Cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số thế hệ mới
Năm 2025, thế giới bước vào cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số thế hệ mới. Ngân hàng trung ương nhiều nước đã, đang và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực để phát hành và phát triển loại tiền mới này.
Từ trò hề đến biểu tượng tài chính
Một trong những loại hình tiền kỹ thuật số thành công nhất và được chấp nhận thanh toán nhiều nhất hiện nay là Bitcoin. Theo New York Times, giá của 1 đồng Bitcoin đã tăng lên 100.000USD vào ngày 4-12 vừa qua, mức giá phi thường đối với một loại tiền điện tử đã 16 năm tuổi.
Vào tháng 5-2010, Laszlo Hanyecz, một người đam mê tiền điện tử thời kỳ đầu, đã sử dụng Bitcoin để mua 2 chiếc pizza từ Papa John’s với giá 10.000 Bitcoin, hay khoảng 40USD vào thời điểm đó, là một trong những lần mua hàng đầu tiên được thực hiện bằng loại tiền kỹ thuật số này. Đây được coi là bữa tối đắt đỏ nhất trong lịch sử. Vào ngày 4-12, giá của 1 Bitcoin đã tăng lên hơn 100.000USD, một cột mốc đáng chú ý đối với một tài sản tài chính thử nghiệm từng bị chế giễu là trò hề và mốt nhất thời. Tổng chi phí cho những chiếc pizza đó ngày nay là 1 tỷ USD.
Bitcoin hiện được coi là sản phẩm đầu tư thành công nhất trong 20 năm qua. Giá trị của tất cả các đồng tiền đang lưu hành là 2.000 tỷ USD, nhiều hơn tổng giá trị của Mastercard, Walmart và JPMorgan Chase. Việc Bitcoin tăng lên 100.000USD báo hiệu vị thế không thể phủ nhận của nó trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
Đồng tiền ảo này đã trở thành mặt hàng chủ lực của thị trường tài chính, được cả những gã khổng lồ Phố Wall và các nhà đầu tư nghiệp dư đón nhận. Sự tăng vọt của nó cũng khép lại một sự thay đổi đáng kinh ngạc sau khi giá của nó giảm xuống dưới 17.000USD vào năm 2022, khi sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX khiến ngành công nghiệp này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Năm nay, Bitcoin đã trở lại mạnh mẽ. Các cơ quan quản lý liên bang cho phép các công ty Phố Wall cung cấp một sản phẩm tài chính phổ biến gắn liền với đồng tiền này, thu hút hàng tỷ USD đầu tư mới. Sau đó, chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Trump đã đẩy giá của nó lên cao hơn nữa, khi những người đam mê tiền điện tử gọi ông là “tổng thống Bitcoin” đầu tiên.
Bước ngoặt phát triển
Sự xuất hiện tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương (CBDC) là một bước ngoặt trong sự phát triển của các hình thức tiền tệ pháp định. Trên thế giới, có quốc gia đã chính thức phát hành CBDC, cũng có nước đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng hầu hết đang trong giai đoạn nghiên cứu và đánh giá về khả năng phát hành loại tiền tệ mới này.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) với 25 nền kinh tế phát triển và 56 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (chiếm 76% dân số và 94% GDP toàn cầu), đã có trên 90% Ngân hàng trung ương (NHTƯ) tiến hành nghiên cứu về CBDC, 62% trong số đó đã đi vào thử nghiệm kỹ thuật và 26% đang trong quá trình thử nghiệm.
Các quốc gia cũng có những động thái và cách tiếp cận khác nhau đối với CBDC, tùy theo đặc điểm của mỗi nước. Nhóm thứ nhất bao gồm 26 nước, trong đó các quốc gia dẫn đầu đã chính thức triển khai rộng rãi hoặc đang thử nghiệm CBDC diện rộng như: Trung Quốc, Bahamas, Thụy Điển, Uruguay. Nhóm thứ hai khoảng 72 nước, là những quốc gia có động thái tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thử nghiệm, triển khai hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu về CBDC. Nhóm thứ ba gồm 12 quốc gia đang tạm dừng hoặc đã hủy bỏ dự án CBDC.
Theo các chuyên gia, hiện có nhiều điều cần lưu ý liên quan CBDC. Thứ nhất, hiện một số quốc gia đã tiến hành sửa đổi các bộ luật có liên quan, chuẩn bị khung pháp lý cho phát hành CBDC thông qua định nghĩa lại về tiền tệ, các hình thái tiền tệ theo hướng mở rộng hơn, bao gồm cả tiền điện tử do NHTƯ phát hành dưới dạng vật lý và kỹ thuật số.
Ngoài ra, thẩm quyền phát hành tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số, các quy định pháp lý liên quan chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng được sửa đổi bổ sung… Mặc dù còn giữ thái độ thận trọng nhưng một số nơi cũng có những động thái chuẩn bị, như Mỹ với sắc lệnh hành pháp về đảm bảo trách nhiệm với tài sản kỹ thuật số, hay châu Âu với việc đề xuất một dự luật vào tháng 2-2022 làm nền tảng pháp lý cho việc phát hành đồng EUR kỹ thuật số.
Thứ hai, các quốc gia cân nhắc các yếu tố về đặc điểm thiết kế của CBDC bao gồm mô hình phát hành, công nghệ, đối tác cung cấp công nghệ, ứng dụng trong giao dịch, mức độ bảo mật và tính ẩn danh của CBDC. Thứ ba, các cơ chế quản lý, giám sát. Các cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố được đưa ra bằng cách hạ thấp một số tiêu chuẩn, nhằm khuyến khích người dân chưa có tài khoản ngân hàng tiếp cận được như Liên minh tiền tệ Đông Caribe (ECCU) đang thực hiện. Thứ tư, cần có sự chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-cach-mang-tien-te-ky-thuat-so-the-he-moi-post772069.html