Cuộc đời của Tom Thumb: Từ cậu bé tí hon đến huyền thoại sân khấu - Kỳ 1

Tom Thumb, tên thật là Charles Stratton, đã biểu diễn vòng quanh thế giới cùng ông bầu P.T. Barnum và được khoảng 50 triệu người xem trước khi qua đời năm 1883.

Theo trang bbc.com, Tom Thumb chỉ cao khoảng 1 mét, nhưng ông đã tạo nên một dấu ấn to lớn trong vai trò nghệ sĩ trình diễn vào thế kỷ 19 dưới sự quảng bá của P.T. Barnum. Ông từng biểu diễn trước Nữ hoàng Anh và Tổng thống Mỹ, thu hút đám đông hâm mộ và khi qua đời đột ngột ở tuổi 45, khoảng 20.000 người đã đến tiễn đưa ông.

Kỳ 1: Từ Charles Stratton trở thành Tom Thumb

Charles Stratton chào đời ngày 4/1/1838 tại Bridgeport (bang Connecticut, Mỹ), trong một gia đình có chiều cao bình thường. Ban đầu, điều đặc biệt duy nhất là cậu là một đứa trẻ sơ sinh to lớn, nặng 4 kg khi chào đời nhưng khi được sáu tháng tuổi thì cậu ngừng phát triển.

Tướng Tom Thumb, tên thật là Charles Stratton. Ảnh: Alamy

Tướng Tom Thumb, tên thật là Charles Stratton. Ảnh: Alamy

Bốn năm sau đó, vào mùa đông năm 1842, ông bầu huyền thoại P.T. Barnum đi qua thị trấn Bridgeport. Ông nghe kể về cậu bé đã nhiều năm không lớn và ông rất muốn gặp Stratton. Khi ấy, Stratton chỉ nặng 7 kg và cao khoảng 63 cm.

Năm 1842, ông Barnum vừa mở cửa Bảo tàng Mỹ của mình ở New York và đang tìm kiếm nhân vật mới cho khu “Phòng trưng bày dị nhân sống”, nơi đã có các nghệ sĩ trình diễn tự nhận là “ăn thịt người” hay “người khổng lồ”. Stratton được xem là bổ sung hoàn hảo trong bối cảnh các buổi biểu diễn “dị nhân” ở New York của ông đang ngày càng nổi tiếng.

Ông Lord Grade, người giới thiệu bộ phim tài liệu về cuộc đời Tom Thumb, nói: “Thời đó công chúng rất say mê các hiện tượng kỳ lạ. Từ những người đầy lông được gán là người ăn thịt người, đến những người khổng lồ và người lùn, ông Barnum mang đến cho công chúng cơ hội chiêm ngưỡng họ trong ‘Phòng trưng bày dị nhân sống’. Không ai đặt câu hỏi về việc những buổi biểu diễn kiểu này có thích hợp hay không. Bạn phải nhớ rằng ‘dị nhân’ khi đó là ngành kinh doanh lớn và có thể kiếm tiền rất nhanh”. Ngày nay, người ta phải cân nhắc liệu “dị nhân” có thật sự đồng ý tham gia chương trình hay không, nhưng vào thời điểm đó, đây là công việc hấp dẫn đối với nhiều người có cơ thể dị dạng, thường bị xã hội ruồng bỏ và sống trong cảnh nghèo đói do không có việc làm.

Cha mẹ của Stratton coi đây là cơ hội và đồng ý ngay khi ông Barnum đề nghị trả 3 USD/tuần (tương đương hơn 100 USD hiện nay) để đưa con trai đi biểu diễn. Cậu bé được thử việc trong một tháng tại Bảo tàng Mỹ của ông Barnum ở New York và được xếp vào vị trí trung tâm trong dàn nghệ sĩ.

Ông Barnum có kế hoạch lớn dành cho Stratton. Ông đặt may trang phục và giày ống riêng, sáng tác các màn hài hước, nói rằng cậu bé là người Anh và tuyên bố cậu đã 11 tuổi để tránh bị cáo buộc chỉ đang trưng bày một đứa trẻ hơi nhỏ con. Quan trọng nhất, ông Barnum đổi tên cậu bé thành “Tướng Tom Thumb” theo tên nhân vật trong truyện dân gian Anh. Theo Giáo sư Eric D. Lehman, tác giả cuốn Becoming Tom Thumb (tạm dịch: Trở thành Tom Thumb), đó là một nước đi tiếp thị thiên tài và giới truyền thông lập tức “cắn câu”. Danh hiệu “Tướng” là cách điển hình để nâng tầm ngôi sao, giống như “Hoàng tử”, “Madonna”, hay “Bá tước Basie”.

Tom Thumb và ông bầu P.T. Barnum năm 1850. Ảnh: Thư viện Chân dung Quốc gia

Tom Thumb và ông bầu P.T. Barnum năm 1850. Ảnh: Thư viện Chân dung Quốc gia

Giới truyền thông cũng như ông Barnum, không quan tâm đến vấn đề bóc lột. Một tờ báo viết: “Tướng Tom Thumb Jr., người lùn, là sinh vật kỳ diệu nhất từng khiến thế giới kinh ngạc. Ý tưởng về một quý ông trẻ 11 tuổi nhưng nhẹ hơn một đứa bé sáu tháng tuổi quả thật rất đáng kinh ngạc”.

