi” tháo gỡ vướng mắc trong việc chuẩn bị của các dự án Mekong DPO. Trong đó phải kể đến dự án đầu tư quốc lộ 61C trên địa bàn Cần Thơ và Hậu Giang đã giao hai địa phương là cơ quan chủ quản.

Theo đánh giá của ông Mai, đối với dự án của Bộ Giao thông Vận tải, dù hiện đã chuyển sang bước xây dựng và phê duyệt báo cáo tiền khả thi, tức là dự án nhanh nhất trong các dự án Mekong DPO nhưng vẫn chậm so với kế hoạch.

“So với nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay thỏa thuận của chúng ta trong cuộc họp trước thì các dự án hiện đang chậm tiến độ tương đối nhiều”, ông Mai cho biết và nói rằng, một trong những nguyên nhân là do điều chỉnh đề xuất. Đồng thời có một số địa phương thay đổi hướng tuyến, tăng quy mô, điều chỉnh vốn hoặc chờ Bộ Tài Chính có ý kiến đánh giá về khả năng trả nợ, đánh giá tác động đến nguy cơ, đến ưu đãi của dự án…

Lo “ẩn số” tổng mức đầu tư tác động đến nợ công?

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tổng mức đầu tư dự kiến (mới nhất) của các dự án Mekong DPO là hơn 99.133 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn đối ứng trong nước hơn 30.000 tỉ đồng và vốn vay nước ngoài là gần 69.100 tỉ đồng (tương đương khoảng 2,93 tỉ đô la Mỹ).

Như vậy, tổng mức đầu tư của các dự án đã tăng khoảng 12.796 tỉ đồng (trong đó vốn đối ứng trong nước tăng khoảng 3.769 tỉ đồng và vốn vay nước ngoài tăng khoảng 379 triệu đô la Mỹ) so với Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi và tỷ lệ cho vay lại vốn nước ngoài của các dự án vùng ĐBSCL.

Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài Chính cho biết, đối với vốn ODA, Luật quản lý nợ công quy định không cấp phát cho địa phương, mà phải vay lại với tỷ lệ thấp nhất 10%.

“Với các dự án của ĐBSCL, đã có gói hỗ trợ theo tỷ lệ thấp nhất (tức 10% theo nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi và tỷ lệ cho vay lại vốn nước ngoài của các dự án vùng ĐBSCL) và quy mô được xác định là 2,56 tỉ đô la Mỹ”, bà Thảo cho biết.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, tổng mức đầu tư dự kiến (mới nhất) của các dự án đã tăng thêm khoảng 12.796 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn vay đã vượt qua con số 2,56 tỉ đô la Mỹ của nghị quyết 108 (dự kiến là khoảng 2,93 tỉ đô la Mỹ).

“Vậy con số của gói này cuối cùng sẽ lên đến bao nhiêu?”, bà Thảo đặt câu hỏi và lo lắng “ẩn số tổng mức đầu tư” của các dự án có thể tác động đến nợ công trong tương lai.

Theo bà, nếu đánh giá trong giai đoạn 2021-2025 sẽ không ảnh hưởng vì phần lớn các dự án không giải ngân trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các dự án Mekong DPO sẽ được giải ngân ở giai đoạn 2026-2030, trong khi vốn đầu tư công giai đoạn này vẫn chưa rõ ràng, cho nên, có thể dẫn đến bội chi ngân sách theo nghị quyết của Trung ương. Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo được sự bền vững nợ công.

Từ vấn đề nêu trên, vị đại diện của Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng, cần cung cấp cho đơn vị này một khung tổng mức đầu tư các dự án Mekong DPO để đưa vào đánh giá nợ công. “Chúng tôi không tính được nếu không có định hướng nguồn lực”, bà nói.

Liên quan băn khoăn về con số tổng mức đầu tư của các dự án Mekong DPO như nêu trên, ông Phương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nghị quyết 108 của Chính phủ đã có chữ “dự kiến”, tức con số tổng mức đầu tư cuối cùng có thể khác con số dự kiến hay nói cách khác “có thể tăng hoặc giảm”. Thế nhưng, bây giờ Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại muốn phải chính xác con số của Nghị quyết 108 là điều rất khó. Yêu cầu một dự từ khi đề xuất đến khi thực hiện không có sai số về tổng mức đầu tư là không thể.

Còn liên quan đến lo lắng tác động đến nợ công, theo ông Phương, đánh giá giai đoạn 2021-2025 là đánh giá tổng thể của 300.000 tỉ đồng vốn ODA trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn.

“Toàn bộ vốn trong chương trình Mekong DPO nằm trong khuôn khổ vốn đầu tư công trung hạn. Cho nên, việc tăng lên 1-2 triệu đô la Mỹ nó vẫn nằm trong khuôn khổ 300.000 tỉ đồng vốn ODA. Vậy, tại sao chúng ta bàn, đánh giá nợ công?”, ông đặt vấn đề.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, vấn đề đặt ra là đầu tư công cho giai đoạn trung hạn 2026-2030.

Ông Phương cho rằng, các bên liên quan đang thực hiện là cho giai đoạn 2021-2025, thậm chí nếu tính cho giai đoạn 2026-2030 thì chắc chắn vẫn cần vốn ODA vì Việt Nam không thể… “dừng đầu tư ngay lúc này”.

Chính vì vậy, ông Phương kêu gọi, nếu đã có tinh thần ủng hộ cho ĐBSCL, thì nên tìm cách sớm, chứ không nên nói lý do. “Chúng ta khẳng định tất cả dự án này cần thiết; khung pháp lý đã tháo gỡ hết rồi. Tất cả những gì về sự cho phép của cấp có thẩm quyền đều có, mà chúng ta vẫn “cân nhắc” những việc lẽ ra có thể xử lý được ngay từ đầu thì không nên”, ông Phương nhấn mạnh.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/da-go-nut-that-nhung-cac-du-an-mekong-dpo-van-trien-khai-cham/