Cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh bổ nhiệm trước khi bị bắt, có khách quan?

Khẳng định việc ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự trước khi bị bắt là bình thường, nhưng theo đại biểu Quốc hội, điều quan trọng là, quy trình bổ nhiệm có khách quan không? Người được bổ nhiệm có xứng đáng hay không?

Chiều 9/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) trao đổi xoay quanh vấn đề dư luận quan tâm khi ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bổ nhiệm sáu cán bộ cấp sở trước khi bị bắt.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Như Ý)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Như Ý)

Ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở của Hà Nội trước khi bị bắt có bất thường không, thưa ông?

Về pháp lý, việc ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định bổ nhiệm cán bộ như vậy là bình thường, hợp pháp. Vì thời điểm đó, ông Chu Ngọc Anh chưa bị đình chỉ, chưa bị hạn chế, ngăn chặn nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Vấn đề quan trọng, theo tôi, phải xem xét rõ các quyết định bổ nhiệm đó của ông Chu Ngọc Anh có đúng quy trình, quy định hay không? Người được bổ nhiệm có xứng đáng với vị trí đó hay không?

Việc ông Chu Ngọc Anh ký bổ nhiệm trước khi bị bắt có giống như việc thủ trưởng các đơn vị làm “chuyến tàu vét” trước khi về hưu mà lâu nay đã đề cập?

Việc ông Chu Ngọc Anh ký các quyết định trước khi bị bắt khác hoàn toàn việc một thủ trưởng ký các quyết định trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo tôi có hai vấn đề cần phải xem xét trong việc bổ nhiệm các cán bộ này.

Thứ nhất, quy trình bổ nhiệm đó đã khách quan hay chưa?

Thứ hai, đối tượng được bổ nhiệm có xứng đáng hay không, đúng tiêu chuẩn hay không?

Về công tác cán bộ, ngay kể cả ông Chu Ngọc Anh không bị bắt thì vẫn phải xem xét vấn đề này bất cứ lúc nào.

Khi dư luận lùm xùm về việc này, theo ông, các cơ quan liên quan có nên vào cuộc, làm rõ và công khai minh bạch thông tin?

Các cơ quan liên quan đến việc bổ nhiệm những cán bộ này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước quy định của Đảng. Cụ thể, họ phải lật lại từ quá trình giới thiệu, thẩm định hồ sơ, quy trình bỏ phiếu… Việc rà soát lại để xem trong các bước đó có gian lận hay không.

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, các cơ quan chức năng không chỉ xem xét quy trình bổ nhiệm sáu cấp sở của Hà Nội mà cần phải có một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc. Bởi hiện nay, nhiều cán bộ trước khi bổ nhiệm thì được cho là trong sạch, được đánh giá rất tốt, nhưng sau một thời gian lại trở thành tội phạm.

Cảm ơn ông !

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuu-chu-tich-ha-noi-chu-ngoc-anh-bo-nhiem-truoc-khi-bi-bat-co-khach-quan-post1444929.tpo