Cựu sinh viên Việt Nam khoa Kiến Trúc, Quy Hoạch trưng bày đồ án tại Triển Lãm Kiến Trúc Quốc Tế Rotterdam 2014 tại Hà Lan

Vào mùa Xuân 2014, nhà thiết kế đô thị trẻ Nguyễn Đức Bình – tốt nghiệp chương trình Kiến Trúc chuyên ngành năm tại Đại Học hàng đầu thế giới Cornell University với Khoa Kiến Trúc liên tục xếp hạng nhất nhiều năm trong danh sách “Trường Đại Học Kiến Trúc Tốt Nhất tại Hoa Kỳ” của ấn phẩm như ArchitectureRecord, DesignIntelligence – đã trưng bày đồ án với ý tưởng cải tạo diện tích dọc theo một đường ray xe lửa bỏ hoang kéo dài từ phía Tây Bắc tới Đông Nam khu vực Queens của Thành Phố New York.

Dựa theo chủ đề của Triển Lãm: “Đô Thị song tầm cùng Thiên Nhiên” URBAN by NATURE, kiến trúc sư quy hoạch tương lai Nguyễn Đức Bình cùng Nhóm Thiết Kế của Đại Học Kiến Trúc Cornell đã trưng bày sáu ý tưởng Quy Hoạch Cải Tạo cho Đường Xe Lửa bỏ hoang Queensway. Nhóm được dẫn dắt bởi hãng Kiến Trúc Quy Hoạch danh tiếng N H D M sáng lập bởi nhà thiết kế Nahyun Hwang – Kiến Trúc Sư Trưởng hạng mục Quang Cảnh cho Đồ Án Công Viên Đô Thị High Line New York nổi tiếng thế giới cho đến ngày nay – cùng đồng nghiệp sáng lập David Eugin Moon, Thiết Kế Trưởng tại hãng Office for Metropolitan Architecture (OMA) và là “cha đẻ” của công trình rạp hát PRADA TRANSFORMER tại Seoul (2007 – 2009).

Ý tưởng của Nguyễn Đức Bình đặt nghi vấn tới trào lưu “Xanh” trong tầm nhìn của công chúng về khái niệm của một không gian Công Cộng – đặc biệt là sau sự thành công vang dội của công viên đô thị High Line New York khiến cho nhiều thành phố trên thế giới mong muốn có được một công viên High Line thứ hai cho riêng mình. Để tạo ra sự tương phản với trào lưu “Xanh,” ý tưởng thiết kế mà nhóm Bình chọn là một không gian Công Cộng được tạo ra bởi một “Tường” Thành Kiến Trúc mới phát triển dọc lên đến tám tầng được xây dựng để hỗ trợ các chương trình phù hợp cho hàng xóm xung quanh.

Tường Thành Kiến Trúc này được tạo ra bằng cách CHIẾU ĐỒ phạm vi lô đất của khu vực láng giềng xung quanh hai bên đường xe lửa bỏ hoang Queensway. Với giả thiết Thành Phố New York sẽ xây dựng bộ khuôn hạ tầng cho Tường Thành, chủ sở hữu của lô đất được “chiếu” lên Tường Thành sẽ được phân cho diện tích bất động sản trên Tường Thành; chủ sở hữu có thể xây dựng các không gian bổ trợ cho cá nhân với diện tích bất động sản mới được phân trên Tường Thành; họ cũng có thể phối hợp với hàng xóm kế bên - là chủ sở hữu của không gian bất động sản mới ngay kế bên trên Tường Thành – để xây dựng công trình kiến trúc công cộng vốn cần thêm diện tích như vườn hoa công cộng, bể bơi công cộng; tất cả các chủ sở hữu của tầng bất động sản mới phân không được phép bán lại.

Ý tưởng thiết kế của cựu sinh viên Nguyễn Đức Bình cùng nhiều bản vẽ và phối cảnh được trưng bày tại Triển Lãm Kiến Trúc Quốc Tế Rotterdam nhằm sử dụng hạ tầng kiến trúc để thay đổi và gắn kết quan hệ hàng xóm láng giềng. Tường Thành Kiến Trúc mới được xây lên từ diện tích bỏ hoang của đường xe lửa Queensway trở thành bộ mặt phản ánh của khu vực sống kế bên đường xe lửa – với hy vọng dẫn đến nhiều chuyển biến đô thị tích cực. Ý tưởng thiết kế đề cao trách nhiệm và đưa đến cơ hội thiết kế cho người dân sống hai bên khu vực đường xe lửa – trái ngược với nhiều ý tưởng thiết kế bắt nguồn từ thành phố cấp cao và các chủ đầu tư.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-tre/cuu-sinh-vien-viet-nam-khoa-kien-truc-quy-hoach-trung-bay-do-an-tai-trien-lam-kien-truc-quoc-te-rotterdam-2014-tai-ha-lan-717656.html