Cuộc gặp mặt xúc động sau 44 năm

Tấm ảnh 'Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất' do nhà báo Đinh Quang Thành chụp ngày 30.4.1975 đã hàng trăm lần được đăng tải trên các trang báo, tạp chí, sách ảnh và phát trên các sóng truyền hình trong và ngoài nước. Bức ảnh cũng đã từng nhận được giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Điều đặc biệt là sau 44 năm, tác giả bức ảnh và nhân vật mới có dịp hạnh ngộ.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) và những người lính tham gia đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30.4.1975.

Điều kiện hành quân gấp gáp, chụp xong bức ảnh, tác giả chỉ kịp hỏi: Các đồng chí ở đơn vị nào? Đáp: Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn III và tác giả nói với theo: Ảnh các đồng chí sẽ bay đi khắp thế giới, để rồi 44 năm sau một cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa tác giả và các nhân vật trong ảnh đã diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác phẩm “Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất” - tác giả Đinh Quang Thành.

Tấm ảnh “Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất” các chiến sĩ năm xưa đã được nhìn thấy trên báo, trên truyền hình, nhưng mãi gần đây trong cuộc họp mặt truyền thống của Sư đoàn 10, Quân đoàn III, nhờ có người mách bảo, nên anh Nguyễn Thế Liêm, một nhân vật trong ảnh đã tìm đến Văn phòng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nội để tìm thông tin về tác giả bức ảnh và từ đó các anh mới có được địa chỉ và số điện thoại để liên lạc. Thế rồi như đã hẹn, sớm ngày 14.4.2019 những người đồng đội năm xưa từ các tỉnh về gặp nhau tại đầu cầu Đông Trù, sau đó đi taxi đến phố Thạch Cầu, phường Long Biên, nơi nhà báo Đinh Quang Thành đang chờ đón khách quý tại tư gia.

Tác giả bức ảnh mời 4 nhà báo là bạn thân cùng đón tiếp khách quý, chính vì vậy mà tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp mặt đầy xúc động này. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm ấm áp, thân tình. Năm 1975, khi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả tác giả và các nhân vật trong ảnh còn đang tuổi thanh niên, giờ gặp lại nhau mái đầu đã bạc. Nhà báo Đinh Quang Thành nay đã ở tuổi 85, mái tóc bạc trắng, chỉ có giọng nói sang sảng và tiếng cười vẫn trẻ trung. Phòng khách của chủ nhà sáng hôm ấy rộn rã tiếng cười, ai cũng muốn kể về câu chuyện của 44 năm xa cách, của cuộc chiến đấu năm xưa, của khoảnh khắc lịch sử khi họ lao trong lửa đạn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và thật may mắn, khoảnh khắc đấy được ghi vào ống kính của nhà báo Đinh Quang Thành. Họ trở thành những nhân vật lịch sử trong một bức ảnh lịch sử.

Nhà báo Đinh Quang Thành kể lại, 44 năm trước, ông là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam được cử tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và sau đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông đã ghi lại hình ảnh các cuộc chiến đấu giải phóng Huế và các tỉnh Nam Trung Bộ. Từ sau chiến thắng Xuân Lộc, nhóm phóng viên của ông được Sư đoàn 304 đón vào nơi giấu quân của đơn vị trong đồn điền caosu ông Quế. Từ đây, ông hành quân cùng với mũi chủ công của Quân đoàn II gồm Lữ đoàn Tăng 203 và Trung đoàn 66 anh hùng của Sư đoàn 304, tham dự cuộc chiến đấu tại căn cứ Nước Trong. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở đầu vào lúc 18h00 ngày 26.4.1975. Nhà báo Đinh Quang Thành theo cánh quân tiến vào từ hướng đông Sài Gòn và kịp có mặt vào giây phút lịch sử, khi lá cờ Chiến thắng của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn lúc 11h30 trưa 30.4.1975.

