Cung cầu trong giáo dục

Điểm chuẩn vào ngành sư phạm quá thấp đang gây lo ngại trong công luận. Để lý giải hiện tượng này nhiều người đổ lỗi cho đồng lương giáo viên thảm hại trong khi hầu như họ không có cơ hội thăng tiến như những ngành nghề khác.

Ngành giáo dục của Việt Nam đang phải trả giá vì chưa quan tâm đúng mức đến quy luật cung cầu. Ành: Thành Hoa

Có người cho là sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm, xin một chỗ đi dạy với đồng lương thấp như thế cũng phải tốn tiền chạy chọt. Người khác nói đến vị thế của người thầy không còn như xưa nên không còn hấp dẫn giới trẻ.

Tất cả lý giải đều đúng nhưng bản chất của các biểu hiện bên ngoài này nói lên điều gì? Có phải do ngành giáo dục không bắt chước được ngành công an, quân đội tức không có chính sách ưu tiên về học phí và sinh viên không được phân công công việc sau khi ra trường như khẳng định của ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo?

Thiết nghĩ bản chất của vấn đề nằm ở chỗ ngành giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến quy luật cung cầu nên đang phải trả giá.

Đã từ lâu nhiều nhà thống kê đã cảnh báo cơ cấu dân số Việt Nam đang trải qua những thay đổi rất lớn. Tháp dân số trước đây phình ra ở độ tuổi đi học vì mỗi nhà sinh nhiều con, dẫn tới số lượng học sinh tăng vọt nay lại tóp ở dưới và phình ra ở trên. Chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một hoặc hai con, thay đổi trong mức sống, thay đổi trong suy nghĩ... dẫn tới số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học giảm mạnh. Người ta chỉ nhìn vào tăng trưởng số học sinh và trường lớp ở một vài thành phố lớn do tăng dân số cơ học mà bỏ qua thực tế này, diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Chính vì thế nhu cầu giáo viên giảm mạnh, sinh viên ngành sư phạm ra trường vất vả lắm mới kiếm được một chỗ dạy.

Lẽ ra trong bối cảnh đó, ngành giáo dục phải công bố rõ ràng các con số liên quan và cảnh báo nạn dư thừa giáo viên từ nhiều năm trước chứ không phải lâu lâu đưa ra dự báo: đến năm 2020 sẽ có 70.000 cử nhân sư phạm ra trường không có chỗ để dạy. Lẽ ra ngành giáo dục phải tính toán chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm để giao cho chính xác.

Trong thực tế, đã từng có hiện tượng nở rộ trường sư phạm trong cả nước, tỉnh nào cũng mở trường đào tạo giáo viên bất kể nhu cầu. Điều đáng nói là để các trường này vẫn hoạt động, có thể là để giảng viên các trường này vẫn có việc để làm, người ta hầu như đã không làm gì khi cho các trường tuyển sinh với điểm chuẩn ngày càng giảm. Có thể nói quy luật cung cầu chưa được chú trọng dẫn đến việc hình thành cầu giả tạo cho ngành sư phạm và đẩy cái khó cho các sinh viên với một tương lai mờ mịt khi họ phải đối diện với nhu cầu thật sự của xã hội.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163635/cung-cau-trong-giao-duc.html