Công ty chứng khoán cấp tập 'bơm máu'
Những ngày cuối năm 2021, thị trường liên tục đón nhận thông tin các công ty chứng khoán gia tăng năng lực tài chính để chuẩn bị cho năm 2022 dự kiến giao dịch sôi động hơn.
Thêm nhiều nguồn vốn lớn
Ngày 20/12/2021, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD (tương đương 2.374 tỷ đồng) với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB). Trước đó, HSC đã có 2 lần ký kết khoản vay lần lượt là 50 triệu USD và 44 triệu USD với các định chế tài chính Đài Loan.
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc HSC, khoản vay 104 triệu USD sẽ được Công ty sử dụng để phát triển các hoạt động kinh doanh. HSC đã hoàn tất việc tăng vốn chủ sở hữu lên 7.300 tỷ đồng, tổng tài sản hiện đạt gần 24.000 tỷ đồng, gấp đôi so với 1 năm trước.
Trước thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, HSC chuẩn bị cho các điều kiện thị trường mới bằng cách đẩy mạnh năng lực tài chính thông qua hai cách: tăng vốn chủ sở hữu và vay ngân hàng nhiều hơn.
Cũng sử dụng nguồn vốn nước ngoài là Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV). Công ty này vừa tăng vốn điều lệ từ 810 tỷ đồng lên gần 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm đến từ công ty mẹ là Shinhan Investment Corp (Hàn Quốc), giúp SSV gia tăng năng lực cung cấp nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ (margin), tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống, cải tiến quy trình. Đồng thời, đây là đòn bẩy giúp Công ty tham gia tích cực vào thị trường bán lẻ, mở rộng phát triển dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Tương tự SSV, Công ty Chứng khoán Pinetree tăng vốn điều lệ lên hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai trong năm 2021, Pinetree thực hiện tăng vốn nhằm mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh số hóa và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khách hàng, trong đó có việc tăng hạn mức và danh mục cho vay margin.
Thực tế cho thấy, việc các định chế tài chính nước ngoài rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam là những thương vụ đầu tư khá hấp dẫn. Đơn cử, tại Pinetree, chỉ hơn 2 năm kể từ ngày chính thức được Hanwha Investment & Securities đầu tư, Pinetree bắt đầu có lãi và liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Nhờ lợi thế vốn rẻ từ công ty mẹ, Pinetree áp dụng chính sách phí giao dịch 0 đồng trọn đời, lãi suất margin 9%/năm, nên thu hút đông đảo khách hàng.
Các công ty chứng khoán trong nước được nhìn nhận sẽ không nằm ngoài cuộc đua tăng vốn, mặc dù năm 2021, khối công ty này đã thu hút vốn mạnh mẽ từ cổ đông.
Công ty Chứng khoán VIX vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Trước đó, cuối tháng 10/2021, Công ty đã huy động được 1.262 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Không ít công ty chứng khoán khác như Chứng khoán SSI, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội… có kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm 2022.
Thị trường chứng khoán tiếp tục hấp dẫn đầu tư
Gần đây, thị trường tiếp tục có sự bùng nổ về số lượng tài khoản chứng khoán khi ngày càng có thêm nhà đầu tư mới (F0) tham gia. Không chỉ các F0 mạnh tay nạp tiền vào tài khoản, mà nhiều nhà đầu tư Fn từng bỏ bê chứng khoán cả chục năm cũng đã quay lại.
Ngoài vốn tự có, các nhà đầu tư mạnh tay sử dụng vốn vay thông qua nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin). Vì thế, không ít công ty chứng khoán luôn trong tình trạng “căng” margin, trong khi nhu cầu đầu tư cho công nghệ, nhân sự… gia tăng. Vì thế, cuộc đua huy động vốn của các công ty chứng khoán được nhìn nhận sẽ tiếp tục “nóng”.
Nói về thị trường giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2022, nhiều nhà đầu tư lâu năm cho rằng, thanh khoản sẽ không sụt giảm, bởi cả nhà đầu tư và doanh nghiệp bỏ vốn vào chứng khoán qua các tài khoản cá nhân, vì các cơ hội đầu tư, kinh doanh khác đều hiếm hoi. Theo đó, dòng tiền phần lớn quanh quẩn trên các tài khoản chứng khoán, thậm chí có thể tiếp tục tăng nhằm đầu tư kiếm lời, chi tiêu dịp Tết.
Một yếu tố khác khiến dòng tiền cuối năm nay có thể nằm ngoài “quy luật” rút tiền là không ít cổ phiếu tiếp tục được “đánh lên” sẽ làm “nở” dư địa cho vay margin ở các công ty chứng khoán, đặc biệt tại công ty chứng khoán nước ngoài vẫn trường vốn do công ty mẹ rót về. Lượng tiền sẵn sàng cho vay margin này sẽ được tung tiếp vào thị trường, tạo ra vòng quay mới.
Nhìn vào tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân/dân số Việt Nam mới đạt 3,48%, trong khi ở Thái Lan là 6,69%, Trung Quốc là 20,48%, Hàn Quốc là 73,88%, nhiều thành viên thị trường nhìn nhận, dù có những rung lắc, nhưng “bữa tiệc chứng khoán” sẽ còn kéo dài.
Theo kịch bản cơ sở cho thị trường chứng khoán năm 2022 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, công ty này dự phóng, VN-Index có thể đạt 1.700 điểm.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) nhận định, thị trường năm 2022 có khả năng sẽ biến động mạnh, với nhiều con sóng tăng giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là đi lên. Giá trị giao dịch sẽ cao hơn năm 2021, bình quân mỗi phiên trên cả 3 sàn ước đạt 28.000 - 30.000 tỷ đồng.
VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm bất động sản, ngân hàng và các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên như dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu...
Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đầu tư đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng lớn thứ hai sau 15 năm, kể từ giai đoạn 2006 - 2007. Ở làn sóng thứ nhất, nhà đầu tư trong nước vẫn còn lạ lẫm với chứng khoán và thị trường được dẫn dắt bởi dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài (thông qua các công ty quản lý quỹ ngoại) chảy mạnh vào đón đầu quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Lần này, thị trường chứng kiến sự chủ động gia nhập của nhà đầu tư trong nước, tự tin mua lại lượng bán ròng kỷ lục của nhà đầu tư ngoại lên tới hơn 4 tỷ USD trong 2 năm qua. Gần đây, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân liên tục tăng lên, chiếm tỷ trọng 90 - 95% tổng giao dịch, một kỷ lục mới.
Nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức đầu tư đã sớm nhận ra xu hướng lớn này và đang có những thay đổi về chiến lược để thích nghi và tận dụng cơ hội mới, trong đó hướng sự ưu tiên phục vụ nhiều hơn tới nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Xu hướng chung là ngày càng nhiều người coi đầu tư chứng khoán là một kênh tài sản. Khi tích lũy và thu nhập vượt qua mức chi tiêu cơ bản, người dân sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời bên cạnh việc có một tài khoản gửi ngân hàng với lãi suất ngày càng thấp. Ở các nước có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển đi trước Việt Nam, cùng với bất động sản thì kênh tài sản sinh lời tốt và được lựa chọn nhiều nhất luôn là chứng khoán.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cong-ty-chung-khoan-cap-tap-bom-mau-post288035.html