Covid-19 tăng tốc, thế giới lo ngại

Các quốc gia từ Mỹ cho đến Nam Phi, Ấn Độ đang vật lộn để ngăn dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan đáng sợ, trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu từ đã vượt hơn 600.000 người, dấu hiệu cho thấy thế giới còn rất xa mới có thể trở lại trạng thái bình thường.

Các quốc gia từ Mỹ cho đến Nam Phi, Ấn Độ đang vật lộn để ngăn dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan đáng sợ, trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu từ đã vượt hơn 600.000 người, dấu hiệu cho thấy thế giới còn rất xa mới có thể trở lại trạng thái bình thường.

Các nhân viên y tế chờ đợi để kiểm tra người dân ra vào một ngôi đền ở Mumbai, Ấn Độ hôm 18-7. Ảnh: AP

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 19-7 ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đáng sợ mỗi ngày trên toàn cầu trong ngày thứ hai liên tiếp, với tổng số 259.848 ca trong 24 giờ qua.

Reuters dẫn báo cáo hàng ngày cho thấy, mức tăng cao nhất được báo cáo ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Số người chết tăng 7.360, mức tăng một ngày lớn nhất kể từ hôm 10-5. Số người chết trung bình là 4.800 ca mỗi ngày trong tháng 7, so với mức trung bình 4.600 ca mỗi ngày trong tháng 6. Tổng số ca Covid-19 trên toàn cầu vượt qua con số 14 triệu hôm 17-7, đánh dấu cột mốc quan trọng mới trong quá trình lây lan của dịch bệnh đã giết chết hơn 600.000 người chỉ trong 7 tháng qua. Con số gia tăng này có nghĩa là 1 triệu ca nhiễm được báo cáo trong vòng chưa đến 100 giờ. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, ca tử vong trên toàn cầu đã chạm mốc 601.549. Mỹ đứng đầu danh sách với 140.119 người chết, tiếp theo là Brazil (78.772 ca) và Anh (45.358 ca) và Mexico (38.888 ca), nơi ca nhiễm mới đã khiến các kế hoạch mở lại nền kinh tế trở nên mịt mờ.

Mỹ vẫn là “nơi nguy hiểm nhất”

Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới với hơn 3,7 triệu ca, đã nỗ lực kiềm chế sự bùng phát ở cấp tiểu bang và địa phương nhưng vẫn khó thành công.

Tại nước này, số ca nhiễm mới lập kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp với hơn 77.600 ca trong vòng 24 giờ tính đến ngày 18-7 (giờ Mỹ). Số ca mới đang tăng vọt ở các tiểu bang như Florida, Texas, Arizona, do sự bế tắc của việc ban bố lệnh phong tỏa và sự kháng cự của một số người Mỹ trong việc đeo khẩu trang. Các nhóm y tế quân sự đã được triển khai ở Texas và California để giúp các bệnh viện đối phó với số lượng bệnh nhân khổng lồ đang tràn vào phòng cấp cứu ở các vùng. Tại một số thành phố ở Texas và Arizona, các nhà xác đã không còn chỗ, buộc chính quyền phải đặt thi thể nạn nhân Covid-19 trong các thùng xe tải đông lạnh. Tại Texas, hơn 80 trẻ sơ sinh đã được xét nghiệm dương tính với virus trong tiểu bang hôm 18-7.

Tình hình dịch bệnh trầm trọng càng làm sâu sắc thêm sự mâu thuẫn trong giới lãnh đạo Mỹ về việc đeo khẩu trang và đóng cửa trường học. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc vì cho rằng người dân cần có sự tự do nhất định. Trong khi đó, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, kêu gọi các quan chức lãnh đạo cần hành động mạnh mẽ nhất có thể trong việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Trong khi Mỹ vẫn loay hoay với dịch bệnh, Nam Phi hiện là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề thứ 5 do đại dịch với 350.879 ca nhiễm – chiếm gần một nửa số ca nhiễm được xác nhận ở lục địa đen. Tại Tây Ban Nha, chính quyền nước này đã kêu gọi 4 triệu dân tại thành phố Barcelona, thủ phủ của xứ Catalonia “hãy ở nhà” giữa bối cảnh số ca nhiễm tại thành phố này đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần. Đây là một trong những nước Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh khi đã xác định hơn 150 ổ dịch mới trên khắp đất nước. Tại Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, khoảng 25 triệu người dân Iran đã mắc Covid-19 và có khả năng 30 đến 35 triệu người có thể mắc bệnh trong bối cảnh nước này không có miễn dịch cộng đồng.