Không lâu sau, Stratton bắt đầu thu hút đám đông và lời đồn về người đàn ông nhỏ nhất thế giới lan rộng. Khán giả đến xem Tom Thumb và các nghệ sĩ khác trong bảo tàng vì tò mò đối với các “dị nhân”, nhưng Stratton nhanh chóng vụt sáng vì cậu không chỉ là một người nhỏ bé.

Là một nghệ sĩ biểu diễn, ca sĩ và vũ công tài năng với khả năng hài kịch tuyệt vời, Stratton thường hóa thân thành các nhân vật như Napoleon Bonaparte, thần tình yêu Cupid và nhiều vai diễn khác. Các màn ca hát, diễn hài của cậu khiến cả khán giả và báo chí say mê.

Mục tiêu tiếp theo của ông Barnum là biến Stratton thành ngôi sao quốc tế và thủ đô London của Anh là điểm đến lý tưởng. Đó là một bước đi táo bạo vì hai quốc gia mới chiến tranh cách đó 30 năm và nhiều người dân ở thủ đô London tự hào vì mình lịch thiệp, trang nhã hơn người Mỹ. Có lo ngại rằng người dân London sẽ cho rằng việc để người lùn biểu diễn là hành vi thô tục.

Tom Thumb trong trang phục của Napoleon I. Ảnh: Getty Images

Tom Thumb trong trang phục của Napoleon I. Ảnh: Getty Images

Ban đầu, phản ứng của công chúng khá lạnh nhạt, nhưng với tài quảng bá vốn có, ông Barnum đã xoay chuyển tình thế và nhanh chóng hiểu ra tầm quan trọng của địa vị giai cấp ở Anh cũng như cách tiếp thị Stratton tới tầng lớp thượng lưu. Sự bảo trợ từ giới quý tộc nhanh chóng giúp cậu bé trở nên nổi tiếng. Từ hiệp sĩ đến bá tước, rồi đến công tước, cho đến khi họ nhận được lời mời trực tiếp từ Nữ hoàng Victoria tới Cung điện Buckingham.

“Chào buổi tối quý bà và quý ông”, đó là lời chào của Stratton khi cậu mới sáu tuổi trước hoàng gia Anh. Cách chào này không hẳn phù hợp với nghi thức mà Nữ hoàng Victoria quen thuộc. Với phong thái của một nghệ sĩ biểu diễn, Tom Thumb bắt đầu màn trình diễn bằng những bài hát tinh nghịch và mô phỏng giọng nói của người khác. Khi đó, hoàng gia đang trong thời kỳ để tang cha của Hoàng thân Albert, vì vậy đây là một chiêu mạo hiểm.

Nhưng không ai đuổi họ ra ngoài. Và khi rời khỏi sân khấu, ông Barnum vốn đã được hướng dẫn kỹ lưỡng về nghi lễ là không được quay lưng lại với hoàng gia nên ông bước lùi ra khỏi phòng. Stratton cố gắng đi theo nhưng đôi chân bé nhỏ không theo kịp, cậu cứ phải quay người lại chạy, rồi dừng lại cúi chào lần nữa, rồi lại chạy tiếp. Điều đó khiến chú chó của hoàng gia, cao ngang cậu bé, sủa ầm lên. Với bản năng nghệ sĩ, Stratton rút thanh kiếm nhỏ xíu mang tính nghi lễ ra và giả vờ đấu kiếm với con chó. Cả hoàng gia bật cười, Nữ hoàng Victoria cũng rất thích thú và họ được mời trở lại Cung điện.

Chính ông Barnum đã mô tả buổi biểu diễn trước Nữ hoàng Victoria tại Cung điện Buckingham như sau: “Nữ hoàng và hoàng gia đứng ở đầu phòng khi cánh cửa mở ra và Tom Thumb bước vào, trông như một con búp bê sáp có thể chuyển động. Gương mặt các thành viên hoàng gia hiện rõ vẻ ngạc nhiên và thích thú khi thấy nhân vật phi thường này còn nhỏ bé hơn họ tưởng.
Tom Thumb tiến lại gần một cách vững vàng, cúi chào duyên dáng và nói: ‘Chào buổi tối, các quý bà và quý ông!’. Cả căn phòng bật cười. Nữ hoàng sau đó nắm tay ông, dẫn đi dạo trong phòng và hỏi nhiều câu hỏi, các câu trả lời khiến mọi người cười suốt không ngớt”.

Sau đó, ông Barnum và Tom Thumb còn thực hiện chuyến lưu diễn ba năm vòng quanh châu Âu, gặp gỡ Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha và Vua Louis Philippe của Pháp trước khi Stratton tròn 10 tuổi. Dù đến đâu, cậu cũng có đám đông cuồng nhiệt vây kín. Phụ nữ xếp hàng dài quanh phố chỉ để được hôn cậu bé và theo lời ông Lord Grade, đã có những người chồng “phát điên vì ghen tuông”.

Dù chuyến lưu diễn châu Âu vô cùng thành công, nhưng những ngày biểu diễn của Charles Stratton vẫn còn lâu mới kết thúc.

Đón đọc kỳ cuối: Đám cưới nổi tiếng của Tom Thumb và Lavinia Warren

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-doi-cua-tom-thumb-tu-cau-be-ti-hon-den-huyen-thoai-san-khau-ky-1-20250504220343080.htm