Cuộc chiến Bắc Cực từ sân bay nổi ngoài khơi Alaska

Liên Xô đã từng tạo ra một sân bay nổi đầu tiên trên thế giới ở ngoài khơi bờ biển Alaska.

Trên bản đồ chỉ rõ các tuyến bay đến cực Bắc dưới sự chỉ đạo của O. Yu. Schmidt và sự trôi dạt của trạm “Bắc Cực”.

Ngày 2 tháng 4 năm 1950, gần 70 năm trước, ở phía bắc eo biển Bering ngoài khơi (trên thực tế gần bờ biển Hoa Kỳ), trạm Bắc Cực-2 (SP-2) đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Cực Bắc của mình.

Trong một thời gian dài, không ai hay biết gì về cuộc thám hiểm khoa học này trong lịch sử nghiên cứu về Bắc Cực và Nam Cực của Liên Xô mà chỉ có một vài mẩu thông tin bị rò rỉ trên báo chí.

Ngay cả trong danh sách, việc đánh số thứ tự các trạm thuộc "SP-2" cũng không được báo cáo trong các tài liệu.

Mãi tới thời kỳ hậu Xô Viết, thông tin về “SP-2” mới được công chúng biết đến một cách công khai.

Đáng chú ý là ngay cả hiện nay, trên Wikipedia, trạm cực này chỉ được nói đến qua một đoạn thông tin ngắn cùng với danh sách các thành viên của đoàn thám hiểm mà không hề đề cập đến các chuyên gia khác đã ghé thăm “SP-2”. Tại sao lại phải giữ bí mật như vậy?

Chỉ huy đoàn thám hiểm "Bắc Cực 1" cùng các phi công (từ trái sang phải): I. T. Spirin, M. I. Shevelev, M. S. Babushkin, O. Yu. Shmidt, M. V. Vodopyanov, A. D. Alekseev, V S. Molokov

Tháng 8 năm 1945, Mỹ thả hai quả bom hạt nhân xuống hai thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Điều này rõ ràng được thực hiện với một mục đích duy nhất là răn đe Liên Xô bằng một loại vũ khí siêu hủy diệt mới.

Do đó, ngay khi Thế chiến II kết thúc, Liên Xô đã buộc phải dùng đến các biện pháp phòng ngừa - tụ nhóm lực lượng vũ trang tại các vùng tiếp cận gần nhất với biên giới Mỹ để chống lại sự xâm lược. Và Chukotka là một khu vực thuộc đất Liên Xô, chỉ cách Hoa Kỳ có 86 km.

Chính tại Chukotka, vào ngày 14 tháng 9 năm 1945, trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng Dân ủy Liên Xô, Stalin đã ra lệnh phải tạo ra một nắm đấm quân sự mạnh mẽ. Bài phát biểu Fulton của Winston Churchill cũng là nhằm thúc đẩy công việc chuẩn bị này.

Vì vậy, cùng lúc đó, người ta quyết định bí mật xây dựng gần Alaska một số sân bay quân sự bàn đạp cho các loại máy bay vận tải và máy bay ném bom chiến lược hạng nặng mới Tu-4.

Một số sân bay được xây dựng ở Chukotka, vậy còn những sân bay khác nằm ở đâu?

Máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-4

Kinh nghiệm của các nhà thám hiểm vùng cực trong cuộc thám hiểm đầu tiên của Liên Xô “Bắc Cực-1”, năm 1937, cũng như những bài học rút ra từ vụ cứu hộ chiếc tàu “Treliuskin” bị băng phá hủy, năm 1934, đã hỗ trợ nhiều cho các nhà quân sự.

Khi đó, các máy bay sơ tán người đã hạ cánh ngay trên băng. Và những tảng băng dày có chiều rộng nhiều km hoàn toàn phù hợp với điều kiện cho máy bay lên xuống.

Ở đây, cần phải nói rõ là băng ở Bắc Băng Dương có độ dày khoảng 3-4 mét. Đôi khi, có chỗ băng dày tới 5-7 m. Tuy nhiên, như các nhà thám hiểm vùng cực có kinh nghiệm cho biết, tuy rất hiếm, nhưng vẫn có những hòn đảo băng dài rộng hàng chục km, có lớp băng hình thành từ nhiều năm, đôi khi dày tới 30 mét!