Ấn Độ cũng đang nỗ lực kiểm soát lại tình hình khi trở thành quốc gia thứ 3 của thế giới ghi nhận hơn 1 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Brazil. Thông báo của Hiệp hội y khoa Ấn Độ (IMA) hôm 18-7 cho biết, virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan trong cộng đồng và tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ “khá tồi tệ”. Theo bác sĩ Monga, Chủ tịch Hội đồng các bệnh viện thuộc IMA, hiện các ca bệnh đã tăng theo cấp số nhân và “đây thực sự là tình huống tồi tệ và nhìn chung dịch bệnh đã lan tới nông thôn, nơi rất khó kiểm soát tình hình”.

Tăng tốc chạy đua sản xuất vaccine

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tăng tốc đáng sợ trên toàn cầu, các nước tăng tốc cuộc đua sản xuất vaccine. Hiện tại, các nước, các Cty, trường đại học, viện nghiên cứu khác đang tích cực thúc đẩy chương trình phát triển vaccine.

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu cuộc đua này với nhiều loại vaccine tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Nhật Bản cũng chạy nước rút khi cho biết về kỳ vọng giữa năm 2021 sẽ bắt đầu cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Trong khi đó, tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mục tiêu nghiên cứu vaccine là ưu tiên hàng đầu. Nước này hiện đang thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vaccine do nước mình nghiên cứu. Trong tuyên bố bất ngờ, một quan chức hàng đầu của Nga cho biết, nước này có thể công bố vaccine vào tháng 9, đồng thời bác bỏ cáo buộc tin tặc làm việc cho cơ quan tình báo trong nước đang cố gắng đánh cắp dữ liệu nhạy cảm từ các nhà nghiên cứu đối thủ như Anh, Mỹ và Canada. “Nga có thể là một trong những nước đầu tiên sản xuất vaccine”, Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), tài trợ cho nghiên cứu vaccine cho biết. Nước này trước đó cho biết có kế hoạch sản xuất 30 triệu liều trong năm nay. Mục tiêu cuối cùng là sản xuất khoảng 170 triệu liều để sử dụng bên ngoài lãnh thổ nước Nga.

Tại Mỹ, Cty công nghệ sinh học Moderna mới đây thông báo sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 3 với 30.000 người Mỹ cuối tháng này. Trong các giai đoạn trước, loại vaccine này đã bước đầu chứng minh có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân với virus SARS CoV-2. Triều Tiên trở thành cái tên mới nhất tham gia cuộc đua này này khi ngày 18-7, Hội đồng nghiên cứu khoa học nước này cho biết đang triển khai dự án phát triển vaccine nội địa phòng chống virus gây bệnh Covid-19. Theo báo cáo đăng trên Mirae, website của Ủy ban nhà nước về khoa học và công nghệ của Triều Tiên, các nhà khoa học của nước này đang thực hiện khâu thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Covid-19 được phát triển nội địa. Sau quá trình thử nghiệm ở động vật, các chuyên gia Triều Tiên phát hiện vaccine có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS CoV-2, và nó cũng an toàn khi sử dụng.

KHẢ ANH

Do Covid-19, ông Trump lần đầu tiên tranh cử qua điện thoại

CNN ngày 19-7 đưa tin: trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Tổng thống Donald Trump đã quyết định sẽ tranh cử qua điện thoại.

Ông Trump đã thực hiện cuộc vận động tranh cử trên điện thoại đầu tiên hôm 17-7, kéo dài 23 phút. “Tôi muốn đồng hành cùng mọi người, tôi tin cách này có thể thay thế được các cuộc gặp mặt trực tiếp”, ông Trump nói trên điện thoại. Trong cuộc vận động tranh cử qua điện thoại đầu tiên này, ông Trump đề cập cách chính quyền ông phản ứng với Covid-19 cũng như những chỉ trích của ông về ứng viên đảng Dân chủ - ông Joe Biden. Ông cũng lưu ý rằng chính quyền ông đang làm rất tốt trong việc tìm kiếm vaccine ngừa dịch bệnh, và cho đến khi đại dịch được kiểm soát thì các hoạt động tranh cử trực tiếp mới có thể diễn ra.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_228248_covid-19-tang-toc-the-gioi-lo-ngai.aspx