Cuối tuần của con bị 'đánh cắp' vì bố mẹ quá bận
Phải làm thêm vào cuối tuần, Phan Khanh chạnh lòng khi ít có cơ hội đưa gia đình đi chơi. Ngược lại, vợ chồng Nguyễn Trang gác lại công việc, dành trọn mỗi chủ nhật bên con.
Là trưởng phòng của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công việc của Phan Khanh (34 tuổi, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) khá áp lực, luôn phải theo dõi sát sao tiến độ công việc ở nhà máy sản xuất.
Vào các ngày trong tuần, anh thường phải tăng ca 1-2 tiếng, rất ít khi được về sớm. Ngay cả chủ nhật, anh cũng hay ở công ty từ 8h đến 17h hoặc đi công tác.
Anh luôn cảm thấy chạnh lòng khi cuối tuần mà phải nói với vợ con: “Mấy mẹ con ở nhà nhé, công ty có việc gấp, bố đi giải quyết một chuyến”.
Cũng như anh Khanh, không ít phụ huynh vướng bận công việc, phải chắt chiu từng giờ nhàn rỗi để được gần con vào cuối tuần. Trong khi đó, nhiều gia đình dù bận rộn, may mắn có thể dành thời gian cho con cả ngày chủ nhật.
Không thể đi xa vì bận rộn
Con trai mới vào lớp một nên vợ chồng anh Khanh đặc biệt chú ý đến thời gian sinh hoạt, điều chỉnh cân đối giữa việc học và chơi của con.
Do vậy, vào những chủ nhật "may mắn" được nghỉ ngơi, anh luôn thu xếp dạy con học bài, chuẩn bị cho tuần học tập mới.
Sau đó, gia đình anh thường cùng nhau đi loanh quanh khu phố, tới các cửa hàng ăn vặt, khu vui chơi hay trung tâm thương mại.
Anh chia sẻ: “Cuối tuần của nhà tôi chỉ đơn giản vậy thôi, ít khi đi xa, bởi công việc không cho phép”.
Để có những chuyến đi dài ngày, vợ chồng anh Khanh phải sắp xếp nhiều thứ, từ công việc của bố mẹ đến lịch học của các con. Vì vậy, các cuộc vui vào dịp nghỉ hè, lễ, Tết luôn là khoảng thời gian quý báu của gia đình trẻ.
Tương tự, Trần Quân (32 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), kỹ sư nhiệt lạnh, cũng phải ôm máy tính thêm một buổi vào chủ nhật. Vợ công tác trong ngành Y, thi thoảng cũng trực liên tục ở bệnh viện từ thứ bảy đến sáng hôm sau. Con gái 3 tuổi ở nhà thường được bà nội trông nom.
Anh Quân cho biết sau khi kết thúc công việc, cuối tuần của gia đình chỉ thu hẹp ở trong khu phố. Những lúc đó, cả nhà cùng đi siêu thị, thỏa sở thích ngắm các gian hàng đồ chơi, bánh kẹo của con. Vợ chồng anh cũng tranh thủ mua sắm, lo liệu đồ dùng và thức ăn cho cả một tuần tới.
Thời gian còn lại, gia đình nhỏ thường đi bộ về thăm nhà ngoại ở cùng khu phố.
Gia đình anh đã lâu không đi chơi xa, nếu có cũng chỉ đi loanh quanh trong thành phố, đến các địa điểm như công viên, quán cà phê kết hợp khu vui chơi trẻ em, ăn nhà hàng,…
Lần nào có kế hoạch ra ngoài cả ngày chủ nhật, anh cũng phải thức muộn vào tối hôm trước hoặc tranh thủ sáng sớm hoàn thành công việc.
Thỉnh thoảng vợ con anh tự đi chơi riêng, có vài lần đi xa hơn, đến các tỉnh lân cận tham quan thung lũng hoa, khu du lịch sinh thái,...
Con càng thêm lớn, anh Quân càng trăn trở cách điều chỉnh công việc để có thể cùng con đi du lịch nhiều hơn.
“Dù chưa được đi nhiều nơi như các bạn nhỏ khác, may mắn thay, con gái tôi vẫn có những chủ nhật ý nghĩa bên cạnh cả hai nhà nội ngoại”, anh chia sẻ.
Gác lại công việc để bên con
Khác với Phan Khanh và Trần Quân, Nguyễn Trang (32 tuổi, Hà Nội) lại có điều kiện đưa con đi chơi mỗi cuối tuần.
“Chồng là kỹ sư, tôi là nghiên cứu viên, công việc của cả hai đều bận rộn. Tuy nhiên, hai đứa bảo nhau mỗi người tạm gác lại một số đầu việc, dù ít tiền, gia đình được quây quần, sum họp là điều hạnh phúc”, chị chia sẻ.
Cắm trại là hoạt động gia đình 4 người yêu thích nhất. Vì quỹ thời gian gói gọn trong một ngày, cả nhà chị thường chọn địa điểm ở vùng ngoại ô, trong phạm vi 40-60 km. Phần vì việc đi lại không quá mệt nhọc, phần vì không khí thoáng đãng, mát mẻ, quan trọng có không gian rộng rãi cho 2 cậu con trai 5 tuổi thoải mái chạy nhảy.
Quan niệm chỗ vui chơi không cần quá tiện nghi, đắt đỏ, chị Trang ưu tiên những địa điểm có phí vé vào cửa và ăn uống trong khoảng 500.000-700.000 đồng.
