Đã đến lúc phải cứu biển

Trong khuôn khổ Hội nghị về phát triển bền vững với chủ đề Nuôi biển vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau diễn ra vừa qua ở Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả hơn 5 triệu con giống thủy sản xuống biển. Hành động này, tuy vậy, cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, vì nó không giúp được gì đáng kể cho việc hồi phục nguồn tài nguyên hải sản vốn đã bị suy kiệt trầm trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã dùng hai chữ “tận diệt” để nói về hoạt động khai thác hải sản ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông nói: “Khai thác tận diệt là nỗi đau của kinh tế biển”, vì vậy ông cho rằng “nuôi biển không chỉ là nuôi tôm, cá, hải sản mà còn nuôi sinh thái biển. Nuôi biển để giải quyết một nỗi đau của đại dương, đó là tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng cạn kiệt”.

Cũng do nguồn tài nguyên hải sản của Việt Nam bị suy kiệt, nhiều ngư dân bất chấp rủi ro và hiểm nguy để đi khai thác bất hợp pháp ở ngư trường của các nước lân cận. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc năm 2017 Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) phạt “thẻ vàng” do hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), và vì thẻ phạt này mà xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU trong những năm qua ngày càng giảm.

Điều đáng nói là suốt hơn bảy năm qua, bất kể những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ để gỡ thẻ vàng IUU, từ tuyên truyền giáo dục ngư dân cho đến bắt buộc lắp đặt định vị trên tàu cá, xử phạt hành chính… nhưng Việt Nam vẫn chưa ngăn chặn được nạn đánh bắt trái phép. Nhiều chủ tàu cá vẫn tìm cách trốn tránh sự giám sát của cơ quan kiểm ngư, như tắt định vị hoặc gửi định vị của mình cho tàu khác, để xâm nhập trái phép vào ngư trường của nước khác.

Thực tế đó cho thấy, nuôi dưỡng biển để phục hồi nguồn tài nguyên hải sản mới là giải pháp căn cơ của nạn đánh bắt trái phép, qua đó giúp giải tỏa thẻ vàng IUU và quan trọng hơn là để duy trì nguồn sống cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, sẽ không thể phục hồi được tài nguyên hải sản chỉ bằng hoạt động thả cá giống ra biển, mà quan trọng hơn là phải nuôi dưỡng sinh thái biển, tạo điều kiện cho các loại sinh vật biển có cơ hội hồi phục và phát triển. Việc này đòi hỏi phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp một cách rất kiên quyết.

Trước tiên, phải kiểm soát được sản lượng đánh bắt và dành thời gian cho các sinh vật biển có cơ hội để sinh sản và phát triển. Muốn vậy, cần có quy định về hạn ngạch khai thác, quy cách các loại hải sản được phép khai thác cũng như thời điểm được phép tiến hành hoạt động đánh bắt trong năm; và phải kiên quyết ngăn chặn các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt.

Tiếp đến, phải ngăn chặn triệt để việc phá hoại môi trường sống của các loại sinh vật biển. Với mục tiêu này, cần quản lý được hoạt động du lịch và phát triển kinh tế ven biển cũng như ngăn chặn việc xả chất thải công nghiệp và sinh hoạt, chất thải của hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản… ra biển.

Việc bị phạt thẻ vàng IUU, tuy trước mắt có gây khó khăn cho việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU, nhưng đây cũng là sự cảnh tỉnh cần thiết để Việt Nam có động lực giải quyết triệt để hơn những bất cập trong hoạt động kinh tế biển trước khi quá muộn.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/da-den-luc-phai-cuu-bien/