Cúng ông Công, ông Táo sao cho văn minh?
Tục cúng ông Công, ông Táo đi vào đời sống văn hóa của người Việt từ lâu, song để việc này không trở thành hủ tục, nhiều gia đình đã có cách làm mới văn minh khi cúng ông Công, ông Táo.
Những ngày cuối năm, dù bận rộn công việc nhưng bà Dương Thị Xuyến ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) vẫn tranh thủ làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Lễ này năm nay không trùng vào ngày nghỉ nên gia đình bà cúng trước từ 1 - 2 ngày để con cháu có dịp quây quần.
“Gia đình tôi chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Tôi thường làm các món ăn truyền thống như gà luộc, nem rán, giò lụa… cùng cá chép vàng để thả phóng sinh sau lễ cúng”, bà Xuyến chia sẻ.
Có cùng quan niệm đó, ông Mạc Văn Nhi ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) cho biết, gia đình ông có 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà nên lễ cúng ông Công, ông Táo được chuẩn bị đầy đủ. Ông Nhi chia sẻ: “Sau lễ cúng tại gia đình, tôi và các cháu cùng đi thả cá, tiễn Táo quân về trời. Tôi mong muốn các cháu hiểu hơn về truyền thống dân tộc và ngày lễ này”.
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục lâu đời ở Việt Nam. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Với mong muốn các vị thần mang đi những vất vả, muộn phiền trong năm cũ để chuẩn bị tâm thế nhẹ nhàng bước vào một năm mới an lành, hạnh phúc, hằng năm, cứ đến dịp 23 tháng chạp, nhiều gia đình lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.
Cuộc sống dần hiện đại nhưng Tết ông Công, ông Táo vẫn giữ được những nét đẹp mang bản sắc truyền thống. Lễ cúng không cần quá rườm rà nhưng cũng phải chỉn chu, đúng với phong tục tập quán của từng vùng. Cá chép là thứ không thể thiếu để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Văn minh, tiết kiệm
Tuy nhiên, để phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình, quan niệm cúng ông Công, ông Táo hiện nay cũng có nhiều thay đổi. Thay vì cúng đúng ngày 23 tháng chạp, nhiều gia đình đã chọn cúng trước 1 - 2 ngày, các thủ tục cũng giản tiện theo hướng tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Lễ cúng ông Công, ông Táo vẫn được gia đình bà Nguyễn Thị Nhài ở xã Hồng Phong (Nam Sách) làm đầy đủ các thủ tục, có bộ đồ lễ ông Công, ông Táo, cá chép... Tuy nhiên, thay vì mua cá chép để phóng sinh, bà Nhài lựa chọn cá chép làm bằng xôi. Mâm cỗ có đầy đủ các món chay, mặn lại thêm phần đẹp mắt bởi đĩa xôi hình cá chép.
Bà Nhài chia sẻ: “Mua cá chép sống ngoài chợ về nhà nếu không giữ cẩn thận cá dễ bị ngạt, chưa kể còn phải tìm nơi phóng sinh cá. Để đơn giản các thủ tục, tôi chọn mua cá chép làm từ xôi vừa đẹp lại tiện lợi. Vàng mã cũng chỉ đốt chút ít tượng trưng cho lòng thành chứ không đốt nhiều như trước. Đốt ít vừa đỡ tốn kém lại bảo vệ môi trường”.
Thả cá chép là phong tục không thể thiếu với nhiều gia đình trong lễ cúng ông Công, ông Táo. Bởi cá chép không chỉ được cho là phương tiện giúp Táo quân chầu trời, mà còn thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân.
Ngoài ra, thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực thả cá. Tuy nhiên, việc thả cá chưa đúng cách cùng với ý thức chưa tốt của một bộ phận người dân lại ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Do vậy, nhiều gia đình đã thay đổi trong lễ cúng ông Công, ông Táo nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Thay vì thả cá, thậm chí cả túi ni lông cùng đồ lễ xuống các sông, hồ thì người dân có ý thức trong bảo vệ môi trường. Cá được thả ở những vị trí thích hợp, túi ni lông được thu gom gọn gàng, vàng mã cũng đốt ít hơn trước. Điều này thể hiện sự văn minh nhưng vẫn gìn giữ nét đẹp của người Việt trong phong tục truyền thống.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cung-ong-cong-ong-tao-sao-cho-van-minh-403489.html