Mỗi dịp đi chơi, hai cậu bé lại háo hức dậy sớm, phụ giúp bố mẹ chuẩn bị đồ đạc. Chị Trang đảm nhiệm việc nấu nướng, gói ghém đồ ăn, những món đơn giản như cơm cuộn, bánh mì và nước uống. Trong khi đó, mấy bố con cùng nhau thu xếp hành lý. Vài ba bộ quần áo, sách truyện và loa bluetooth là cả gia đình có thể lên đường.
"Tôi chỉ mong cả nhà cùng nhau trải qua những khoảnh khắc thật thoải mái, không lo nghĩ gì, các con cũng tạm quên sách vở. Một vài lần cơ quan có việc đột xuất, hai chúng tôi đành xin phép xử lý công việc sau", chị Trang chia sẻ.
Không chỉ con vui vẻ, vợ chồng trẻ cũng cảm thấy được “xốc” lại tinh thần sau những ngày mệt mỏi, sẵn sàng cho tuần làm việc mới năng suất hơn.
Xuân Liên (30 tuổi, huyện Định Quán, Đồng Nai) hiện là giáo viên, đồng thời kinh doanh trên mạng. Giống với gia đình Nguyễn Trang, mỗi chủ nhật, chị và chồng đều tự giác tạm gạt điện thoại và công việc sang một bên để dành thời gian cho các con.
Những ngày cuối tuần mát mẻ, cả nhà chị sẽ vào rừng tắm nước nóng và mang theo đồ ăn cắm trại đến chiều. Nhiều khi gia đình rủ nhau tham gia một vài phiên chợ địa phương, cùng vui vẻ mua sắm và ăn uống.
Những hôm mưa to hay nắng gắt, chị Liên sẽ để các con ngủ nướng cả sáng, vợ chồng chị tranh thủ phóng xe ra chợ mua thực phẩm. "Hẹn hò" xong, cả hai loay hoay dọn nhà, chuẩn bị đồ ăn. Khi con thức giấc, gia đình nhỏ lại cùng chung vui với tiệc nướng BBQ trong sân vườn.
Thỉnh thoảng, anh chị sẽ thu xếp các ngày cuối tuần tổ chức những chuyến đi chơi xa kết hợp trải nghiệm văn hóa, đặc sản vùng miền.
"Vẻ mặt vui tươi, phấn khởi của các con mỗi khi tíu tít hỏi về những chuyến đi chơi cuối tuần khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc", chị Liên kể.
Vợ là chuyên viên trang điểm, kinh doanh đồ uống, chồng là DJ, gia đình Kim Yến (33 tuổi, quận 7, TP.HCM) đôi lúc cảm thấy áp lực và mệt nhoài vì khối lượng công việc dày đặc, luôn phải linh động.
Tuy nhiên mỗi cuối tuần, cả hai đều cố gắng dành tối đa thời gian rảnh để chơi cùng con. Vợ chồng chị luôn ưu tiên dẫn con đến những khu vui chơi có hoạt động thể chất và môi trường thiên nhiên, giúp bé nâng cao sức khỏe, học hỏi thêm nhiều điều thú vị.
"Trẻ con phải chăm tắm nắng, ham vận động, chân tay lấm lem một chút mới khỏe mạnh và hoạt bát”, người mẹ chia sẻ.
Bên cạnh đó, quán cà phê kết hợp khu vui chơi trẻ em là một trong những địa điểm khiến gia đình chị Yến tâm đắc. Tại đây, hai vợ chồng chị có thể vừa ngắm con vui chơi, vừa thong dong nhâm nhi cà phê, bánh ngọt.
Anh chị luôn quan niệm giữa cuộc sống bận rộn, hối hả, việc dành thời gian cho con là điều đáng giá, bố mẹ nên duy trì.
“Nếu tôi bận, chồng sẽ là người chơi với con và ngược lại, như vậy, công việc vẫn suôn sẻ, mà con gái cũng cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Chúng tôi không muốn vừa phải làm việc vừa trông con một cách hời hợt”, chị Yến cho hay.
Thực tế, dành thời gian cho con trẻ bao lâu không quan trọng bằng việc bố mẹ đang bên con như thế nào.
Nếu phụ huynh bên con 2-3 giờ mỗi ngày nhưng liên tục cáu gắt, bị phân tâm bởi công việc, điện thoại,... thì thời gian đó thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn đến sự phát triển của trẻ, theo nhà xã hội học Kei Nomaguchi, công tác tại Đại học Bowling Green State (Mỹ).
Family Peace Foundation khuyến khích các bậc cha mẹ nên dành ít nhất 8 phút chất lượng mỗi ngày cho con. Nếu trong khoảng thời gian này, bố mẹ có thể gạt bỏ hết điện thoại và công việc, dồn hết sự quan tâm và chú ý vào con, trẻ sẽ có kết quả học tập tốt hơn, kỹ năng ngôn ngữ và sự tự tin cũng cao hơn.
Ngoài ra, chuyên gia tâm lý Nataliya Sirotich, Đại học Toronto, Canada cho rằng 3 phút ngắn ngủi khi bố mẹ mới đón con đi học về là khoảng thời gian giúp gắn kết tình cảm.
Sau một ngày dài ở trường, đây là khoảnh khắc con trẻ háo hức được chia sẻ những tâm tư, câu chuyện thầy cô, bạn bè cho bố mẹ hơn cả. Do vậy, phụ huynh nên cố gắng dành thời gian, ít nhất 3 phút trò chuyện để khiến con thêm tin tưởng và có cảm giác được quan tâm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cùng trẻ làm việc nhà hay những bữa ăn đông đủ cũng giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoi-tuan-cua-con-bi-danh-cap-vi-bo-me-qua-ban-post1423688.html