Đầu tiên, người ta tìm kiếm những đảo băng như vậy. Theo quy ước, máy bay vận tải quân sự Liên Xô Li-2 cất cánh để trinh sát và nếu từ trên không, các phi công nhận thấy những nơi có thể sử dụng để cất và hạ cánh cho các máy bay hạng nặng thì họ sẽ lập tức hạ cánh trên tảng băng đó.

Còn tiếp theo sau là công việc của bộ phận kỹ thuật: họ sẽ gọi bộ đàm cho một máy bay vận tải khác, chở theo vài chiếc xe chạy mọi địa hình được trang bị máy xúc, máy ủi, dọn băng để làm đường lên xuống cho máy bay.

Và thế là một sân bay quân sự bí mật đã được tạo ra. Tiếp đó, các máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và các loại thiết bị bay khác được điều đến. Và, tất nhiên, trong đó có cả các máy bay mang bom nguyên tử nhắm đến New York, Washington và các thành phố khác của Hoa Kỳ (trong trường hợp bắt đầu Thế chiến thứ ba).

Căn cứ không quân chính – hay nói cách khác là chỉ huy sở của các sân bay trên băng, chính là căn cứ đặt trạm “SP-2”. Từ nơi đây, người ta đã lên kế hoạch để tiến hành tất cả việc kiểm soát và phối hợp của cuộc tấn công hạt nhân sắp tới.

Để phục vụ cho mục đích này, một tảng băng phù hợp với diện tích hơn 7 km2 (3 x 2,4 km) đã được lựa chọn. Sau này, người ta lên kế hoạch để tìm một tảng băng lớn hơn. Và Viktor Perov, một phi công từng chiến đấu ngoài mặt trận đã tìm ra tảng băng đó.

Viktor Mikhailovich đã tìm được một hòn đảo băng với diện tích gần 100 km2 (chính xác là 97,5 km2): rộng 6,5 km và dài 15 km!

Trong ảnh: máy bay Li-2 (Ảnh: Shogin Alexander / TASS)

Vào thời điểm đó, “SP-2” đã không còn tồn tại và trung tâm điều phối các chuyến bay của máy bay chở bom nguyên tử đã được chuyển đến một nơi khác.

Hòn đảo băng khổng lồ này ngay lập tức bị người Mỹ "chiếm đóng". Hoa Kỳ đã cử ngay một đoàn thám hiểm "hòa bình" gồm các nhà “đại dương học”, “khí tượng học”, “địa vật lý” và các “chuyên gia hàng không”, các chuyên gia quân sự khác chuyên nghiên cứu về vùng cực dưới sự quản lý của Không quân Hoa Kỳ

Mỹ đã tạo ra trạm "T-3" của riêng họ. Còn cuộc thám hiểm trên băng bắt đầu vào năm 1952, do sĩ quan Không quân John Fletcher đứng đầu. Tuy nhiên, người Mỹ không che giấu sự thật rằng căn cứ "T-3" chỉ có mục đích quân sự thuần túy. Và mục đích của nó là tạo ra trên mặt băng một tốp máy bay chở vũ khí hạt nhân.

Ngay sau cái chết của Stalin, đã có một chút giảm căng thẳng trong quan hệ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Những căng thẳng tột độ có phần lắng xuống.

Các sân bay quân sự nổi trên băng đã không còn mang tính chất đối đầu nữa. Bắt đầu thời kỳ của Nikita Khrushchev, người muốn cắt giảm quân sự và bước vào kỷ nguyên của khoa học tên lửa.

Sự phát triển của Bắc Cực dần dần đi theo một hướng khác, hòa bình hơn. Tuy nhiên, dù sao thì lịch sử Bắc cực cũng đã ghi nhận rằng đã có một thời kỳ như thế.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/cuoc-chien-bac-cuc-tu-san-bay-noi-ngoai-khoi-alaska-3385520/