Cuộc chiến chống 'virus kỳ thị' - những chuyển biến mới

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 tạo nên một bước chuyển mới cho thấy Chính quyền Mỹ đang nỗ lực hành động nhằm bảo vệ cộng đồng người gốc Á.

Lực lượng tuyến đầu gốc Á cũng trở thành đối tượng bị kỳ thị

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, vấn đề kỳ thị người gốc Á ngày càng gia tăng ở các nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Rất nhiều vụ hành hung, tấn công người gốc Á đã xảy ra trên đất Mỹ với cáo buộc rằng nguồn gốc của dịch bệnh là từ Trung Quốc. Mặc dù chưa có bằng chứng cũng như sự khẳng định của các cơ quan, tổ chức, nhưng phong trào kỳ thị người gốc Á đã lan ra như một thứ virus vô hình, tác động mạnh tới cuộc sống của cộng đồng người gốc Á ở phương Tây.

Ngay cả những nhân viên y tế gốc Á – lực lượng được coi là tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 - cũng trở thành nạn nhân của thứ virus kỳ thị này

Sinh viên y khoa Natty Jumreornvong gốc Thái Lan, đang học tại Trường Y Icahn, không tránh khỏi ánh mắt kỳ thị của nhiều người. Mặc dù cô đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và thường tiếp xúc với bệnh nhân thông qua những bộ đồ bảo hộ kín mít, nhưng nhiều người vẫn có những lời lẽ và hành động xúc phạm cô như nhổ nước bọt về phía cô và nói cô hãy quay trở về Trung Quốc.

Nhân viên y tế gốc Á viết biểu ngữ xuống đường phản đối sự kỳ thị

Cô Jumreornvong kể về ngày 15/2, khi bị một người đàn ông tấn công. Hắn gọi cô là “virus Trung Quốc”, lấy điện thoại và kéo cô trên vỉa hè. Cô Jumreornvong đã báo cáo vụ tấn công cho cảnh sát, đến nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Đối với rất nhiều nhân viên y tế gốc Á, “có vẻ như chúng ta cùng một lúc phải chiến đấu trên nhiều trận tuyến- không chỉ là cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, mà còn cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc,” cô Jumreornvong bày tỏ quan điểm.

Tiến sĩ Michelle Lee, một bác sĩ X quang đang sống tại New York cho biết: “Mọi người trong cộng đồng của tôi đáng ta là những người anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trở trêu thay, chúng tôi lại trở thành vật tế thần,”. TS Lee đã tập hợp 100 nhân viên y tế mặc áo khoác trắng vào tháng 3 để lên án các cuộc tấn công nhằm vào người gốc Á.

Tiến sĩ Lee nói: “Chúng tôi không mang đến cho bạn virus, chúng tôi là những người đang giúp các bạn chống lại virus đó."

Người gốc Châu Á chiếm khoảng 6- 8% dân số Mỹ, trong đó có một tỷ lệ lớn những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo một thống kê liên bang, trong số những người làm trong lĩnh vực y tế gốc châu Á, khoảng 20% bác sĩ và dược sĩ thường và 12 - 15% là bác sĩ phẫu thuật, còn lại là các chuyên gia trị liệu hoặc trợ lý bác sĩ.

Trước đại dịch, các nghiên cứu cho thấy, 31- 50% bác sĩ gốc Á chịu sự phân biệt đối xử trong công việc như bệnh nhân từ chối sự chăm sóc của họ, hoặc bản thân bác sĩ gốc Á khó khăn trong việc tìm người hỗ trợ.

Trong thời kỳ đại dịch, cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” và điều này càng khoét sâu sự kỳ thị tại xứ sở cờ hoa.

Tuần hành phản đối kỳ thị người gốc Á

Theo báo cáo của cảnh sát, tội phạm chống người gốc Á tại 26 thành phố và quận của Mỹ đã tăng 146% trong năm ngoái. Một báo cáo của Stop Asian American Pacific Islander Hate (Stop AAPI Hate-tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á) cũng cho biết, trong một năm qua, tổ chức này đã tiếp nhận hơn 6.600 đơn khiếu nại về các hành vi thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á. Gần 2/3 trong số đó nhắm đối tượng là phụ nữ. Các hình thức kỳ thị gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.

Tiến sĩ Amy Zhang, một bác sĩ chuyên khoa gây mê tại các Bệnh viện của Đại học Washington, sự leo thang tội phạm “khiến phân biệt chủng tộc đáng sợ hơn rất nhiều so với virus. Đó là một nỗi sợ hãi thường trực. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ trở thành mục tiêu, ”cô Zhang nói.

Thời kỳ đầu của đại dịch, cô phải đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Cô Zhang- là cn gái của một gia đình nhập cư Trung Quốc cho biết: “Tôi đã vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo đói, theo đuổi giấc mơ Mỹ, tôi luôn phải làm việc trong điều kiện căng thẳng, nhưng luôn chịu sự phân biệt chủng tộc”.

Nỗ lực đảm bảo an toàn, xóa bỏ virus kỳ thị ở Mỹ

Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các nỗ lực của chính quyền Washington nhằm bảo vệ cộng đồng người gốc Á. Dự luật này đã được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua.

Dự luật đã lên án các hành vi phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng người gốc châu Á tại Mỹ, đồng thời quy định thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xem xét những đánh giá về nguy cơ hành vi tội ác đối với người gốc Á có liên quan đến đại dịch COVID-19. Dự luật cũng đưa ra hướng dẫn và cung cấp nguồn tài trợ cho các bang để tạo đường dây nóng báo cáo về tội ác thù hận, đào tạo cơ quan thực thi pháp luật cách ngăn chặn và xác định tội phạm có hành vi thù địch người gốc Á, mở rộng các chiến dịch giáo dục công chúng và kiểm soát những ngôn từ kỳ thị khi nói về đại dịch.

Dự luật chống thù hận nhằm vào người gốc Á được xem là công cụ hữu hiệu có thể giúp kiểm soát loại "virus" mang tên kỳ thị hay thù ghét người gốc Á đang lan nhanh tại quốc gia này….

Hải Yến

(Theo AP, Reuters)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuoc-chien-chong-virus-ky-thi-nhung-chuyen-bien-moi-n193107.html