Cuộc sống khủng khiếp của người ngâm ướp thi thể thời Ai Cập cổ đại

Ai đã một lần vào Nhà Chết và làm người ngâm ướp thi thể, người ấy hiếm khi rời khỏi đó để tránh sự chế giễu của mọi người; họ sống cả đời mình giữa các xác chết.

Là thầy thuốc, tôi từng nghĩ mình đã chứng kiến quá nhiều cái chết và sự đau đớn, đã dạn dày với mùi hôi thối, đã chọc chích ung nhọt và vết thương lở loét nhưng khi bắt đầu giúp việc trong Nhà Chết, tôi mới nhận thấy mình chỉ là đứa trẻ chưa biết gì.

Thực ra thi thể người nghèo không đòi hỏi nhiều công sức vì họ lặng lẽ yên nghỉ trong bể chứa đầy mùi chua ngạt của nước kiềm và muối và chẳng mấy chốc tôi đã học được cách dùng móc để dịch chuyển xác người, nhưng thi thể của người giàu cần nhiều kỹ năng và công đoạn hơn, như việc tẩy rửa nội tạng và nhét tất cả vào vò, buộc người làm nó phải có tính chai lì.

Amon cướp bóc của con người khi họ chết nhiều hơn khi họ còn sống và việc này đòi hỏi sự chai lì nhiều nhất, bởi mức giá lưu giữ thi thể thay đổi tùy theo mức độ giàu có của gia đình người chết và những người tẩm ướp thi thể dối gạt họ bằng việc liệt kê nhiều loại dầu, thuốc mỡ và chất bảo quản đắt tiền mà họ nói đã dùng, mặc dù tất cả đều chỉ là một loại dầu mè.

Chỉ thi thể của giới thượng lưu được tẩm ướp kỹ càng với tất cả các công đoạn, còn thường thì xác được tiêm dầu vào để làm cho nội tạng phân hủy, sau đó được nhồi bằng thân sậy đã ngâm trong nhựa cây. Nhưng thi thể người nghèo không được như thế, mà sau ba mươi ngày ngâm trong bể, người ta vớt ra cho khô rồi trao lại cho người thân.

Mặc dù Nhà Chết được các giáo sĩ giám quản, nhưng những người ngâm tẩm thi thể đã lấy đi những gì họ có thể lấy và coi đó là quyền của họ. Họ lấy cắp các loại thảo mộc và dầu xức, thuốc mỡ và khăn liệm đắt tiền để bán đi rồi lại lấy cắp những thứ đó thêm lần nữa, mà việc này các giáo sĩ không thể ngăn chặn được vì những người này thạo nghề và việc tìm người vào làm trong Nhà Chết không dễ.

Tranh mô phỏng quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại. Nguồn: baamboozle.

Chỉ những người bị thần linh nguyền rủa và kẻ phạm tội đang lẩn trốn chính quyền mới làm nghề này vì từ xa đã có thể nhận ra họ bởi mùi muối, mùi kiềm và mùi xác chết bám vào họ trong Nhà Chết, khiến họ bị mọi người tránh xa và không được phép vào quán rượu hay nhà vui.

Vì thấy tôi tự nguyện vào phụ giúp nên những người ngâm ướp thi thể nghĩ tôi cũng giống như họ nên không giấu tôi việc họ làm. Nếu chuyện xảy ra với tôi không tồi tệ như thế, hoặc còn hơn thế, chắc tôi sẽ hoảng sợ và chạy trốn khi thấy họ làm ô uế cả thi thể các quý tộc, cắt nhỏ thi thể rồi bán cho pháp sư những phần nào đó. Và nếu có một miền tây cực lạc như tôi hy vọng cho bố mẹ tôi, tôi tin rằng nhiều người chết sẽ hết sức ngạc nhiên khi nhận ra mình bắt đầu cuộc hành trình khó khăn như thế nào, mặc dù họ đã gửi vàng vào đền cho việc chôn cất mình.

Vì những người ngâm ướp bị kinh tởm quá đỗi, đến mức một gái điếm dù thấp hèn nhất cũng không nhận lời làm tình với họ dù được cho vàng. Trước đây khi nô lệ bị bán rẻ sau các cuộc chiến lớn, những người ngâm ướp xác cũng dành dụm tiền và mua phụ nữ nô lệ để tận hưởng lạc thú, nhưng cuộc sống ở Nhà Chết khủng khiếp đến mức bất cứ ai được mua về nơi đó, kể cả nô lệ, cũng bị mất trí, điên loạn và gây náo động khiến các giáo sĩ buộc phải cấm bán nô tỳ cho Nhà Chết. Từ đó, những người ngâm ướp xác tự nấu ăn, tự giặt quần áo. [...]

Ai đã một lần vào Nhà Chết và làm người ngâm ướp thi thể, người ấy hiếm khi rời khỏi đó để tránh sự chế giễu của mọi người; họ sống cả đời mình giữa các xác chết. Trong những ngày đầu, tôi coi tất cả họ là những người bị thần linh nguyền rủa và những lời chế nhạo làm ô uế các thi thể của họ khiến tai tôi kinh sợ.

Vào những ngày đầu, tôi chỉ thấy những người hèn hạ nhất và ghê tởm nhất này lấy việc sai khiến tôi làm niềm vui và giao cho tôi những công việc tồi tệ nhất, nhưng sau đó tôi phát hiện ra trong số những người ngâm ướp thi thể có những người thợ lành nghề mà kiến thức của họ là những điều được đúc kết và truyền lại từ những người thợ tốt nhất và họ coi việc mình làm là một nghề có giá trị lớn và quan trọng nhất trong tất cả các nghề.

Mỗi người trong số họ đều có chuyên môn và nhiệm vụ riêng như các danh y trong Nhà Sống, ví dụ người thứ nhất phụ trách đầu của người chết, người thứ hai phụ trách dạ dày, người thứ ba tim, người thứ tư phổi… cho đến khi tất cả các phần của cơ thể được lưu giữ trường tồn.

Mika Waltari / FirstNews - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-khung-khiep-trong-nha-chet-thoi-ai-cap-co-dai-post1422711.html