Cuộc đua tới ghế Chủ tịch VFF khóa VIII: Đã an bài!

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã được Ban Cán sự Đảng (Bộ VHTTDL) giới thiệu ứng cử ghế Chủ tịch VFF khóa VIII. Như vậy, nếu không có gì thay đổi phút chót, ông Hải sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng ở VFF, sau nhiều tháng tìm kiếm với những câu chuyện vui buồn ở tổ chức này.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải.

Nhiều người xin rút

Chiếc ghế Chủ tịch VFF khóa VIII từng tốn biết bao giấy mực của báo chí, và cả VFF cũng rất nhiều lần phải hoãn tổ chức đại hội vì những thay đổi ở danh sách ứng viên chủ chốt, thế nhưng giờ chỉ là cuộc đua “một mình một ngựa”.

Trước đó, ứng cử viên sáng giá nhất là Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn bất ngờ rút lui. Sau cuộc họp sáng 31-7 của BCH Đảng ủy Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng. Việc ông Tuấn bị khiển trách do vi phạm công tác sinh hoạt Đảng, không tổ chức và sinh hoạt thường kỳ đầy đủ theo điều lệ.

Theo giải trình từ chi bộ VFF, lý do ông Tuấn không duy trì sinh hoạt Đảng đầy đủ là do trong năm VFF bận quá nhiều công việc như tổ chức, thi đấu trong nước và nước ngoài, các hoạt động quan hệ quốc tế... Vì chịu hình thức kỷ luật khiển trách nên ông Trần Quốc Tuấn chỉ có thể ứng cử vị trí Phó Chủ tịch chuyên môn, một khi Bộ VHTTDL chấp thuận.

Sau ông Trần Quốc Tuấn, đến lượt ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cũng xin rút lui. Ông Cấn Văn Nghĩa nói rằng VFF trong suốt nhiệm kỳ VII và thời gian vừa qua đã xảy ra quá nhiều tồn tại, bất cập. Đại hội VFF khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022 nhất thiết phải có một đồng chí lãnh đạo Bộ VHTTDL ra đảm trách chức Chủ tịch VFF.

Hôm qua, nguyên Phó Chủ tịch công ty PVF Nguyễn Công Khế cũng có quyết định không chạy đua tới ghế chủ tịch VFF, và cả ghế Phó chủ tịch phụ trách truyền thông, tại Đại hội VFF khóa VIII.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Khế cho biết lý do việc rút lui này là vì ông không có nhiều thời gian để đóng góp cho VFF: “Thời điểm hiện tại, tôi cam kết sẽ tiếp tục dồn công sức cho các giải trẻ (U21, U19) và công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Tôi đến với bóng đá không vụ lợi, đồng thời tôi được đề cử vào vai trò chủ tịch VFF chứ không phải tôi là người đi xin việc. Hiện tại, Bộ VHTTDL đã đề cử Thứ trưởng Lê Khánh Hải vào danh sách ứng viên chủ tịch VFF, điều đó ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ dành cho bóng đá Việt Nam, đó là điều rất tốt”.

Trong khi đó, cũng có thông tin ông Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học TDTT TPHCM) cũng đã xin rút lui. Hiện trong số các ứng viên từng công bố, chỉ còn duy nhất ứng viên mới được Bộ VHTTDL giới thiệu là Thứ trưởng Lê Khánh Hải.

Có tốt cho bóng đá?

Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình cho biết: “Bộ VHTTDL đã họp, cân nhắc với mọi trách nhiệm, bởi bóng đá rất quan trọng trong mảng thể thao. Bóng đá được người hâm mộ quan tâm đặc biệt. Bộ thống nhất giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham gia ứng cử vào vị trí Chủ tịch VFF khóa VIII. Để hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định, chiều nay, sau nghị quyết của ban cán sự đảng bộ, Bộ sẽ làm đầy đủ các thủ tục, giới thiệu lãnh đạo Bộ tham gia vào tổ chức xã hội nghề nghiệp VFF”.

Người phát ngôn của Bộ nhấn mạnh: “Người đứng đầu tổ chức xã hội nghề nghiệp phải đủ uy tín để lãnh đạo, dẫn dắt, hoàn thành tốt sứ mệnh mà họ được giao phó. Những ai có trách nhiệm rất cao mới dám nhận lời đảm đương vị trí đứng đầu tổ chức xã hội.

Làm Chủ tịch VFF thực sự khó khăn, vất vả vô cùng. Ví dụ như áp lực về tài chính, phải là những người có uy tín mới huy động được. Phải là người có trách nhiệm với xã hội cao mới dám đảm đương, nhận trọng trách đứng đầu tổ chức xã hội. Vị trí đó giống như người vác tù và hàng tổng”.

Trước những ý kiến cho rằng Thứ trưởng Lê Khánh Hải sẽ phải lo cũng một lúc nhiều công việc dấn đến không tập trung cao nhất cho mảng bóng đá, người phát ngôn của Bộ nói: “Cương vị nào thì Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trước Chính phủ, nhân dân.

Khi Ban cán sự đảng Bộ VHTTDL giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải, thì đây là sự thể hiện trách nhiệm rất cao của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với bóng đá Việt Nam. Nếu trúng cử, cũng là điều rất tốt cho bóng đá”.

Như vậy là với việc Thứ trưởng Lê Khánh Hải ra tranh cử ghế Chủ tịch VFF, cuộc đua tới chiếc ghế nóng này xem như đã ngã ngũ. Kể từ khi được thành lập, VFF đã trải qua 7 đời chủ tịch. Sự xuất hiện của những người đứng đầu VFF này, cũng gắn liền với nhiều thăng trầm cùng bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, đã có những vị Chủ tịch ghi được dấu ấn của mình, nhưng không phải ai cũng thành công, thậm chí là thất bại, nhận nhiều chỉ trích của báo chí và dư luận.

Có một điều đáng chú ý là tưởng như một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF nếu Chủ tịch là một doanh nhân sẽ đúng với mô hình thế giới, đúng với xu thế phát triển, và rõ ràng có nhiều điều kiện thuận lợi trong mọi hoạt động.

Tuy nhiên, thất bại của vị doanh nhân đầu tiên ngồi ghế Chủ tịch VFF khóa VII là ông Lê Hùng Dũng, khiến bóng đá Việt Nam quay trở lại với mô hình công chức lãnh đạo làm Chủ tịch.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bong-da/cuoc-dua-toi-ghe-chu-tich-vff-khoa-viii-da-an-bai-tintuc411789