Cuộc chiến quần đùi nơi công sở

Nhiều nhân viên Mỹ ủng hộ việc mặc quần short để thoải mái hơn, song vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng phong cách này không phù hợp với môi trường công sở.

 Một số người cho rằng "văn hóa" quần short nơi công sở là dấu hiệu một xã hội xuống cấp. Ảnh minh họa: Phil Oh.

Một số người cho rằng "văn hóa" quần short nơi công sở là dấu hiệu một xã hội xuống cấp. Ảnh minh họa: Phil Oh.

Xu hướng mặc quần short đến công sở đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong những đợt nắng nóng kéo dài.

"Nếu ngoài trời 36 độ C, chúng ta nên ưu tiên sự thoải mái của mọi người", Chris Barca (33 tuổi), Giám đốc Truyền thông của Queens (New York, Mỹ), nói. Anh đã mặc quần ngắn đến đầu gối khi đi làm từ mùa hè năm ngoái. Mùa hè năm nay, anh cũng mặc thêm vài lần.

Tuy nhiên, đồng nghiệp của Barca lại không đồng tình với quan điểm trên, cho rằng việc mặc quần short đến công sở là không chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng.

Cuộc tranh luận về quần đùi nơi công sở không chỉ diễn ra trong văn phòng, mà còn lan rộng trên mạng xã hội. Khác với Barca, nhiều người cho rằng trang phục này chỉ nên mặc ở nhà hoặc khi đi chơi, chứ không phải ở nơi làm việc, theo The Wall Street Journal.

Nhiều người cho rằng mặc quần đùi đến văn phòng là thiếu tôn trọng, đặc biệt là khi gặp gỡ khách hàng hoặc đối tác quan trọng. Ảnh minh họa: Evan Angelastro.

Nhiều người cho rằng mặc quần đùi đến văn phòng là thiếu tôn trọng, đặc biệt là khi gặp gỡ khách hàng hoặc đối tác quan trọng. Ảnh minh họa: Evan Angelastro.

Các thương hiệu thời trang cao cấp và bán lẻ phổ thông, như Banana Republic và Loft, cũng nắm bắt cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh xu hướng quần short cho giới văn phòng. Tạp chí VogueGQ đều đăng tải các bài viết về quần đùi công sở, coi đây là xu hướng mới trong mùa hè.

"Trừ khi bạn là nhân viên cứu hộ, hoặc làm việc quanh bể bơi hoặc bãi biển, tôi cảm thấy mặc quần short là không phù hợp", Tim Gunn, tác giả và học giả thời trang nổi tiếng, không đồng tình với xu hướng này.

Đồng dẫn chương trình Project Runway không quan tâm nếu kiểu quần này được "may đo" hay "lịch sự". Với ông, "chúng vẫn là quần ngắn". Lập luận về sự thoải mái cũng không thuyết phục được Gunn.

"Văn phòng đã có điều hòa, vậy thì lý do nhiệt độ đâu còn ý nghĩa nữa?", ông nói. Theo ông, quần áo là vẻ ngoài thể hiện sự tôn trọng với đối phương, đặc biệt khi gặp sếp, ông cho rằng nhân viên hãy "ra ngoài làm việc và ăn mặc chỉn chu".

 Kể cả khi được sếp cho phép, vẫn cảm thấy không phù hợp khi diện quần short đến công sở. Ảnh minh họa: @lehatruc/IG.

Kể cả khi được sếp cho phép, vẫn cảm thấy không phù hợp khi diện quần short đến công sở. Ảnh minh họa: @lehatruc/IG.

Xu hướng đồ công sở thoải mái

Phong cách ăn mặc "business casual" (tạm dịch: thoải mái nhưng vẫn lịch sự) trở nên phổ biến hơn trước đại dịch. Sau khi văn hóa làm việc từ xa lên ngôi, nhiều công ty đã bỏ hẳn quy định, cho phép nhân viên tự quyết định trang phục.

Tom Jessop (46 tuổi), cố vấn cấp cao về cho vay thế chấp tại New American Funding (California, Mỹ), bắt đầu mặc quần short đến văn phòng vào một vài ngày hè sau đại dịch.

Đồ đi làm của Jessop phụ thuộc vào lịch trình, nếu có cuộc họp với khách hàng, anh sẽ mặc quần dài.

"Ít nhất là tôi mặc áo polo hoặc áo phông đẹp ở phần trên, chứ không phải thứ gì đó luộm thuộm", anh nói.

Theo một khảo sát của Harris Poll do Express Employment Professionals, công ty nhân sự, ủy quyền thực hiện, số lượng nhà quản lý tuyển dụng ở Mỹ cho rằng việc có quy định về trang phục là quan trọng đã giảm xuống 31%, từ 49% 5 năm trước đó.

Trong một khảo sát khác với hơn 1.000 người Mỹ trưởng thành, khoảng 1/3 người lao động cho biết việc tuân thủ quy định về trang phục là quan trọng, giảm từ gần 2/4 3 năm trước.

Gabriella Garcia (27 tuổi) bắt đầu mặc quần short đến công ty tiếp thị ở New Jersey (Mỹ) vào những ngày nóng trong năm nay. Kiểu quần cô mặc giống như một chiếc váy.

Văn phòng của Garcia có quy định trang phục công sở không cho phép mặc kiểu quần này, nhưng Gen Z cho biết cách cô kết hợp quần ngắn đến giữa đùi, kết hợp với áo sơ mi linen cài nút và dép sandal lịch sự, không vi phạm quy định. Phòng nhân sự cũng không gọi cô vào để chất vấn.

 Các stylist gợi ý phụ nữ nên chọn quần short dài được may đo tỉ mỉ để mặc đi làm. Ảnh minh họa: @gabriellapgarcia/IG.

Các stylist gợi ý phụ nữ nên chọn quần short dài được may đo tỉ mỉ để mặc đi làm. Ảnh minh họa: @gabriellapgarcia/IG.

Thoải mái nhưng vẫn phải lịch sự

Theo các chuyên gia nhân sự, quần short công sở đang là vấn đề gây tranh cãi. Hiện nay có những loại quần ngắn cỡ đùi lịch sự cho phụ nữ, có thể kết hợp với áo blazer, mặc lên trông giống như một bộ vest.

"Vậy liệu điều đó có được chấp nhận hơn một người đàn ông mặc quần đùi không?", Robyn Hopper, cố vấn kiến thức tại SHRM, nhóm thương mại dành cho các chuyên gia nhân sự, đặt câu hỏi.

Một số nhân viên, mặc dù được phép mặc quần soóc, vẫn cảm thấy không thoải mái và cho rằng điều này không phù hợp.

"Tôi vẫn cảm thấy như thể tôi không được phép làm điều đó", Rachel Sheets, giám đốc phát triển tại một tổ chức phi lợi nhuận, chia sẻ.

Môi trường làm việc của Sheets khá thoải mái, cho phép cả nam và nữ mặc kiểu quần này. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt trong cách ăn mặc giữa sếp và nhân viên, khiến cô cảm thấy kỳ lạ.

Naina Singla, stylist cá nhân, khuyên phụ nữ làm việc ở văn phòng chọn những kiểu quần lửng, được may đo để trông lịch sự và tránh họa tiết sặc sỡ.

Đối với nam giới, Julie Rath, Chủ tịch của Rath & Co. Men's Style Consulting, khuyên không nên mặc quần đùi thể thao, quần cargo và quần có độ dài ngắn hơn 3 cm trên đầu gối.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-chien-quan-dui-noi-cong-so-post1490165.html