Sau khi gửi phim ảnh vào trong R (tại Tây Ninh) để phát tin ảnh ra Hà Nội, nhà báo Đinh Quang Thành cùng với hai phóng viên ảnh Hứa Kiểm và Vũ Tạo của Phòng Thông tin quân sự biệt phái sang TTXVN có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau khi các chiến sĩ Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn III cắm lá cờ Quyết Thắng trên tầng cao Bộ Tư lệnh Không quân của chính quyền Sài Gòn. Cuộc chiến ở đây thật ác liệt. Trung đoàn bộ binh 24, Sư đoàn 10 của Quân đoàn III đánh địch tại ngã tư Trung Hiền suốt từ sáng tới gần trưa với xe tăng, pháo binh yểm trợ mới tràn được qua cổng số 5, tiến vào trong sân bay Tân Sơn Nhất, tiến đánh Bộ Tư lệnh Không quân địch, Trung tâm thông tin và các đơn vị bảo vệ đường băng, máy bay, các kho quân trang, quân dụng, các kho nhiên liệu, vũ khí... Nhà báo Đinh Quang Thành và các đồng nghiệp đã kịp ghi vào ống kính hình ảnh các chiến sĩ Quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất trong mịt mù lửa khói và ông đã có được tác phẩm “Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất” nổi tiếng.

Hôm được tin các chiến sĩ Trung đoàn 24 sẽ đến thăm, nhà báo Đinh Quang Thành đã tìm trong kho tư liệu của mình những tấm phim chụp năm xưa đưa đi phóng hơn 10 tấm ảnh lớn, trong đó có tấm ảnh phóng cỡ 60x90cm dành tặng các nhân vật trong ảnh năm xưa. Tất cả đều rất vui và xúc động. Các anh chỉ cho chúng tôi xem vị trí của từng người trong ảnh: Người chạy đầu tiên là anh Vũ Đình Cọ, nguyên Đại đội phó (quê Hải Dương), sau anh Cọ là liệt sĩ Nông Quang Bảo (dân tộc Tày, quê Tuyên Quang), anh đã hy sinh trong một trận đánh ở mặt trân Tây Nam năm 1978, người chạy thứ 3 trong ảnh là anh Ngô Văn Dẫu (quê Hải Dương) và người chạy thứ 4 là anh Nguyễn Thế Liêm (quê Tuyên Quang) cũng chính là người khơi mào cho cuộc gặp gỡ đầy xúc động này. Rất tiếc còn một nhân vật nữa, người chạy cuối cùng trong ảnh là anh Ngô Văn Minh, quê ở Cao Bằng, hiện đang sinh sống tại Đắk Lắk, xa quá không về được nên hẹn ở lần gặp năm tới. Trong cuộc gặp còn có anh Vũ Như Huấn (quê Thái Bình) anh không có mặt trên bức ảnh, nhưng lúc đó là Trung đội phó và cũng tham gia vào trận đánh ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30.4.1975.

Trưa đó, nhà báo Đinh Quang Thành đãi khách quý tại một nhà hàng nổi tiếng với các món ăn dân dã, đậm chất quê Bắc Bộ. Một buổi liên hoan ấm cúng, tràn đầy kỷ niệm, rộn rã tiếng cười. Ngày họ biết nhau, sức trẻ còn đang phơi phới, chẳng sợ gì hy sinh, không nề gian khổ, vậy mà nay tất cả đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng có nghe họ trò chuyện, vui cười mới thấy tất cả còn đang sung sức và tràn đầy nhựa sống.

Trước khi chia tay, tôi thấy nhà báo già cẩn thận lấy quyển sổ tay hỏi và ghi lại địa chỉ, số điện thoại của từng người để có dịp sẽ đến thăm nhà và họ cùng hẹn tái ngộ vào năm sau, đúng dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

ĐINH QUANG THÀNH - TIẾN DŨNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/cuoc-gap-mat-xuc-dong-sau-44-nam-730063.ldo